5 ngành nghề lương cao sẽ tăng vọt tuyển dụng sau dịch

03/10/2021 16:50

Những thay đổi trong hành vi người tiêu dùng và phương pháp hoạt động của doanh nghiệp sau dịch tác động tới nhiều nhóm công việc khác nhau.

Trong giai đoạn dịch bệnh, nhiều nhà sản xuất lớn trên thế giới đã ứng dụng công nghệ tự động hóa và trí tuệ nhân tạo (AI) trong sản xuất. Các thiết bị máy móc, dây chuyền tự động có thể giúp bảo đảm giãn cách giữa nhân viên trong môi trường sản xuất hoặc tại điểm bán hàng.

Tại nhiều quốc gia, các nền tảng dịch vụ số và thương mại điện tử cũng mang lại sự tiện lợi cho người dân. Thay vì phải di chuyển nhiều, người tiêu dùng nay đã có thể tiếp cận những trang giao dịch, mua bán trực tuyến và dịch vụ công ngay trên thiết bị điện tử cá nhân.

Chính nhờ sự phát triển của các nền tảng tự động hoá và công nghệ thông tin nên nhu cầu tuyển dụng của các ngành dưới đây sẽ tăng vọt sau đại dịch:

1. Công nghệ thông tin



Theo quan sát của Navigos Search, thị trường tuyển dụng trong ngành công nghệ thông tin đã hồi phục khá nhanh sau đại dịch Covid-19. Các doanh nghiệp tuy tiếp tục tuyển dụng nhưng tập trung vào nguồn nhân lực chất lượng cao với công nghệ hiện đại để gia tăng tính cạnh tranh của sản phẩm và dịch vụ. Những doanh nghiệp mới gia nhập thị trường cũng nhanh chóng xây dựng thương hiệu tuyển dụng và có chính sách lương, thưởng hấp dẫn để thu hút các nhân sự chất lượng.

Mặc dù dịch Covid-19 đã khiến ngành công nghệ thông tin phải trì hoãn tuyển dụng, các công ty trong lĩnh vực này vẫn đang nghiên cứu và lập kế hoạch tuyển dụng hơn 1.000 kỹ sư công nghệ thông tin trong năm 2021.

Hiện tại, mức lương trung bình của lập trình viên tại Việt Nam đang rơi vào khoảng 10-25 triệu VNĐ/tháng. Ở phân khúc lập trình web, con số này là 8-13 triệu VNĐ/tháng đối với front-end và 11-15 triệu VNĐ/tháng cho back-end. Các vị trí quản lý sẽ có mức lương cao hơn, dao động trong khoảng 30-66 triệu VNĐ/tháng.

2. Y tế



Trong quá trình phòng chống và ứng phó với dịch bệnh, vai trò của ngành y tế đối với sức khoẻ cộng đồng liên tục được nhấn mạnh. EURES cho rằng xu hướng tập trung phát triển y tế trên toàn cầu sau đại dịch sẽ đẩy mạnh việc đào tạo các chuyên ngành như y sĩ, dược sĩ, dịch tễ học. Các cơ quan dịch vụ y tế đã áp dụng những nền tảng tự động hoá và công nghệ trực tuyến trong hoạt động sản xuất thuốc, vaccine hay chẩn đoán bệnh.

Từ tháng 4 đến tháng 10.2020, số lượt khám bệnh trực tuyến qua nền tảng của công ty Practo (Ấn Độ) đã tăng hơn 10 lần. Để vận hành những công nghệ này, ngành y tế sẽ cần thêm nguồn nhân lực trình độ cao với các kỹ năng khoa học, kỹ thuật.

Trong bối cảnh dân số thế giới ngày càng già đi, các ngành nghề trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ càng có nhiều cơ hội phát triển, dẫn đến cần sự gia tăng về nhân lực để đáp ứng nhu cầu được chăm sóc của người cao tuổi.

3. Ngành bán dẫn



Ngành bán dẫn cũng được dự báo có nhu cầu nhân sự cao và tiềm năng tại thị trường Việt Nam trong ít nhất 5 năm tới với việc nhận được nhiều sự quan tâm và đầu tư từ các tập đoàn nước ngoài lớn.

Mới đây, một tập đoàn lớn của Mỹ đã hoạt động tại Việt Nam vừa nhận được giấy chứng nhận điều chỉnh dự án với vốn đầu tư tăng thêm 475 triệu USD để xây dựng cơ sở sản xuất thử nghiệm và lắp ráp chip hiện đại nhất tại Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh (SHTP).

Ngoài ra, một tập đoàn nước ngoài khác cũng vừa được chấp nhận chuyển đổi từ doanh nghiệp công nghệ cao sang doanh nghiệp chế xuất, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phụ trợ trong chuỗi cung ứng của tập đoàn này, đặc biệt là doanh nghiệp ngành bán dẫn, đem lại giá trị thặng dư tốt hơn.

4. Ngân hàng



Các ngân hàng đang lên kế hoạch tuyển dụng một lượng lớn nhân viên cho vị trí quan hệ khách hàng. Hơn nữa, nhu cầu tuyển dụng trong mảng công nghệ và dữ liệu cũng sẽ được đẩy mạnh do nhu cầu chuyển đổi số đang gia tăng tại các ngân hàng thương mại.

Theo một số thống kê, mức lương dành cho nhân viên và chuyên viên ngành ngân hàng trong năm 2021 dao động trong khoảng 11-35 triệu VNĐ/tháng. Ở các vị trí quản lý, con số này có thể tăng tới 60-300 triệu VNĐ/tháng tùy vào từng khu vực và chức vụ.

5. Ngành nghề trong lĩnh vực giao tiếp kỹ thuật số



Sau đại dịch, người tiêu dùng tại một số thị trường lớn vẫn sẽ tiếp tục tận dụng các nền tảng thương mại điện tử và các dịch vụ giao hàng nhanh. So với các mô hình bán lẻ truyền thống, những dịch vụ này có thể mang lại sự tiện lợi cho người dùng. Theo MGI, sự tăng trưởng của thương mại điện tử đã tạo ra nhu cầu nhân lực cho các ngành vận tải, lưu trữ hàng hoá và quản lý chuỗi cung ứng.

Khi hình thức làm việc tự do, bán thời gian trở nên phổ biến tại nhiều quốc gia, ngành vận tải hàng hoá có thể thu hút và duy trì nguồn lao động tự do qua các dịch vụ "trung gian".

Để tuân thủ các quy định về giãn cách xã hội trong thời dịch, người lao động phải làm việc từ xa qua Internet. Để bảo đảm hoạt động, nhiều công ty lớn cần tăng nguồn nhân lực cho bộ phận quản trị hệ thống mạng và cơ sở dữ liệu.

Theo EURES, những ngành nghề trong lĩnh vực giao tiếp kỹ thuật số cũng có thể tăng trưởng để đáp ứng nhu cầu tương tác trực tuyến của các cá nhân và tổ chức.

Theo Gia đình và Xã hội

(0) Bình luận
5 ngành nghề lương cao sẽ tăng vọt tuyển dụng sau dịch