Những năm gần đây, do lo ngại về vệ sinh an toàn thực phẩm nên nhiều gia đình chọn mua những sản phẩm ngoại nhập hoặc đặc sản miền rừng núi để dùng trong dịp Tết.
Món thịt trâu gác bếp của gia đình chị Nguyễn Thị Hậu đắt khách dịp Tết
Những ngày này, thị trường những sản phẩm trên trở nên sôi động.
Tìm đặc sản núi rừng
Cũng như một số năm gần đây, Tết Bính Thân này nhiều người lại bỏ công tìm kiếm những thực phẩm mới lạ để phục vụ các bữa ăn ngày Tết. Mới bán các sản phẩm mang đặc trưng của vùng rừng núi hơn 2 tháng nay nhưng ngày nào gia đình chị Nguyễn Thị Hậu ở xã Hiệp Cát (Nam Sách) cũng tấp nập người mua. Chị cho biết: "Gia đình có người quen trên Sơn La nên tôi nhập 20 kg thịt trâu gác bếp, 10 kg lợn bản hong khói về bán thử. Mặc dù chỉ rao bán qua mạng nhưng rất nhiều khách hàng đặt mua. Từ đó tôi bán thêm nhiều mặt hàng khác như rau rừng gồm cải làn, rau đắng, bồ khai, măng khô và lạp xưởng hun khói". Do các mặt hàng khô có giá tương đối cao, rau củ thì phải bảo đảm độ tươi ngon, vì vậy chị Hậu không tích trữ hàng, khi có khách đặt mua chị mới nhờ người gửi hàng về. Theo chị Hậu, giá thịt trâu gác bếp dao động từ 800.000- 1.000.000 đồng/kg, lợn bản hong khói từ 500.000-600.000 đồng/kg; lạp xưởng hong khói giá 450.000 đồng/kg; rau rừng tùy loại từ 50.000-250.000 đồng/kg. Dù giá cao nhưng nhiều khách đặt hàng với số lượng lớn do thực phẩm mới lạ, khó kiếm được ở miền xuôi. Đến nay, chị Hậu đã nhận hơn 100 đơn đặt hàng. Đa số mọi người đều muốn lấy vào dịp giáp Tết vì thế mà nguồn hàng khan hiếm hơn. Đến giữa tháng chạp, chị Hậu đã không nhận đơn hàng nữa vì sợ không lấy được hàng cho khách.
Cuối năm cũng là thời điểm ông Bùi Ngọc Oanh ở thôn Thanh Mai, xã Hoàng Hoa Thám (Chí Linh) tăng thu nhập nhờ bán lợn rừng. "Năm 2013, tôi thấy có nhiều người lên đây tìm mua lợn rừng nên đã đầu tư gần 20 triệu đồng mua 2 con lợn giống nuôi theo đúng cách của người dân tộc để bán. Từ năm ngoái đến nay, trong chuồng nhà tôi luôn có 30 con. Bây giờ xu hướng mọi người đều thích lợn sạch nên tôi chỉ cho lợn ăn bỗng rượu, chuối non, cám thóc, tuyệt đối không dùng cám công nghiệp. Lợn được thả rông trên đồi. Chính vì thế mà lợn nhà tôi bé hơn nhưng giá bán lại nhỉnh hơn so với giá thị trường. Mỗi kg lợn hơi có giá từ 150.000-170.000 đồng. Tết năm ngoái tôi thu lãi hơn 100 triệu đồng. Hiện tại, tất cả số lợn trong chuồng đã có người đặt mua", ông Oanh nói.
Theo anh Nguyễn Thế Anh ở xã Cẩm Chế (Thanh Hà), một khách hàng thường mua đặc sản rừng thì để có những sản phẩm này không phải là dễ. Anh đã nhờ người từ Sơn La gửi về cho 5 kg thịt trâu gác bếp và 3 kg rau rừng để ăn Tết. Anh cũng đang hỏi mua thịt lợn rừng tại các gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ bởi lợn ở đây thường nuôi dài ngày, thịt sẽ ngon hơn.
Sính hàng ngoạiBên cạnh "săn" các đặc sản núi rừng, nhiều người dân lại ưa chuộng các loại hoa quả ngoại nhập. Chị Bùi Thị Chinh ở phường Tân Bình (TP Hải Dương) nói: "Ngày nào cũng ăn hoa quả trong nước rồi, bánh kẹo thì ngọt quá nên mấy ngày Tết tôi muốn mọi người trong gia đình được đổi vị. Ngoài ra, còn vì các loại quả nhập từ nước ngoài được kiểm soát chặt chẽ nên sạch sẽ. Mấy Tết gần đây tôi thường mua hoa quả ngoại, một phần mang đi biếu, một phần dùng trong gia đình".
Các cửa hàng hoa quả nhập ngoại trên địa bàn TP Hải Dương chuẩn bị lượng hàng hóa l
ớn để đáp ứng nhu cầu của người dân trong dịp Tết Bính Thân
Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong những ngày áp Tết, ngay từ bây giờ các cửa hàng bán quả sạch đã lên nhiều phương án chuẩn bị. Chị Phạm Thị Ngần, nhân viên của cửa hàng hoa quả sạch trên đại lộ Hồ Chí Minh (TP Hải Dương) cho biết: "So với ngày thường, lượng khách đã tăng lên chút ít. Tuy nhiên, phải từ 23 âm lịch trở ra khách mới đông. Hiện nay, cửa hàng cũng đã nhận được nhiều điện thoại hỏi về hàng hóa, giá cả, thậm chí có người còn đặt hàng với số lượng lớn để đem đi biếu". Theo chị Ngần, Tết năm trước lượng khách tăng khoảng 10 lần so với ngày thường. Chính vì thế, để chủ động đáp ứng hết nhu cầu của khách hàng, chủ cửa hàng đã yêu cầu các nhân viên từ ngày 21 âm lịch trở đi sẽ phải làm từ 7 giờ sáng đến 10 giờ đêm. Những ngày thường, mỗi ca chỉ có 1 nhân viên bán hàng thì thời gian tới sẽ tăng lên 3 người/ca. Bên cạnh đó, cửa hàng cũng chuẩn bị một lượng hàng hóa lớn để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Hàng hóa ở đây chủ yếu là nho, táo đỏ, táo xanh của Mỹ, Úc, lê của Hàn Quốc, quả kiwi của New Zealand... Bên cạnh quả tươi, cửa hàng còn cung cấp nho, hồng, hạt óc chó, mắc ca sấy khô. Hiện nay, Mỹ và Úc đang vào mùa táo và nho nên những mặt hàng này sẽ không tăng giá. Táo được bán tại cửa hàng từ 85.000 - 250.000 đồng/kg tùy từng loại, nho 239.000 đồng/kg, kiwi từ 119.000 - 229.000 đồng/kg... Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, cửa hàng còn sắm giỏ, nơ và sẽ gói quà miễn phí giúp khách.
Để đáp ứng nhu cầu tăng cao của khách hàng, từ ngày 15 âm lịch, anh Hà Thành Long, chủ cửa hàng hoa quả sạch trên đường Nguyễn Trãi (TP Hải Dương) đã chuẩn bị kho lạnh để nhập hàng. Anh Long cho biết: "Tôi đã nhập một lượng lớn táo và cherry của Mỹ vì lo đến Tết sẽ tăng giá. Với lượng hàng này, tôi sẽ đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ mạnh của khách hàng trong dịp Tết với giá bán giữ nguyên như hiện nay". Theo anh Long, mặc dù hoa quả ngoại nhập đắt gấp 3-4 lần so với hoa quả trong nước hoặc hàng Trung Quốc nhưng vẫn rất thu hút người tiêu dùng bởi các loại quả này đều có giấy kiểm nghiệm của nước xuất hàng nên người tiêu dùng rất yên tâm. Ngoài việc huy động cả 2 nhân viên thì vợ chồng anh Long cũng phải phụ giúp bán hàng trong những ngày áp Tết.
Tuy nhiên, nhiều người lại không thích hoa quả ngoại vì vừa đắt tiền vừa không hợp khẩu vị. Họ có nguồn hoa quả an toàn trong nước và yên tâm sử dụng.
MƠ THỦY