Công nghệ thông tin (CNTT) là thước đo quyết định một quốc gia "giàu mà vẫn trẻ, hay già mà vẫn nghèo".
Hội thảo "CNTT và tương lai phát triển đất nước" được Ban Tuyên giáo trung ương, Bộ Thông tin Truyền thông và Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (VN) tổ chức sáng 23-4 tại Hà Nội với mục đích trả lời hai câu hỏi: Vị trí và cơ hội của CNTT lớn đến mức nào trong quá trình đưa Việt Nam trở thành một quốc gia hiện đại? Nếu thực sự đóng vai trò then chốt, Nhà nước cần có những giải pháp, chính sách gì để thúc đẩy CNTT?
Hội thảo CNTT và tương lai của đất nước diễn ra sáng 23-4. |
Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Minh Hồng cho biết những năm qua, Đảng và Nhà nước đã rất chú trọng đến phát triển CNTT thông qua những chính sách, hoạt động, phục vụ thiết thực cuộc sống của người dân. Mục tiêu đến năm 2020, CNTT phải trở thành nền kinh tế mũi nhọn, đóng góp 8-10% GDP và nằm trong số 10 nước mạnh về cung cấp dịch vụ gia công phần mềm, nội dung số cũng như nằm trong nhóm dẫn đầu về chính phủ điện tử.
Trong khi đó, Tiến sỹ Mai Liêm Trực, Nguyên thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông trước đây, cho rằng việc CNTT đóng góp 8-9% GDP hay trở thành ngành kinh tế trọng điểm không phải là vấn đề quan trọng, mà là làm sao để CNTT tạo ra một môi trường sống, môi trường sáng tạo mới cho xã hội, cho người dân trong thời đại mới. "Thậm chí đóng góp GDP của CNTT có thể giảm xuống nếu như việc giảm thuế, giảm cước... giúp người dân tiếp cận và sử dụng công nghệ để tăng hiệu quả công việc, thay vì quá chú ý đến doanh thu. Chẳng hạn mức cước rẻ sẽ giúp những người thu dọn đồng nát, các bác xe ôm có thể dùng điện thoại làm đầu mối liên lạc với khách hàng và tăng năng suất", ông Trực nhấn mạnh. "Nói cách khác, CNTT là cái thiết thực, cái đời sống cần và nên là động lực chủ yếu cho sự phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng hơn là coi đây là ngành kinh tế có sự đóng góp lớn về GDP".
Ông Mai Liêm Trực (trái) cho rằng CNTT đang tạo ra một môi trường sống mới cho xã hội: môi trường online. |
Đồng quan điểm này, Giáo sư Đặng Hữu, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương, cho rằng không nên nghĩ CNTT là một ngành kinh tế, mà nên coi là phương tiện cho sự phát triển kinh tế, là cơ sở thúc đẩy các ngành khác lên tầm cao mới với sự phát triển nhanh và đột phá, cũng như là cơ hội cho những nước đi sau bắt kịp các quốc gia phát triển.
Trả lời cho câu hỏi về giải pháp thúc đẩy CNTT từ phía Nhà nước, ông Trực đề xuất: "Giải pháp đầu tiên là quyết tâm chính trị, thể hiện ở các văn bản, tức là xứng đáng có một nghị quyết của Trung ương về CNTT. Quyết tâm chính trị còn thể hiện ở việc tổ chức nhân sự, tức cấp trưởng phải vào cuộc. Lâu nay CNTT luôn được nói là quan tâm, ủng hộ nhưng nhìn chung những người đứng đầu vẫn chưa coi đó là việc của mình, chưa trực tiếp chỉ đạo và coi là việc hàng ngày. Giải pháp thứ hai là về chính sách".
Theo ông Trực, nước ta cần có chính sách cụ thể về sở hữu. Chẳng hạn, viễn thông phát triển tốt, nhưng hiện có quá nhiều doanh nghiệp hạ tầng mạng và chủ yếu là doanh nghiệp Nhà nước, do đó cần sáp nhập lại cho gọn và không nhất thiết Nhà nước phải sở hữu. Bên cạnh đó là chính sách về đầu tư. Nhà nước không cần đầu tư cho mảng viễn thông Internet bởi thị trường đang rất cạnh tranh, thay vào đó nên lo cho đào tạo và nghiên cứu phát triển. Giải pháp cuối cùng là quản lý. "Cách đây 10 năm, khi mở ra Chỉ thị 58-CT/TW của Bộ Chính trị, chúng ta có chính sách 'quản lý được đến đâu thì mở đến đấy'. Còn hiện nay, quản lý không thể tiếp tục tư duy 'theo kịp' mà phải chỉ đường mở lối nhằm thúc đẩy sự phát triển", ông Trực nói.
Ông Vũ Ngọc Hoàng, Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo trung ương, tổng kết Hội thảo. |
Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo trung ương Vũ Ngọc Hoàng khẳng định: "Một nước XHCN phải là một nước hiện đại và nhân văn. Chúng ta trải qua hàng nghìn năm phát triển, nhưng lượng kiến thức nhân loại chỉ trong 2 năm đã nhân lên gấp đôi. Với tốc độ phát triển như vậy, nếu không quan tâm đến CNTT thì làm sao nâng dân tộc mình lên? Thông tin đã trở thành một lực lượng, sức mạnh vật chất, lực lượng sản xuất trực tiếp quyết định nền văn minh. Đây là lĩnh vực là hạ tầng, là động lực, cơ sở để phát triển đột phá các ngành khác. Vì vậy, Ban Tuyên giáo tán thành việc đề xuất với Trung ương Đảng ra một nghị quyết chiến lược phát triển kinh tế dựa trên CNTT".
Phát biểu bên lề hội thảo, Tiến sỹ Mai Liêm Trực nhận định thêm rằng khả năng ra nghị quyết sớm hay muộn còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố: "Nếu chậm quá thì ta sẽ đánh mất nhiều cơ hội nhưng sớm quá thì có thể chúng ta lại không kịp chuẩn bị. Tôi cho là nghị quyết ra đời vào năm thứ hai của nhiệm kỳ mới phù hợp nhất".
(Nguồn: VnE)