Do quá trình phát triển quá gấp rút, thử nghiệm thì chỉ được vài tháng, còn rất nhiều vấn đề khoa học chưa hiểu rõ về vắc xin COVID-19, dù là của Mỹ, Nga, hay Trung Quốc sản xuất.
Từ đây đến cuối tháng 12, một số quốc gia sẽ phân phối những liều vắc xin COVID-19 đầu tiên đến người dân. Mỹ, Canada, các nước châu Âu, Singapore... đang dẫn đầu thế giới nhờ các hợp đồng mua vắc xin sớm.
Đây là một cột mốc hứa hẹn nhưng không ai nói trước được đại dịch khi nào sẽ kết thúc. Còn rất nhiều câu hỏi bỏ ngỏ, ví dụ tiêm vắc xin rồi có lây không, vắc xin tạo hiệu quả miễn dịch trong bao lâu, nếu miễn dịch mất nhanh thì có cần tiêm phòng mỗi năm một lần...?
Cần lưu ý rằng tất cả vắc xin COVID-19 trên thế giới hiện nay đều được phê duyệt theo cơ chế khẩn cấp, tức còn rất nhiều dữ liệu chưa đầy đủ. Ví dụ vắc xin của hãng Sinovac của Trung Quốc chưa công bố dữ liệu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 nhưng đã tiêm cho cả triệu người.
Sau đây là một số vấn đề có thể nhiều người sẽ thắc mắc, phần trả lời tổng hợp từ Đài CNN và trang New Scientist:
Vắcxin có bảo vệ khỏi nhiễm COVID-19? Nếu có, tại sao tôi vẫn phải đeo khẩu trang?
Theo giáo sư Leana Wen, Đại học George Washington, Mỹ, vắc xin của Pfizer/BioNTech đạt hiệu quả cao trong việc ngăn COVID-19 bộc phát triệu chứng, hoặc nếu có thì không nặng đến mức phải thở máy.
Điều đó có nghĩa vắc xin chỉ ngăn chặn triệu chứng hoặc triệu chứng nặng, chứ không bảo vệ con người khỏi nhiễm virus. Người đã tiêm vắc xin vẫn có khả năng mang virus trong đường hô hấp và phát tán ra xung quanh khi nói chuyện, thở, hắt hơi...
Đây là lý do các bác sĩ khuyên vẫn phải mang khẩu trang, giữ khoảng cách kể cả sau khi tiêm vắc xin để đề phòng lây cho người xung quanh.
Vậy từ nay về sau tôi phải mang khẩu trang suốt?
Không hẳn, nhưng phải chờ ít nhất đến khi đạt được miễn dịch cộng đồng. Ở Mỹ - nước đi tiên phong tiêm vắc xin, người ta ước tính cần ít nhất 70% dân số (khoảng 230 triệu người) tiêm ngừa mới đạt được miễn dịch cộng đồng.
Hiện Pfizer đang tiến hành nghiên cứu về khả năng ngăn chặn virus lây lan của vắc xin. Đây có lẽ là mấu chốt của miễn dịch cộng đồng. Nếu vắc xin không làm được điều này và tỉ lệ người tiêm phòng không đủ cao, con người sẽ còn phải sống chung với COVID-19 khá lâu.
Hiệu quả miễn dịch của vắc xin kéo dài bao lâu?
Ở thời điểm này không ai biết được. Lý do là các thử nghiệm lâm sàng trong điều kiện khẩn cấp không nhằm mục đích trả lời câu hỏi này. Những người tình nguyện thử vắc xin của Pfizer chỉ mới được tiêm liều thứ 2 cách đây chừng 4 tháng.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nói chỉ cần miễn dịch kéo dài tối thiểu 6 tháng là chấp nhận được. Vấn đề này sẽ rõ ràng hơn theo thời gian khi các nhóm tham gia thử nghiệm được theo dõi liên tục.
Đó là nói về vắc xin Mỹ. Trong nhóm tiên phong thì chỉ mới có Nga "quảng cáo" hiệu quả của vắc xin Sputnik V tối đa là 2 năm. Các chuyên gia y tế nhận xét trường hợp tệ nhất thì mỗi năm phải tiêm nhắc lại.
Đa số vắc xin COVID gồm 2 liều, nếu bỏ qua liều thứ 2 thì có sao không?
Cần phải tiêm đủ 2 liều để đạt được miễn dịch. Trong thử nghiệm của Pfizer, khoảng thời gian giữa 2 liều là 19-42 ngày. Chỉ có 2% người tình nguyện bỏ qua liều thứ 2 nên không rõ tình huống nào xảy ra với họ.
Vắc xin có bảo vệ tất cả mọi người?
Không. Trong thử nghiệm lâm sàng của Pfizer trên 20.000 người, có 8 người nhiễm COVID-19 và 1 người bị bệnh nặng. Ngược lại, 164 người được tiêm giả dược mắc bệnh, 9 người bị nặng.
Hiện các nhà nghiên cứu chưa hiểu tại sao một số người không phản ứng với vắc xin, nhưng tỷ lệ thành công 95% đã là rất tốt.
Người cao tuổi và bệnh nền có tiêm được không?
Được. Nhóm tình nguyện trong độ tuổi 65-85 có phản hồi tốt với vắc xin của Pfizer, đạt tỷ lệ khoảng 94%. Nhóm trên 85 tuổi chưa được thử nghiệm.
Theo BioNTech, vắc xin có hiệu quả với mọi giới tính, chủng tộc và độ tuổi. Họ đã thử nghiệm trên người mắc bệnh nền như tiểu đường, ung thư, viêm gan B, HIV... đều cho ra phản ứng tốt.
Theo Tuổi trẻ