50 năm qua, Hải Dương luôn khắc ghi lời dặn trong Di chúc của Bác "Phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế, văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân".
Công ty TNHH Mizuho Precision Việt Nam (vốn đầu tư Nhật Bản, ở khu công nghiệp Phúc Điền) chuyên sản xuất, lắp ráp các thiết bị điện tử dùng cho thiết bị văn phòng tự động và các loại thiết bị điện, điện tử khác
Vượt lên trở ngại
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, khi sản xuất bị bủa vây bởi nhiều khó khăn, địch phá hoại, thiên tai tàn phá, Hải Dương vẫn nỗ lực vươn lên. Với quyết tâm khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định cuộc sống và hết lòng chi viện cho tiền tuyến, người dân trong tỉnh đã đoàn kết, đồng lòng làm nên những kết quả đáng tự hào. Khí thế từ các phong trào thi đua sản xuất sôi nổi trên khắp các cánh đồng, công trường. Thời kỳ này, tỉnh đã hình thành vùng sản xuất chuyên canh làm tiền đề cho phát triển nông nghiệp hàng hóa, tập trung về sau.
Khi đất nước thống nhất, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh tiếp tục chung sức, vượt qua gian khó, từng bước khôi phục, phát triển kinh tế và tạo được nhiều chuyển biến tích cực. Với mục tiêu tổ chức lại sản xuất, cải tiến một bước quản lý nông nghiệp theo hướng xã hội chủ nghĩa, tỉnh chủ trương xây dựng HTX trọng điểm, nhân rộng mô hình HTX tiên tiến để đưa sản xuất nông nghiệp của tỉnh tiến lên mạnh mẽ, vững chắc, đồng đều. Tỉnh đặt ra nhiệm vụ cụ thể là mỗi huyện, thị xã phải có từ 1-2 HTX phát triển cả 3 ngành sản xuất là trồng trọt, chăn nuôi và nghề thủ công.
Vừa sản xuất, vừa thực hành tiết kiệm nên nền kinh tế của tỉnh đã có nhiều khởi sắc. Hải Dương liên tục đạt được mục tiêu 6 tấn thóc/ha/năm. Đi đôi với đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, tỉnh tập trung chỉ đạo phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Đây là thời điểm tỉnh đổi mới cơ chế quản lý, thực hiện quyền chủ động của cơ sở trong sản xuất, kinh doanh.
Thực hiện công cuộc đổi mới (từ năm 1986) trên cơ sở tổng kết thực tiễn và điều kiện cụ thể, Tỉnh ủy đã đề ra giải pháp phù hợp, thúc đẩy nền kinh tế phát triển, lấy hiệu quả kinh tế, xã hội làm công cụ chủ yếu để điều tiết thị trường và điều hành kế hoạch. Nhờ vậy mà cơ cấu kinh tế của tỉnh có những bước chuyển dịch quan trọng. Từ ngành nông nghiệp còn mang tính tự cung, tự cấp, độc canh cây lúa đã chuyển sang sản xuất hàng hóa đa ngành gồm lúa, cây ăn quả, cây công nghiệp. Việc bố trí sắp xếp lại cơ cấu nhằm khai thác tốt hơn lợi thế sẵn có, góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích.
Hải Dương cũng đã từng bước hình thành cơ cấu công nghiệp hợp lý dựa trên tiềm năng lao động, tài nguyên, lợi thế về hợp tác đầu tư. Tỉnh cũng chú trọng phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm kinh doanh ổn định, cạnh tranh lành mạnh. Với kinh tế tư nhân, cá thể, tỉnh tạo môi trường thuận lợi để chủ thể sản xuất yên tâm, mạnh dạn đầu tư. Kiên trì thực hiện đường lối đổi mới, tỉnh đã thu được những kết quả khá nổi bật. Năm 1995, giá trị sản xuất trên 1 ha đất nông nghiệp đạt 26 triệu đồng/ha. Ngành công nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng 15%/ năm. Các ngành dịch vụ phát triển đa dạng với tốc độ tăng trưởng 10%/năm.
Phát triển toàn diện
Ngày 1.1.1997, sau 28 năm hợp nhất với Hưng Yên, tỉnh Hải Dương được tái lập. Trong điều kiện bộn bề khó khăn và trước tình hình phát triển mới, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh các nhiệm kỳ đã tập trung trí tuệ, tìm quyết sách lãnh đạo, khai thác, tận dụng tiềm năng, lợi thế từng vùng. Những thành tựu từ công cuộc đổi mới đã giúp tỉnh xác định đúng đắn chiến lược phát triển với lộ trình và bước đi phù hợp, tạo bước đột phá vươn lên. Cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng trồng trọt, tăng tỷ trọng chăn nuôi và dịch vụ nông nghiệp. Trong nội bộ từng ngành cũng có chuyển biến tích cực. Cây rau màu, cây ăn quả dần chiếm ưu thế với những vùng chuyên canh hàng hóa, tập trung. Đàn gia súc, gia cầm phục vụ nhu cầu tiêu dùng phát triển mạnh. Kinh tế đồi rừng cũng được quan tâm chú trọng.
Khai thác lợi thế nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ của tỉnh không ngừng lớn mạnh. Tỉnh định hướng phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, tập trung đầu tư chiều sâu, đổi mới thiết bị công nghệ, từng bước hiện đại hóa các cơ sở sản xuất hiện có. Ưu tiên phát triển công nghiệp sản xuất các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ sạch, các sản phẩm công nghiệp có lợi thế cạnh tranh và công nghiệp phụ trợ.
Nhờ có đường lối phát triển đúng đắn mà tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh tăng liên tục qua các năm. Bình quân giai đoạn từ năm 1997-2000 tăng 8,6%/năm, giai đoạn từ năm 2000-2005 tăng 10,8%/năm, giai đoạn từ năm 2005- 2010 tăng 9,8%/ năm, giai đoạn từ năm 2010-2015 tăng 7,7%/năm, năm 2018 tăng 9,1%. Từ năm 2017, Hải Dương là một trong 16 tỉnh, thành phố trên cả nước tự cân đối thu chi và có phần điều tiết về ngân sách Trung ương. Riêng năm 2018, thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt 16.590 tỷ đồng, tăng hơn 41 lần so với năm 1997 (399,4 tỷ đồng). Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh không ngừng được tăng cao.
ăm 2005 đạt 7,9 triệu đồng/người/năm, cao gấp 2,1 lần so với năm 1996; năm 2010 đạt 24,4 triệu đồng/người/năm, gấp 3 lần năm 2005. Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 2.540 USD/người, tăng 530 USD/người; tỷ lệ hộ nghèo còn 2,53%, giảm 0,66% so với năm 2015. Từ một tỉnh thuần nông, Hải Dương hiện có 13 đô thị, trong đó TP Hải Dương đạt đô thị loại I và TP Chí Linh là đô thị loại III. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt những kết quả tích cực. Tính đến tháng 6.2019, toàn tỉnh có 173/220 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đô thị được nâng cấp, mở rộng, diện mạo nông thôn ngày càng khang trang nên điều kiện sống của người dân cả thành thị và nông thôn đều được nâng cao.
Sau 50 năm thực hiện Di chúc của Bác, nền kinh tế của tỉnh Hải Dương đã phát triển toàn diện. Những lợi thế trong phát triển kinh tế được tỉnh khai thác hiệu quả, góp phần làm thay đổi đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Những thành tựu này là điểm tựa để tỉnh tiếp tục có những bước tiến vững chắc trong phát triển kinh tế trong thời gian tới.
DŨNG CƯỜNG
Kỳ sau: Lan tỏa phong trào đền ơn đáp nghĩa