Thời điểm hiện tại, cả 5 tuyến cáp quang biển mà các nhà mạng tại Việt Nam sử dụng, khai thác để cung cấp dịch vụ cho người dùng đều hoạt động bình thường.
Ngày 5/12, đại diện một nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam cho biết đối tác quốc tế đã sửa xong sự cố xảy ra ngày 27/9 trên tuyến cáp quang biển quốc tế Asia Africa Europe 1 (AAE-1) vào chiều 22/11 và hiện tuyến cáp này đã hoạt động ổn định trở lại.
Là 1 trong 5 tuyến cáp quang biển chiếm phần lớn dung lượng kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế, AAE-1 đóng vai trò nâng cao chất lượng kết nối hướng châu Âu, Trung Đông cũng như cung cấp bổ sung thêm dung lượng và dự phòng tới các hướng kết nối đi Hong Kong (Trung Quốc) và Singapore.
Sự cố xảy ra vào sáng 27/9 đã gây mất dung lượng trên hướng cáp kết nối đi Singapore của tuyến AAE-1.
Vị đại diện trên cũng cho hay vào ngày 6/11, đối tác quốc tế cũng đã hoàn thành công tác sửa chữa, khắc phục sự cố trên nhánh cáp gần trạm cập bờ Vũng Tàu (Việt Nam) của tuyến cáp quang biển quốc tế Asia America Gateway (AAG).
Tuyến cáp biển AAG được đưa vào khai thác từ tháng 11/2009. Có tổng chiều dài hơn 20 ngàn km, tuyến cáp này kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ.
AAG đi qua Malaysia, Singapore, Thái Lan, Việt Nam (nhánh cáp rẽ vào Việt Nam dài 314km, điểm cập bờ tại Bà Rịa - Vũng Tàu), Brunei, Hong Kong (Trung Quốc), Philippines và Mỹ.
Như vậy, thời điểm hiện tại, cả 5 tuyến cáp quang biển mà các nhà mạng tại Việt Nam sử dụng, khai thác để cung cấp dịch vụ cho người dùng, gồm AAG, APG, AAE-1, SMW3 và IA (còn gọi là Liên Á) đều đang duy trì hoạt động bình thường.
Trước đó, vào cuối năm 2022 và đầu năm 2023, cả 5 tuyển cáp quang biển kể trên đã cùng gặp sự cố. Tình huống hy hữu này đã gây khó khăn lớn cho các doanh nghiệp viễn thông tại Việt Nam trong việc bảo đảm chất lượng dịch vụ Internet quốc tế cho các khách hàng. Khó khăn này đã được Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông giải quyết trong quý II/2023.
Theo ước tính của các chuyên gia, tổng dung lượng Internet Việt Nam đi quốc tế qua 5 tuyến cáp này là khoảng 18 Tbps, với hiệu suất sử dụng khoảng 65%.
Khi 1 tuyến gặp sự cố thì hiệu suất sử dụng lên 90%, lúc này chất lượng dịch vụ không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, khi có từ 2 tuyến cáp biển gặp sự cố cùng lúc, hiệu suất sử dụng các tuyến cáp biển là trên 100% và lúc này thì chất lượng dịch vụ bị ảnh hưởng.
Để khắc phục, nhiều giải pháp đã được triển khai, cụ thể như các doanh nghiệp viễn thông có sở hữu dung lượng đi quốc tế đã tổ chức ký hợp đồng hoán đổi dung lượng.
Khi mất đồng thời toàn bộ dung lượng trên 2 tuyến cùng lúc, các nhà mạng cũng đã bổ sung, ứng cứu dung lượng tối đa trên cáp đất và các tuyến cáp còn lại để đáp ứng nhu cầu kết nối Internet quốc tế.
Phát biểu tại sự kiện Ngày Internet Việt Nam 2023 mới đây, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long nhấn mạnh Internet Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, đã và đang mang lại nhiều cơ hội cho sự phát triển kinh tế đất nước.
Tuy vậy, ông Long cũng đánh giá hạ tầng Internet nói chung của Việt Nam còn hạn chế so với quy mô người dùng Internet và dân số. Một minh chứng cho nhận định này là các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam chỉ đang khai thác, sử dụng 5 tuyến cáp quang biển.
Thứ trưởng Phạm Đức Long cũng cho biết Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng và sẽ sớm ban hành Chiến lược/Kế hoạch phát triển cáp quang quốc tế Việt Nam, với mục tiêu là đảm bảo hạ tầng số Việt Nam phát triển an toàn, bền vững.
Trước đó, hồi cuối tháng 9/2023, đại diện Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, dự kiến đến cuối năm 2026, hệ thống cáp biển kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế sẽ được đưa vào sử dụng bổ sung 3 tuyến ADC, SJC2, ALC có các doanh nghiệp viễn thông trong nước tham gia đầu tư.
Mục tiêu đến năm 2030 số tuyến cáp biển mà các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam tham gia đầu tư thêm tối thiểu 6 tuyến, trong đó có khoảng 3 tuyến do doanh nghiệp viễn thông Việt chủ trì.
Theo Vietnam+