Rẻ, đẹp, độc, hàng thùng đang hấp dẫn với người dân. Song, loại hàng này có thể là nguyên nhân gây nên nhiều bệnh, ảnh hưởng tới sức khỏe người dùng.
Hàng thùng hay đồ si-đa là tên gọi những loại quần áo cũ được tổ chức nhân đạo có tên Sida của Thụy Điển viện trợ cho Việt Nam vào thập kỷ 80-90 của thế kỷ trước. Ngày nay, hàng viện trợ không còn nhưng cụm từ "si-đa" đã trở nên quen thuộc để chỉ những món đồ đã qua sử dụng nhưng vẫn được dùng và mua đi, bán lại với giá rẻ. Một thời gian dài, hàng thùng hay quần áo si-đa bị rơi vào quên lãng do chất lượng cuộc sống được nâng lên. Nhưng vài năm gần đây, việc mua sắm và sử dụng mặt hàng này của người dân TP Hải Dương có xu hướng trở lại.
Hàng thùng hiện nay không chỉ là quần áo cũ, mà còn rất đa dạng với nhiều mặt hàng như: giày dép, túi xách, chăn, gấu bông… TP Hải Dương hiện có nhiều cửa hàng bán hàng thùng ở các đường Nhữ Đình Hiền, Trần Hưng Đạo, Ngô Quyền, Nguyễn Văn Linh... Chị Hương, chủ cửa hàng bán hàng thùng ở số 52 đường Nhữ Đình Hiền cho biết: "Khoảng 2 năm trở lại đây, người dân Hải Dương bắt đầu quay lại với hàng thùng và năm nay thì đông khách hơn hẳn. Nhà có người quen ở nước ngoài nên tôi nhờ lấy hàng bên đó. Quần áo người lớn được nhập từ Hàn Quốc, còn đồ trẻ em được nhập từ Nhật Bản”.
Hàng thùng được chị em phụ nữ ưa chuộng vì đa số đều là hàng ngoại nhập, chất lượng tốt, giá rẻ, nếu may mắn còn có thể sở hữu những sản phẩm “độc”. Chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Lan ở khu 2 phường Cẩm Thượng khi chị vừa rời khỏi cửa hàng hàng thùng. Nhanh tay mở túi đồ vừa mua được cho chúng tôi xem, chị chia sẻ: "Giá cả ngày càng leo thang, trong khi thu nhập thấp nên gần đây tôi bắt đầu sử dụng mặt hàng này. Nhiều sản phẩm của Hàn Quốc chất vải đẹp, mẫu mã cũng khá hợp thời mà giá lại rẻ. Nếu khéo chọn, chỉ cần vài chục nghìn là đã có một sản phẩm ưng ý. Sáng nào tôi cũng ghé qua các shop hàng thùng để xem. Vào những hôm mở kiện hàng mới, có thể chọn được cả “mớ” quần áo". Tuy nhiên, do được nhập về theo kiện nên bên cạnh nhiều sản phẩm đẹp, bền có rất nhiều chiếc bị nhàu nát, rách, ố bẩn... Để tìm được một sản phẩm ưng ý giữa một mớ quần áo hỗn độn không hề đơn giản. Hàng thùng không chỉ dành cho người lớn mà còn có một lượng lớn đồ của trẻ em. Bên cạnh đồ mới, chị Phạm Thị Minh ở phố Bùi Thị Xuân (phường Lê Thanh Nghị) còn sắm cả hàng thùng cho con mặc. Mất cả buổi chiều đi gần hết các shop hàng thùng, chịu khó tìm mới mua được 3 chiếc áo khoác và 4 chiếc quẩn nỉ. Tuy vậy, chị vẫn vui vẻ vì sản phẩm có chất vải tốt, ấm mà mất chưa đến 200 nghìn đồng.
Với những ưu điểm rẻ, đẹp, độc, hàng thùng đang trở nên hấp dẫn với người dân Hải Dương. Tuy nhiên, hàng thùng có thể là nguyên nhân gây nên nhiều bệnh làm ảnh hưởng tới sức khỏe người sử dụng. Chị Nguyễn Thị Thảo ở đường Nguyễn Hữu Cầu (phường Ngọc Châu) cho biết: “Năm trước, tôi mua được một chiếc áo hàng thùng khá đẹp với giá 30 nghìn đồng. Tuy đã giặt sạch sẽ nhưng khi mặc vẫn cảm thấy ngứa, khó chịu. Từ đó, tôi không còn dám sử dụng hàng thùng nữa”. Nhiều người vẫn chủ quan với những hàng thùng, thậm chí thử ngay khi chưa giặt sạch. Theo bác sĩ Bùi Thanh Hải, Trưởng khoa Khám bệnh, Trung tâm Phòng, chống các bệnh xã hội tỉnh, quần áo hàng thùng đã qua sử dụng nên phải qua công đoạn tẩy cực mạnh; thêm vào đó, quần áo được bày dưới sàn nhà, vỉa hè lâu ngày rất bụi bặm. Nhiều loại quần áo chưa được vệ sinh sạch sẽ là môi trường tốt để các bào tử nấm, sợi nấm, vi khuẩn sống ký sinh và gây ra nhiều loại bệnh. Với giày dép cũ, vi khuẩn gây bệnh thường trú ngụ tại các khe, kẽ, việc tẩy trùng khó hơn do không thể giặt như quần áo nên có nguy cơ lây lan các bệnh về da. Để sử dụng được các sản phẩm hàng thùng an toàn, bác sĩ khuyến cáo người dân trước khi sử dụng phải giặt giũ, tẩy trùng để loại bỏ các mầm bệnh.
HỒNG HẠNH