Răng là một phần phụ cứng nằm trong khoang miệng, có chức năng chính là nghiền và xé thức ăn.
Tuy nhiên, nhiều người lại có thói quen ăn uống và sinh hoạt không tốt, gây tổn hại đến răng miệng. Hơn nữa, tuổi tác tăng dần, tình trạng tổn thương răng ngày càng nghiêm trọng, thậm chí mất răng sớm, ảnh hưởng đến sinh hoạt.
Vậy nên làm gì để bảo vệ răng hiệu quả, tránh rụng sớm?
1. Vệ sinh răng miệng
Muốn răng chắc khỏe, đầu tiên phải chú ý vệ sinh răng miệng. Cần đánh răng ít nhất hai lần một ngày vào buổi sáng và tối. Chải răng theo chiều dọc và hình tròn là lý tưởng nhất. Cách này sẽ giúp dọn sạch thức ăn ở cả chân răng và kẽ răng, cũng như không gây tổn thương quá nhiều cho bề mặt răng và nướu. Ghi nhớ là thời gian đánh răng không được ít hơn hai phút mỗi lần.
Nên sử dụng chỉ nha khoa nhằm loại bỏ thức ăn mắc kẹt giữa các kẽ răng, đồng thời súc miệng bằng nước muối ấm. Nước muối ấm có tác dụng tích cực đối với sức khỏe răng miệng, giúp loại bỏ vi khuẩn, làm sạch khoang miệng và ngăn ngừa các vấn đề răng miệng, họng hay amidan.
Việc chăm sóc răng miệng đúng cách ảnh hưởng lớn tới sức khỏe mọi người. Ảnh minh họa: aboluowang
2. Chọn kem đánh răng phù hợp
Nên chọn kem đánh răng đủ hàm lượng fluor cần thiết bằng cách kiểm tra trên bao bì sản phẩm. Những loại chứa 1.350 - 1.500 ppm fluor mang đến hiệu quả chăm sóc răng miệng tốt nhất với người trưởng thành và trẻ trên 6 tuổi. Với trẻ nhỏ hơn, chọn kem đánh răng hàm lượng fluor ít nhất là 1.000 ppm giúp ngừa sâu răng.
Nếu đang mắc các bệnh về răng lợi hoặc răng quá nhạy cảm, không nên tùy tiện mua kem đáng răng mà cần được thăm khám và kê đơn bởi những nha sĩ có chuyên môn. Ngoài ra cũng cần chú ý những loại kem đánh răng có tác dụng làm trắng có thể chứa những chất mài mòn men răng. Sau một thời gian, bề mặt răng sẽ trở nên thô ráp, tạo ra nhiều diện tích hơn trên bề mặt để các vết ố vàng bám vào. Bởi vậy, với những người có vấn đề răng miệng, nên sử dụng theo chỉ định của nha sĩ.
3. Làm sạch răng thường xuyên
Ngay cả khi bạn tích cực đánh răng và súc miệng hàng ngày, một số vi khuẩn vẫn sẽ tồn tại trên bề mặt răng, lâu ngày dẫn đến vôi hóa. Một khi bị vôi hóa dễ gây chảy máu nướu, tụt nướu, hơi thở có mùi... và khả năng mắc bệnh viêm nha chu, viêm nướu và các bệnh lý khác.
Vì vậy, người trưởng thành phải thường xuyên đến nha khoa để vệ sinh răng miệng. Các nha sĩ có thể giúp bạn loại bỏ mảng bám và cao răng để bảo vệ răng hiệu quả.
4. Uống trà xanh đúng cách
Trà xanh chứa nhiều flour, có tác dụng kiểm soát vi khuẩn và làm giảm nồng độ axit của nước bọt, mảng bám răng. Bởi vậy đồ uống này là một công cụ hữu ích trong việc ngăn ngừa sâu răng.
Hơn nữa, trà xanh còn có tác dụng làm hơi thở thơm mát, cải thiện tình trạng hôi miệng do một số bệnh lý răng miệng gây ra. Hàng ngày, bạn có thể uống trà xanh nhằm bảo vệ răng lợi của mình.
5. Tránh làm hư răng
Về chế độ ăn uống, không nên sử dụng thức ăn quá lạnh, quá nóng, quá chua, quá ngọt hay quá cứng... vì sẽ tác động trực tiếp tới lớp men răng, ảnh hưởng đến các bộ phận bên trong như tủy và chân răng. Hậu quả có thể làm ê răng, sứt tủy, hỏng lớp men bên ngoài.
Ngoài ra, không được dùng răng xé bao bì, mở nắp bia rượu. Hành vi này gây tổn hại nghiêm trọng đến răng miệng, răng dễ bị lung lay, thậm chí là rụng.
Ngoài ra, hàng ngày bạn có thể nhai một ít cần tây. Cần tây chứa nhiều vitamin C cũng như chất chống oxy hóa, giúp ích cho sức khỏe của nướu, ngăn ngừa viêm nhiễm. Ngoài ra lượng lớn chất xơ chứa trong cần tây có thể loại bỏ được cặn thức ăn bám trên răng. Trong quá trình nhai, nó có thể kích thích miệng tiết ra một lượng lớn nước bọt, giúp cân bằng độ pH trong miệng và đạt được hiệu quả kháng khuẩn.
Theo VnExpress