Gia đình

4 bước củng cố hôn nhân khi nghỉ hưu

Theo VnExpress 20/11/2023 19:00

Nghỉ hưu mang đến sự thay đổi lớn trong cuộc sống, công việc nhưng ít người chú ý đến chuyện nó có thể dẫn đến đổ vỡ hôn nhân.

"Ly hôn hoa râm" (gray divorce) đang là hiện tượng ở nhiều quốc gia. Khảo sát của Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc năm 2019, hơn 40% người trung niên nước này cho biết muốn ly hôn. Tại Mỹ, tỷ lệ ly hôn ở người từ 50 tuổi trở lên đã tăng gần gấp đôi sau 30 năm, theo báo cáo năm 2021 của Trung tâm Nghiên cứu Pew. Ở Việt Nam, theo ước tính của các luật sư trong lĩnh vực hôn nhân gia đình, tỷ lệ vợ chồng nộp đơn xin ly hôn sau tuổi 50 chiếm khoảng 10%.

Chính vì thế, củng cố hôn nhân khi bước vào tuổi nghỉ hưu cần được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Theo các chuyên gia tâm lý Mỹ, các cặp vợ chồng có thể làm những việc sau đây.

Thương lượng lại cách phân chia việc nhà

Điều này đặc biệt phù hợp nếu trước kia một trong hai người từng là trụ cột gia đình trong việc kiếm tiền, còn người kia là nội trợ. Khi bước vào tuổi nghỉ hưu, nếu người trụ cột cho rằng mình xứng đáng được nghỉ ngơi toàn thời gian và vẫn để đối tác lo lắng toàn bộ việc nhà, điều này có thể dẫn đến mâu thuẫn âm ỉ và bùng nổ. Do đó, hai bên nên thương lượng lại cách phân chia việc gia đình, chia sẻ trách nhiệm. Hai phía cũng cần trao đổi lại về tài chính, điều chỉnh thói quen chi tiêu tương ứng. Khi hai bên thống nhất các ranh giới thì xung đột về tiền bạc sẽ không xuất hiện.

Lập kế hoạch cho thời gian chung, riêng

Một trong những cách hiệu quả nhất để duy trì và củng cố mối quan hệ sau khi nghỉ hưu là có thời gian lành mạnh bên nhau, thay vì thời gian xa cách như khi còn đi làm. Hai vợ chồng có thể lên kế hoạch cho các buổi tập thể dục chung, cùng đi làm tình nguyện tại các tổ chức địa phương hoặc cùng nhau học một kỹ năng mới. Điều quan trọng là phải thảo luận và thống nhất về những hoạt động mà cả hai bạn đều thích và thấy hài lòng.

Theo nhà tư vấn tâm lý Aaron Engel của trung tâm tâm lý Cardinal Point ở Ohio, Mỹ mọi cặp đều cần sự gần gũi, kết nối cũng như khoảng không gian riêng, vì thế nên cùng nhau lập kế hoạch cho thời gian chung, riêng. Có nhiều thời gian bên nhau cũng như nuôi dưỡng một số sở thích và hoạt động riêng biệt đều là điều cần thiết.

Điều quan trọng trong cuộc thảo luận để lập kế hoạch là cả hai đều cần phải cởi mở, trung thực về kỳ vọng, cảm xúc và nhu cầu cá nhân. Ví dụ, nếu bạn muốn dành một ngày trong tuần đi câu cá, leo núi với bạn bè, nên chia sẻ với đối tác. Những cuộc trò chuyện này có thể ngăn ngừa những hiểu lầm và thất vọng trong tương lai.

Hâm nóng tình cảm

Tuổi tác có thể lớn hơn nhưng nhu cầu tiếp xúc cơ thể không hề giảm đi, vì vậy cả hai phía cần tiếp tục dành cho nhau những cái ôm và cái nắm tay. Theo nhà giáo dục giới tính Deon Black kiêm người sáng lập của chương trình tư vấn về tình dục Let's Talk Sex ở Mỹ, dù đã chung sống nhiều năm, biết cả điểm xấu lẫn điểm tốt của bạn đời, bạn cũng không nên buông ra những lời nhận xét coi thường hay có những cử chỉ thiếu tôn trọng đối tác, bởi đây chính là những rào cản lớn trong mối quan hệ, thậm chí có thể là nguyên nhân dẫn đến ly hôn.

Để thay đổi thói quen sinh hoạt lối mòn, các chuyên gia khuyến khích bạn thử những điều mới mẻ mà cả hai chưa từng cùng nhau thử, ví dụ cùng nhau tham gia lớp học nấu ăn hoặc xem phim, thử đến một nhà hàng mới. Chìa khóa của chiến lược này là chọn thứ gì đó hoàn toàn mới và khác biệt.

Sau nhiều năm chung sống, hai người đã hiểu rõ về nhau. Tuy nhiên, đừng quên rằng có những góc khuất riêng mà bạn chưa hiểu hoàn toàn về họ và cần đáp án. Ví dụ, bạn có thể đặt câu hỏi với đối tác: "Khi nhìn lại cuộc hôn nhân của chúng ta, anh/em tự hào nhất về điều gì trong cuộc sống chung?", "Ý tưởng cho cuộc sống về già của anh/em là gì?"... Những câu hỏi này có thể khơi gợi những cuộc trò chuyện cởi mở, gần gũi hơn.

Tập trung vào điều tốt đẹp

Các cặp đã nghỉ hưu có thể tránh căng thẳng trong mối quan hệ bằng cách tập trung vào những điều tốt đẹp trong mối quan hệ thay vì những điều không tốt. Ví dụ, thay vì suy nghĩ rằng bạn đời không làm ra nhiều tiền, khiến cuộc sống về hưu của hai người không quá dư giả, hãy nghĩ về việc cả hai đã chung tay nuôi dạy con cái trưởng thành, giờ là lúc không cần phải lo lắng cho chúng nhiều nữa.

Theo nhà cố vấn Laura Silverstein, cựu chuyên gia của tờ New York Times, mọi người nên tập bày tỏ lòng biết ơn hàng ngày một cách thoải mái và thường xuyên hơn. Một nghiên cứu quan trọng về hạnh phúc và lòng biết ơn cho thấy việc tập trung vào những thứ chúng ta có thay vì những thứ chúng ta không có sẽ khiến mọi người hạnh phúc hơn và tăng cường lòng biết ơn nói chung. Việc chú ý đến những khoảnh khắc trong ngày mà chúng ta cảm thấy hạnh phúc sẽ làm tăng cảm giác vui vẻ, thoải mái, thay vì những cử chỉ to tát.

Theo VnExpress
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    4 bước củng cố hôn nhân khi nghỉ hưu