"Nhà sáng chế" đang đơn độc

03/10/2016 06:41

Nhưng những nhà khoa học “chân đất" vẫn đơn độc trong hành trình nghiên cứu, chuyển giao và thương mại hóa sản phẩm của mình.



Máy thái hành, tỏi tự động của ông Nguyễn Văn Sành, xã Nam Trung (Nam Sách) vẫn chưa được sản xuất đại trà do thiếu vốn


Nhiều sáng chế của nông dân Hải Dương đã được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất và đem lại hiệu quả lớn. Nhưng những nhà khoa học “chân đất" vẫn đơn độc trong hành trình nghiên cứu, chuyển giao và thương mại hóa sản phẩm của mình.

Tự mày mò

Ban đầu, những nông dân sáng chế ra những công cụ sản xuất chỉ để phục vụ nhu cầu của gia đình mình. Sau đó, do hữu ích nên những sản phẩm đó đã đến được với nhiều nông dân trong và ngoài tỉnh, thậm chí còn được xuất khẩu.

Rô bốt gieo hạt của anh Phạm Văn Hát, xã Ngọc Kỳ (Tứ Kỳ) là một ví dụ. Hiện một số máy gieo hạt tự động của anh đã chinh phục được nông dân các nước Đức, Nhật Bản, Thái Lan... Tuy nhiên, trong quá trình thương mại hóa sản phẩm của mình, anh Hát cũng như nhiều nhà sáng chế là nông dân đều phải tự mình mày mò tìm thị trường tiêu thụ. “Tôi phải tự lập từ khâu sản xuất, tiếp thị đến cung cấp sản phẩm. Tôi mong sớm được Nhà nước hỗ trợ vốn đầu tư máy móc để sản xuất, hỗ trợ tìm kiếm thị trường. Khi đó, chúng tôi sẽ không phải đơn độc trong hành trình đưa những sáng chế hữu ích ứng dụng vào thực tế cuộc sống”.

Chiếc máy thái hành, tỏi tự động của ông Nguyễn Văn Sành ở xã Nam Trung (Nam Sách) đoạt giải ba tại Cuộc thi Sáng tạo khoa học, kỹ thuật tỉnh Hải Dương từ năm 2004. Sau đó, ông Sành đã dự định sản xuất hàng loạt máy này để bán cho bà con. Nhưng ngặt nỗi vì thiếu vốn nên đến nay ông Sành chỉ sản xuất nhỏ giọt, không dám nhận những đơn hàng lớn. Ông Sành cho biết: "Những sáng chế của nông dân đã được tôn vinh, khẳng định. Nhưng ngay sau đó những sáng chế của chúng tôi gần như bị bỏ rơi, ít nhận được những hỗ trợ xứng đáng. Chúng tôi cần được hỗ trợ vốn để sản xuất ra nhiều sản phẩm phục vụ nhu cầu của bà con chứ không chỉ những bằng khen và giấy chứng nhận”.

Trong khi các nhà khoa học được hưởng lương, được hỗ trợ thiết kế mẫu mã sản phẩm còn chúng tôi phải mày mò, tự tìm đất sống cho những sáng chế của mình.


Nhu cầu sử dụng máy nông nghiệp ở Hải Dương nói riêng và cả nước nói chung vẫn còn rất lớn. Do đó, các nhà sáng chế “chân đất” vẫn còn nhiều cơ hội để khai thác thị trường giàu tiềm năng này. Tuy nhiên nếu không được kịp thời tiếp sức, những sáng chế này dễ bị “chết yểu”. Ông Nguyễn Văn Sành cho rằng cần phải đối xử công bằng giữa những sáng chế của nông dân với các nhà khoa học. “Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã khẳng định nông dân không bằng cấp mà có các sản phẩm sáng tạo thì thực sự họ là những nhà khoa học. Chúng ta trân trọng họ, bình đẳng như những nhà khoa học có bằng cấp. Vậy mà, trong khi các nhà khoa học được hưởng lương, được hỗ trợ thiết kế mẫu mã sản phẩm còn chúng tôi phải mày mò, tự tìm đất sống cho những sáng chế của mình", ông Sành bảo.

Chưa phát triển được sản phẩm

Ông Nguyễn Văn Điền, đại diện Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Phú Mỹ cho rằng để những sáng chế của nông dân đem lại những lợi ích lớn hơn cần có sự liên kết “3 nhà”. Ông Điền lấy ví dụ: Nông dân là những người sáng tạo ra những sản phẩm, công cụ gắn liền với thực tế cuộc sống nhưng để sản phẩm được nâng cao hơn cần có sự hỗ trợ của các nhà khoa học. Họ sẽ giúp nông dân sáng chế sản phẩm có tính tự động cao và ứng dụng tốt hơn nữa trong sản xuất. “Doanh nghiệp chúng tôi sẵn sàng mua sáng chế hoặc đầu tư sản xuất hàng loạt các sản phẩm do nông dân sáng tạo. Tuy nhiên, sản phẩm đó phải có tính ứng dụng cao và đem lại những lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp”, ông Điền nói.

Thời gian qua, những sáng chế của nông dân đã được Nhà nước quan tâm nhưng những khó khăn thực tế như vốn, đầu ra cho sản phẩm thì nhà nông vẫn phải tự thân vận động. Nhiều sáng chế nhà nông làm ra nhưng chưa thành sản phẩm công nghiệp được vì còn thiếu tính khoa học. “Vì vậy, những chiếc máy đó chưa thể sản xuất số lượng lớn và ứng dụng rộng rãi trên thị trường. Muốn vượt qua điều này cần có sự phối hợp giữa nhà nông, nhà khoa học và doanh nghiệp”, anh Nguyễn Tuấn Chung, chủ nhân của sáng chế thuốc diệt ốc bươu vàng sinh học ở xã Thạch Lỗi (Cẩm Giàng) nói.

Về lâu dài, để những sáng chế của nông dân được khẳng định và bảo vệ thì sản phẩm đó còn cần được đăng ký bảo hộ. Đề cập đến vấn đề này, ông Lê Lương Thịnh (Sở Khoa học và Công nghệ) khẳng định hiểu biết của nhiều nông dân Hải Dương về việc bảo hộ sáng chế khá lơ mơ. Nếu không nhanh chân họ sẽ bị thiệt thòi. Bởi khi chưa đăng ký quyền bảo hộ, sản phẩm do nông dân sáng chế rất dễ bị đánh cắp. Vì vậy, Đề án "Phát triển trí tuệ tỉnh Hải Dương, giai đoạn 2017-2020" vừa được UBND tỉnh phê duyệt được coi là công cụ giúp nông dân bảo vệ những sáng chế của mình. Đề án sẽ có những hỗ trợ tích cực cho sáng chế của nông dân. Theo đó, nông dân không chỉ được hỗ trợ kinh phí, tư vấn, hỗ trợ xác lập quyền sở hữu công nghiệp, bảo hộ nhãn hiệu trong nước mà còn ở nước ngoài. Bên cạnh đó, nông dân còn được hỗ trợ một phần kinh phí để thương mại hóa sản phẩm. “Đây cũng có thể coi là sự động viên kịp thời của tỉnh đối với những sáng chế của nông dân, giúp họ bớt đơn độc trong hành trình sáng tạo”, ông Thịnh nói.

Ông Thịnh cũng lưu ý nông dân cần quan tâm đăng ký bảo hộ sáng chế trước khi sản phẩm được thương mại hóa bởi một khi đã được bán ra thị trường thì việc bảo hộ cho sáng chế đó rất khó thực hiện. Hiện nay, hầu hết những sáng chế của nông dân Hải Dương không nhận được trợ giúp bảo hộ cũng vì lý do này.

HẢI MINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    "Nhà sáng chế" đang đơn độc