Bác sĩ Nguyễn Văn Hà khẳng định, sinh thường là biện pháp tốt nhất cho cả mẹ và con, giúp giảm biến chứng sản khoa, sữa về sớm, mau hồi phục sức khỏe nên sản phụ không mất nhiều thời gian ở bệnh viện. Tuy nhiên, trong trường hợp bắt buộc vẫn nên sinh mổ để bảo đảm an toàn cho mẹ và bé.
Dưới đây là 4 nguyên nhân phải chỉ định sinh mổ thường gặp:
Thai nhi đặc biệt
Bác sĩ thường chỉ định mổ lấy thai vì các nguyên nhân do thai nhi như: Thai to, suy thai, ngôi mông, ngôi khác, song thai, mở hết không lọt, thai có bệnh lý, dị tật bẩm sinh thai nhi, đa thai, thai sinh non.
Trong những trường hợp này, bác sĩ Nguyễn Văn Hà khuyến cáo sản phụ nên theo dõi sức khỏe thường xuyên và sinh mổ ngay khi bác sĩ chỉ định. Nếu không mổ sẽ dẫn tới suy thai, trẻ ngạt thở, dễ bị gãy xương khi sinh thường, mẹ vỡ tử cung...
Bệnh lý sẵn có từ mẹ
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Hà, khi người mẹ mắc các bệnh lý sau cũng có nguy cơ cao sinh mổ: Tiểu đường thai kỳ, u xơ tử cung, u nang buồng trứng, tăng huyết áp, khung chậu bất thường, bệnh tim, tiền sản giật.
Trong đó, tỷ lệ tiểu đường thai kỳ tăng cao. Nếu mẹ bị tiểu đường nhưng sức khỏe bình thường, con khỏe thì vẫn có thể sinh thường. Nhưng nếu thai to (trên 3,8 kg), mẹ bị bệnh lý khác thì nên sinh mổ.
Với sản phụ bị tăng huyết áp cao cũng nên mổ lấy thai. Sản phụ bị u xơ tử cung, u nang buồng trứng có thể kết hợp mổ lấy thai và bóc tách khối u. Người mẹ bị tim hẹp hở van hai lá, ba lá, tứ chứng fallot cũng nên can thiệp sinh mổ.
Nguyên nhân do phần phụ thai
Bác sĩ cũng thường chỉ định sinh mổ khi phần phụ thai gặp vấn đề như: Ối lẫn phân su, hết ối, rau tiền đạo, rau bong non, rau thắt nút, sa dây rau, nhau bám nép.
Một số trường hợp hết ối, sản phụ khung chậu bình thường, thai nhi dưới 3 kg vẫn có thể sinh thường. Trường hợp rau bong non, bong trước khi thai ra, sa dây rau, rau thắt nút thì phải mổ cấp cứu ngay lập tức, nhất là sản phụ từ tuần 36-40, có cơn đau bụng đột ngột.
Bác sĩ Nguyễn Văn Hà cho biết nhờ kỹ thuật siêu âm 5D hiện đại đã phần nào hạn chế được những trường hợp biến chứng dây rau.
Đường sinh dục của sản phụ bất thường
Trong trường hợp sản phụ có đường sinh dục bất thường như: Tử cung có sẹo mổ cũ, cổ tử cung không tiến triển, cơn co tử cung cường tính, dị dạng bộ phận sinh dục (âm đạo có vách ngăn, tử cung đôi)... bác sĩ cũng chỉ định sinh mổ.
Hiện nay, tỷ lệ sản phụ sinh mổ lần 3, 4, 5 tăng lên sinh thường vẫn là tốt nhất nhưng trong trường hợp bắt buộc vẫn phải sinh mổ. Bác sĩ Nguyễn Văn Hà không khuyến cáo sản phụ sinh con lần 4 hay 5, tốt nhất nên dừng lại ở 2 hoặc 3 con.
Tại hội thảo "Khi nào nên sinh mổ?", bác sĩ Nguyễn Văn Hà nhấn mạnh: "Sinh mổ hay sinh thường phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, thay vì lo lắng thì các mẹ hãy trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để nếu có phải chuyển mổ ở cũng chủ động, không hoang mang, lo lắng. Bên cạnh đó, sản phụ hãy tìm hiểu và lựa chọn cho mình một cơ sở y tế uy tín có dịch vụ tốt cùng đội ngũ bác sĩ giỏi để kịp thời xử lý mọi tình huống phát sinh".
Đồng quan điểm với bác sĩ Hà, cựu tuyển thủ quốc gia Như Thuần cho biết vợ anh mong muốn được đẻ thưởng nhưng thai to nên phải chuyển sang sinh mổ. Trong quá trình sinh, vợ anh được các bác sĩ theo dõi sát sao, luôn bên cạnh động viên, trấn an và tư vấn nên đã vượt cạn an toàn.
Vợ chồng kiếm thủ Vũ Thành An cho rằng sinh mổ không đáng sợ như nhiều người nghĩ. Vợ kiếm thủ phải sinh mổ vì nhịp tim của con không ổn định nhưng đã vượt cạn an toàn.
Mổ lấy thai là trường hợp lấy thai và phần phụ của thai ra khỏi tử cung qua đường rạch thành bụng và rạch tử cung được áp dụng khi sản phụ và thai nhi có vấn đề sức khỏe. Bác sĩ Nguyễn Văn Hà chia sẻ tỷ lệ mổ lấy thai trên thế giới và Việt Nam ngày càng tăng lên. Năm 1970 tỷ lệ sinh mổ trên thế giới cũng như ở Việt Nam chiếm từ 5-7%. Hiện nay, tỷ lệ sinh mổ trên thế giới từ 25-30%, Việt Nam là 36,9%. Ở bệnh viện Phụ sản Trung ương năm 2019 tỷ lệ sinh mổ chiếm 54,5%.
Theo VnExpress