Tết Đoan ngọ còn được gọi là "tết giết sâu bọ". Người Việt tin rằng, nếu trong ngày này, khi ăn một số mónsẽ “diệt” được “sâu bọ” trong người, mang lại may mắn.
Tết Đoan ngọ là ngày 5.5 Âm lịch hàng năm. Hãy cùng điểm danh bốn món ăn cổ truyền trong ngày tết này ở cả ba miền đất nước:
Rượu nếp không thể thiếu của miền Bắc
Trong ngày tết giết sâu bọ ở miền Bắc, thứ không thể thiếu và bán chạy nhất chính là rượu nếp (miền Nam gọi là cơm rượu). Đây là loại đồ ăn có cồn không qua chưng cất, được chế biến từ gạo nếp theo cách dùng gạo đồ chín thành xôi, để nguội và ủ với men rượu.
Trước kia, người ta thường dùng gạo nếp cái hoa vàng để làm rượu. Gạo không xát sạch vỏ mà còn lớp cám bọc bên ngoài gọi là gạo lứt. Ngày nay, bên cạnh rượu nếp trắng còn có rượu nếp cẩm làm từ gạo nếp cẩm có màu tím than, được nhiều người rất chuộng.
Trong ngày tết Đoan ngọ, người miền Bắc thường mua rất nhiều rượu nếp về để thắp hương và sau đó chia cho cả nhà cùng ăn. Người ta tin rằng, ăn rượu nếp (nhất là lúc bụng còn đang đói) sẽ làm cho các loại “sâu bọ” trong người “say” mà chết đi. Tuy nhiên, bạn cũng đừng tham cái vị ngọt lử của nếp mà ăn nhiều kẻo mình lại… say trước sâu!
Bạn cũng có thể “biến tấu” rượu nếp ăn với sữa chua tạo thành sữa chua nếp cẩm hay sữa chua nếp cái hoa vàng rất hợp với xu hướng bây giờ.
Bánh gio truyền thống của miền Trung và miền Nam
Khác với người miền Bắc, từ khu vực Nam trung bộ trở vào, trong ngày tết Đoan ngọ, trên mâm cúng gia tiên không thể thiếu món bánh gio (hay nhiều nơi gọi là bánh bánh ú tro). Loại bánh này làm rất cầu kỳ và đòi hỏi tay nghề cao.
Đầu tiên là khâu chọn củi để lấy tro. Thông thường những loại củi của các cây như đước, mắm sẽ được đốt lấy tro than vì chúng có vị mặn. Món bánh này muốn tới ngày tết làm thì trước đó khoảng 1 tháng, người ta phải ngâm tro than vào nước, ngâm càng lâu thì màu vàng càng đậm. Sau đó trước khoảng 2-3 ngày gói bánh thì ta ngâm gạo nếp vào.
Ở miền Bắc cũng làm khá nhiều loại bánh này. Tuy nhiên, ta lại thường thấy nó xuất hiện vào mùa thu hay mùa gặt nếp mới. Cách ngâm gạo và gói bánh cũng có nét khác biệt nhất định. Người miền Nam Trung Bộ trở vào thường lấy lá tre to cỡ ba đốt ngón tay để làm vỏ bánh. Bên trong bánh thường là nhân mặn hoặc ngọt. Bánh được gói theo hình “kim tự tháp”.
Còn người miền Bắc thường gói thuôn dài. Bánh gio của người miền Bắc thường không có nhân và được chấm với đường hoặc mật ong, mật mía. Còn bánh ú tro của người miền Nam Trung Bộ trở vào thi có nhân ngọt (thường là đậu đỗ trộn đường nặn tròn hoặc nhân mặn có thêm thịt heo phía trong).
Món bánh ú tro được bán rất nhiều tại các chợ trong ngày mồng 5.5 Âm lịch. Đây là món bánh để cúng ông bà, tổ tiên ngày tết truyền thống này.
Vô vàn các loại hoa quả
Tết Đoan ngọ trùng vào dịp vào hè. Sau một mùa đông dài, một mùa xuân đâm chồi nẩy lộc, mùa hạ tới mang đến bao thứ hoa quả tới mùa thu hoạch. Tại miền Bắc, đó là vải thiều Thanh Hà, đó là mận Mộc Châu, rồi xoài, chuối, doi,…
Miền Nam thì đúng là thiên đường của hoa quả với đủ thứ như chôm chôm, măng cụt, mãng cầu, hồng xiêm, dưa hấu, trái bơ…
Trong đó, ở miền Bắc, quả mận được nhiều người ưa chuộng nhất vì nó có vị chua mà theo quan niệm xa xưa có thể “diệt” được “sâu bọ” trong người.
Thịt vịt đắt hàng
Thường thì người ta kiêng ăn thịt vịt vào đầu tháng. Tuy nhiên, tới dịp tết Đoan ngọ, thịt vịt lại vô cùng đắt hàng. Ngay từ đầu tháng 5 âm lịch, khắp các chợ đã bày bán thịt vịt để chuẩn bị cho ngày tết này.
Theo kinh nghiệm của ông cha ta, sở dĩ thịt vịt được ưa chuộng là do vào tháng 5 Âm lịch (lập hạ), tiết trời oi bức, cơ thể người thường bị một số bệnh về thời tiết. Vịt là con vật sống dưới nước, có tính hàn, ăn vào sẽ giúp cơ thể mát mẻ, bổ dưỡng, cân bằng âm dương.
Mùa hè cũng là mùa gặt, nên vịt được ăn no, thịt dày, béo. Trước kia, khi chưa có những nạn dịch cúm thì món tiết canh vịt được rất nhiều người ưa chuộng. Nhưng nay, để đảm bảo vệ sinh và phòng ngừa bệnh tật, các món vịt thường được chế biến kỹ.
Ở miền Bắc, trong mùa hè ngoài các món vịt truyền thống còn có món vịt om sấu cực kỳ ngon và dễ ăn. Sấu cũng là thứ quả đặc trưng chỉ có ở miền Bắc, chỉ cần khéo léo một chút, thêm vài ba lạng sấu vào nồi nấu vịt, ra được món vịt om thanh mát, bổ dưỡng, ăn kèm với bún.
Ngoài ra, bạn có thể chế biến các món như vịt luộc, vịt hấp, vịt nướng, vịt rang me…. Phần cổ cánh có thể nấu thành nồi cháo vịt ăn cũng rất đã.
Hồng Minh (Thanhnien)