Đời sống

5 thói quen nhà bếp gây độc hại

T.H (theo VnExpress) 20/02/2024 15:17

Sử dụng rau củ hỏng, dùng đũa hơn 6 tháng không thay, chiên lại dầu thừa và hiếm khi bật máy hút mùi là những thói quen rất hại cho sức khỏe.

5 thói quen nhà bếp gây độc hại

Ăn trái cây, rau củ hư hỏng

Một số người có thói quen tiếc rẻ thực phẩm nên nhặt lại nắm rau đã héo úa, thối rữa, cắt đi quả đã mốc, hỏng để sử dụng, mà không biết chúng chứa chất độc.

Ví dụ, sau khi các loại thực phẩm giàu tinh bột như đậu phộng và ngô bị hư có thể sinh ra nấm Aflatoxin, dùng nhiều lần có thể gây biến đổi gene và ung thư gan. Các loại trái cây như táo, chuối bị thối rữa, phần lớn do các vi sinh vật như Alternaria và Penicillium gây ra. Hai nấm này có thể gây ra rối loạn chức năng trao đổi chất và phù thận, tổn thương các dây thần kinh, hệ hô hấp và hệ tiết niệu, thậm chí dẫn đến ung thư gan.

Vì vậy khi thực phẩm bị mốc, tốt nhất bạn nên vứt bỏ toàn bộ.

Đồ dùng nhà bếp không được thay thế định kỳ

Các dụng cụ nhà bếp như thớt, đũa tre được xem là ổ tích tụ vi khuẩn.

Thớt dù có được làm bằng vật liệu tốt đến đâu vẫn có khả năng để lại vết dao. Những nơi này rất khó làm sạch, thậm chí không nhìn thấy được nhưng lại là nơi trú ẩn ưa thích của virus, vi khuẩn.

Đũa tre, đũa gỗ rất dễ bị ngấm dầu mỡ, xà phòng, nước bẩn. Nếu không được vệ sinh và bảo quản đúng cách rất dễ bị ẩm mốc và sinh ra chất gây ung thư aflatoxin. Đặc biệt với khí hậu nóng ẩm ở Việt Nam tình trạng đũa, thớt mốc khá phổ biến. Khi chúng ta ăn phải sẽ làm tăng nguy cơ ung thư gan, thực quản, ung dạ dày và các nguy cơ ung thư khác.

Vì vậy, tốt nhất nên thay thớt, đũa gỗ 6 tháng một lần, nếu bị nấm mốc thì phải vứt đi và không tiếp tục sử dụng. Khi sử dụng thớt, bạn nên có loại dùng cho thực phẩm sống và chín riêng biệt, khử trùng thường xuyên để tránh nhiễm khuẩn.

Tận dụng dầu thừa

Dầu mỡ sẽ trải qua quá trình oxy hóa ở nhiệt độ cao, không chỉ giảm giá trị dinh dưỡng, mà trong quá trình chiên lại có thể sinh ra một số chất gây ung thư và làm tăng nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp.

Nếu muốn sử dụng lại dầu thừa, hãy lọc cặn, cho vào tủ lạnh trong hộp kín và sử dụng càng sớm càng tốt. Nên nhớ chỉ tái sử dụng một lần để giảm thiểu rủi ro với sức khỏe.

Bật muộn, tắt sớm máy hút mùi

Máy hút mùi thường gây ồn, khó chịu nên một số người đang nấu ăn hiếm khi bật máy hút mùi. Nhưng trên thực tế, dù bạn chỉ đun nước hay nấu súp vẫn cần.

Lý do vì máy giúp loại bỏ hơi dầu mỡ, hơi khói và các hạt bụi có thể tạo ra trong quá trình nấu nướng. Việc không dùng máy hút mùi hoặc tắt máy ngay sau khi nấu có thể khiến cho không gian xung quanh nhà bếp trở nên ngột ngạt và ô nhiễm. Khi hít các hơi này vào phổi thường xuyên, bạn có thể mắc các vấn đề về hô hấp, thậm chí là ung thư phổi.

Một số gia đình thường tắt máy hút mùi ngay sau khi nấu. Điều này là sai vì cần có thời gian để hút các hạt khói lan rộng. Sau khi nấu xong, hãy để máy hút mùi chạy thêm tối thiểu ba phút.

Rã đông sai cách

Hai phương pháp rã đông thực phẩm phổ biến nhất là ở nhiệt độ phòng và bằng nước. Cả hai cách đều không được khuyến khích.

Một mặt, chất dinh dưỡng sẽ bị mất đi. Mặt khác, hai phương pháp rã đông này sẽ khiến thực phẩm tiếp xúc với không khí và sinh sản một số lượng lớn vi sinh vật. Mặc dù hầu hết các vi sinh vật đều bị tiêu diệt khi đun nóng, một số độc tố bền nhiệt có thể vẫn còn trong thực phẩm và không bị phân hủy.

Phương pháp rã đông đúng là lấy thịt từ ngăn đá đặt xuống ngăn mát, rã đông từ từ ở nhiệt độ 4 độ C, không những đá tan mà quá trình sinh sản của vi sinh vật cũng bị ức chế.

T.H (theo VnExpress)
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    5 thói quen nhà bếp gây độc hại