Tập thơ “Nhật ký trong tù” của Hồ Chủ tịch nổi tiếng khắp thế giới, đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và người ta gọi tập thơ này là tập “Thơ thời đại” trong những năm 60 của thế kỷ trước.
Biết bao lời bình luận xác đáng của nhiều giáo sư, nghệ sĩ, nhà phê bình nổi tiếng. Nữ giáo sư người Bỉ Branđên viết: “Nếu chúng ta đọc kỹ thì hình như bài nào cũng có thép. Đó là tinh thần không khuất phục, không thoả hiệp với chủ nghĩa đế quốc, với giai cấp thù địch”. Nhà thơ Haiti Rơnê Đơpéttơrơ ca ngợi và khẳng định: “Trong những bài thơ ấy, chúng ta tìm thấy một nghệ sĩ lớn. Nhưng sẽ sai lầm nếu chúng ta nêu lên một cách rõ rệt qua những bài thơ này, đâu là nhà cách mạng, đâu là nhà thơ”.
Về một phương diện khác, tiến sĩ Phêrenxơ Xdilaghi, Tổng Biên tập tạp chí văn học “Lăng kính Phương Bắc” xuất bản ở Thụy Sĩ có nhận xét: “Ở đây, người ta thấy Hồ Chủ tịch có đầy đủ những đức tính quan trọng của một nhà thơ, vì thơ của Người đã được kết tinh từ nguồn cảm hứng thật sự của thi ca, từ sự hóm hỉnh tinh tế và sức tưởng tượng phong phú”.
Một hôm tại Hà Nội, nhà thơ Cu ba Phêlich Rôđrôghết đến thăm Bác có nói một nhận định của mình về tập thơ “Nhật ký trong tù”. Bác lắc đầu bảo:
- Không, tôi đã viết tập thơ này, nhưng tôi không phải là một nhà thơ chuyên nghiệp.
Nhà thơ Cu ba nói:
- Xin lỗi, thưa Chủ tịch, không có một nhà thơ nào trong thực tế là một nhà thơ chuyên nghiệp.
Bác nhìn nhà thơ Cu ba với vẻ hóm hỉnh:
- Vậy thì các nhà thơ sống bằng gì?
- Bằng văn xuôi, thưa Chủ tịch, luôn luôn bằng văn xuôi.
Bác mỉm cười nói: - Chắc là như thế.
LÊ BẢO ANH(st)