Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quy chế quy định việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (gọi tắt là Quỹ bảo lãnh tín dụng) tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo đó, 4 điều kiện được cấp bảo lãnh tín dụng gồm: Thứ nhất, có dự án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, có khả năng hoàn trả vốn vay. Thứ hai, có tổng giá trị tài sản thế chấp, cầm cố tại tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật tối thiểu bằng 15% giá trị khoản vay. Thứ ba, có tối thiểu 15% vốn chủ sở hữu tham gia dự án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh. Thứ tư, tại thời điểm đề nghị bảo lãnh, không có các khoản nợ đọng nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, nợ xấu tại các tổ chức tín dụng hoặc tổ chức kinh tế khác.
Mức bảo lãnh tín dụng tối đa cho một khách hàng không vượt quá 15% vốn chủ sở hữu của Quỹ bảo lãnh tín dụng.
Quy chế cũng quy định rõ 4 điều kiện thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng gồm: Có đủ mức vốn điều lệ tối thiểu là 30 tỷ đồng do ngân sách tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp; có đề án thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng được HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chấp thuận, thông qua, dự thảo điều lệ, phương án tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng phù hợp với quy định; danh sách dự kiến hội đồng quản lý, ban kiểm soát và ban điều hành gồm những người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự và trình độ chuyên môn phù hợp với yêu cầu hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng; ứng cử viên cho các chức danh giám đốc, phó giám đốc điều hành, trưởng ban kiểm soát của Quỹ bảo lãnh tín dụng phải có bằng đại học chuyên ngành tài chính ngân hàng trở lên và có tối thiểu 5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân hàng.
Quyết định này thay thế các Quyết định 193/2001/QĐ-TTg, 115/2004/QĐ-TTg và được áp dụng từ ngày 2-12-2013.