Không ít người Hải Dương sau khi về hưu chọn cho mình cuộc sống lạc quan, cống hiến để tuổi già thêm ý nghĩa.
Về hưu không ít người cao tuổi của Hải Dương tham gia các câu lạc bộ văn nghệ, thơ, đi du lịch để có đời sống tinh thần tốt
Nghỉ hưu là mốc thời gian được báo trước. Thay vì để hụt hẫng, sống khép kín, sau khi về hưu nhiều người đã tìm cho mình môi trường sống lành mạnh, vui khỏe.
Vượt qua hụt hẫng
Về hưu sẽ làm gì? Đây là câu hỏi ông Lê Sơn Hải, nguyên cán bộ của Sở Công thương, đang sinh sống ở phường Nguyễn Trãi (TP Hải Dương) thường xuyên đặt ra khi mới về hưu. Những ngày đầu nghỉ hưu, hôm nào giấc ngủ của ông Hải cũng chập chờn vì thói quen dậy sớm đi làm bao năm qua. Những tưởng nghỉ hưu ông sẽ thấy thoải mái khi áp lực công việc không còn, có nhiều thời gian hơn để nghỉ ngơi, chăm sóc, vui vầy bên gia đình nhưng ngược lại, ông Hải luôn thấy buồn bã.
“Trước đây ngày đi làm 8 tiếng, thời gian trôi rất nhanh còn nghỉ hưu tôi thấy thời gian chậm chạp và vô nghĩa. Gần 3 tháng về hưu tôi như người mất hồn, ăn không ngon, ngủ không yên. Phải mất gần nửa năm tôi mới vượt qua được khủng hoảng. Tôi dành thời gian tìm cho mình lối sống tích cực, lên kế hoạch chi tiết cho cuộc sống hưu trí của mình”, ông Hải chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Thu ở phố Phạm Ngũ Lão (TP Hải Dương), nguyên là cán bộ ngân hàng về hưu được hơn 10 năm cũng từng rơi vào khủng hoảng tinh thần một thời gian ngắn. Bà Thu cho biết hụt hẫng thật sự khi cuộc sống của mình chỉ quẩn quanh trong nhà, trong xóm. Nghỉ hưu, mối quan hệ với đồng nghiệp, bạn bè giảm dần nên ban đầu bà Thu sống khép kín, ít giao tiếp với người xung quanh.
Bà Thu cho biết: “Như thế thật sai lầm, tôi thấy mình già đi trông thấy. Cuộc sống trầm lặng và mệt mỏi. Lúc nào trong đầu cũng nghĩ giờ mình vô dụng rồi, chẳng giúp ích gì được cho xã hội nữa. Nhưng tôi thực sự thức tỉnh khi được bạn cùng cơ quan chia sẻ kế hoạch hưởng tuổi hưu không già. Tôi cùng bạn đăng ký tham gia câu lạc bộ thể thao của người cao tuổi trong khu; tham gia khóa học dinh dưỡng dành cho người già. Trong lớp học chúng tôi chia sẻ cách nấu ăn, chế độ dinh dưỡng và cùng nhau luyện tập, thậm chí còn cùng học hát chèo, dân ca, làm thơ. Mỗi năm nhóm nghỉ hưu tổ chức từ 1-2 chuyến du lịch… Thay đổi lối sống tôi không còn thấy hụt hẫng và vui khỏe hơn”.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, về hưu nếu không tiếp tục tương tác với cộng đồng, có những hoạt động trí óc thì trí nhớ, sức khỏe sẽ giảm sút nhanh chóng. Những năm gần đây, tổ chức của người cao tuổi trong tỉnh đã nỗ lực xây dựng nhiều mô hình, hình thức sinh hoạt ý nghĩa cho những người cao tuổi, trong đó phần lớn là những người nghỉ hưu. Tuy nhiên, hiện nay Hội Người cao tuổi lại chưa tổ chức được nhiều chương trình giúp người về hưu được làm việc, cống hiến cho xã hội.
Ông Lê Sơn Hải cùng một số bạn về hưu thường xuyên luyện tập thể thao và tham gia nhiều câu lạc bộ dành cho người cao tuổi
Lạc quan, yêu đời
Đây là tiêu chí của những người nghỉ hưu đang tham gia Câu lạc bộ Khiêu vũ Bình Minh (TP Hải Dương). Vào 3 buổi tối hằng tuần, các thành viên của câu lạc bộ lại hòa mình vào âm nhạc, điệu nhảy, vừa vui, vừa khỏe. Bà Nguyễn Thị Ngoan, thành viên câu lạc bộ cho biết để "cuộc sống không già" chúng tôi phải dành nhiều thời gian cho mình. Nhiều người sau khi nghỉ hưu luôn tất bật chu toàn việc nội trợ, chăm sóc con cháu nên thấy cuộc sống chưa trọn ý nghĩa. “Chúng tôi mong con cháu hãy hiểu, chia sẻ và tạo điều kiện cho bố mẹ, ông bà có thời gian được tham gia các hoạt động xã hội ý nghĩa”, bà Ngoan nói.
Hải Dương hiện có gần 80.000 người đang hưởng lương hưu. Theo ông Lương Anh Tế, Trưởng ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh, những người về hưu chiếm tỷ lệ khá lớn trong số những người cao tuổi của Hải Dương. “Họ đã dành rất nhiều thời gian cống hiến, làm việc cho gia đình và xã hội thì đến lúc nghỉ ngơi ngoài chăm lo cuộc sống vật chất còn cần có cuộc sống tinh thần phong phú. Vì thế, một gia đình hòa thuận, ấm êm sẽ giúp những người nghỉ hưu an yên khi bước vào tuổi xế chiều”, ông Lương Anh Tế khẳng định.
Còn ông Nguyễn Văn Tùng ở xã Nhật Tân (Gia Lộc), ngay khi về hưu đã sang Nhật Bản sinh sống cùng con hơn chục năm nên khá ủng hộ quan điểm “làm việc suốt đời” ở nước này. Ông Tùng cho rằng người về hưu ở Nhật Bản sống khá thọ vì ngoài chế độ trợ giúp xã hội tốt họ còn có môi trường thuận lợi để người nghỉ hưu vẫn có thể làm việc và cống hiến. Thực tế ở Việt Nam người nghỉ hưu rất khó tìm việc và cũng rất ít nơi nhận người cao tuổi. “Khi người nghỉ hưu được tiếp tục làm công việc mình thích, sống vui, khỏe, cống hiến sẽ giúp đẩy lùi bệnh già, minh mẫn và yêu đời hơn”, ông Tùng nói.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, dự kiến sẽ được Quốc hội thảo luận trong thời gian tới. Dự thảo lần này bổ sung nhiều quy định mới về trợ cấp xã hội nhằm xây dựng hệ thống hưu trí đa tầng, liên kết trợ cấp và bảo hiểm xã hội bắt buộc, tự nguyện nhằm bảo đảm đời sống cho tất cả người lao động khi về già. Đây cũng là cách để giúp người nghỉ hưu có cuộc sống tốt hơn.
HẢI MINH
>>> Những lợi ích sát sườn của việc hưởng lương hưu khi tham gia BHXH
>>> Câu lạc bộ Hưu trí Nguyễn Trãi tổ chức nhiều hoạt động bổ ích cho hội viên
>>> Những sai lầm cần tránh trước khi nghỉ hưu