Lập kế hoạch mua sắm không chỉ giúp bạn tiết kiệm thời gian, công sức mà còn bảo đảm sắp xếp tài chính cá nhân hợp lý, có hiệu quả.
Mua sắm tiết kiệm không chỉ giúp bạn tiết kiệm thời gian, công sức mà còn bảo đảm sắp xếp tài chính cá nhân hợp lý, hiệu quả. (Ảnh trên internet)
1. Liệt kê những sản phẩm bạn đã mua sắm
Bước đầu tiên để lập kế hoạch mua sắm là liệt kê cẩn thận những khoản chi bạn đã bỏ ra trong hai tháng gần nhất. Đánh giá xem những sản phẩm, dịch vụ bạn đã chi tiêu cái nào nên và không nên. Hãy cân nhắc và suy xét để nhận ra những sai lầm của chính bạn khi mua sắm khiến bạn lao đao vì tháng nào cũng hết sạch tiền.
2. Lên kế hoạch mua sắm cho lần mua hàng tiếp theo
Liệt kê cụ thể các sản phẩm, vật dụng bạn cần mua ngắn hạn hoặc dài hạn và sắp xếp theo thứ tự ưu tiên. Đối với các sản phẩm ở cuối danh sách, hãy cân nhắc kỹ lại sự cần thiết của chúng đối với bạn. Sau khi sắp xếp kế hoạch mua sắm, hãy cân đối sản phẩm phù hợp với số tiền mà bạn đang có. Đừng bao giờ quên nguyên tắc “chi ít hơn thu”. Hãy bảo đảm bạn sẽ không hối hận mỗi lần rút tiền ra khỏi ví.
3. Phân chia thời gian mua sắm phù hợp
Kế hoạch mua sắm của bạn sẽ có những khoản chi cố định như tiền nhà, điện nước, xăng xe, mạng internet… và một số khoản chi chưa thật sự cần thiết hoặc chưa có nhu cầu ngay. Phân chia thời gian chi tiêu hợp lý là cách tốt nhất để luôn duy trì ổn định tình hình tài chính của bản thân. Đối với những sản phẩm có giá trị lớn, cần tích góp, tiết kiệm trước khi bỏ tiền ra mua.
4. Luôn có một quỹ tiết kiệm dành riêng mỗi tháng
Khi lập kế hoạch mua sắm, đừng bao giờ quên hay bỏ qua phần quỹ tiết kiệm. Hãy trích ra một phần thu nhập hằng tháng để cho vào quỹ này. Khoản tiền tiết kiệm sẽ giúp ích cho bạn trong rất nhiều trường hợp cấp bách. Đặc biệt, khi bạn có ý định nghỉ việc hoặc không may đau ốm, có việc cần gấp. Nên dành ít nhất 10% thu nhập hằng tháng cho tài khoản tiết kiệm.
5. Đừng rút tiền chi tiêu mà không suy nghĩ
Thị trường đa dạng sản phẩm cùng với chiến lược PR của các nhà sản xuất và việc mua hàng online dễ dàng như hiện nay làm cho người tiêu dùng rất khó kiềm chế cảm xúc mua sắm của mình. Cần biết cách chia tiền theo từng khoản như thực phẩm, mỹ phẩm, quần áo, giải trí, di chuyển, dịch vụ… tùy theo nhu cầu sinh hoạt hằng ngày của bạn. Với mỗi mục chi tiêu, hãy xác định số tiền bạn được phép chi tiêu nhất định và bảo đảm rằng bạn sẽ không tiêu quá số tiền cho phép.
HOÀNG QUÂN(tổng hợp)