"Khác máu, trung lòng"

25/07/2015 14:18

Dân hàng phố thấy ngày nào ông Thi cũng đi mua ăn sáng cho bà mẹ từ rất sớm, hôm thì xôi, bánh rán, hôm thì bún, phở.

Có người biết cụ đã đến tuổi chín mươi, bệnh già nằm bất động, không tự làm vệ sinh được, ái ngại nói:

- Cho cụ ăn uống mức độ thôi, không thì chỉ khổ ông, gần bảy mươi tuổi rồi còn gì...
- Cảm ơn bà nhắc nhở - ông Thi đáp - Nhưng cụ còn sống được bao lâu nữa đâu nên thích ăn gì là vợ chồng tôi chiều cụ...

   Cụ có mấy người con trai sống ở Hà Nội là quan chức, nhà cửa đàng hoàng. Thế nhưng, về đây sống với ông bà Thi cụ vẫn thấy thoải mái hơn. Dù đã yếu nhiều, nhưng hễ có ai đến thăm, cụ lại cố gượng dậy, nói như khoe: "Tôi về đây thấy khỏe ra đấy! Nhà cao cửa rộng chả bằng rộng lòng hiếu đễ..."

Người hàng phố biết ông Thi không phải là con ruột của cụ. Do hoàn cảnh, vừa lọt lòng ông Thi đã được cụ nuôi dưỡng. Từ đó, ông coi cụ như mẹ ruột, còn khỏe thì thường xuyên đồng quà tấm bánh, khi ốm đau lại nhận phần phụng dưỡng. Nói đến phục vụ người bệnh già giảm trí nhớ, mọi sinh hoạt gần như không tự chủ được thì ai cũng thấy ngại, ngay cả thuê "ô sin" dăm triệu đồng một tháng vẫn có người không dám làm. Nhưng vợ chồng ông bà Thi thì chẳng quản ngại việc gì, chỉ mong sao cụ sống thêm được ngày nào cũng là để đền đáp vì "cha sinh không bằng mẹ dưỡng"...
Biết chuyện này, tôi có lần hỏi anh bạn cùng phố với ông Thi:

- Chắc là nhà ông bà Thi kinh tế cũng khá?
- Hoàn cảnh thì có. Hai vợ chồng có một suất lương hưu, con lớn thì không có việc làm ổn định, ông bảo khá làm sao được...

Vỡ chuyện, tôi càng hiểu và quý trọng tấm lòng vợ chồng ông Thi. Thành ngữ có câu "khác máu, tanh lòng", nhưng trong trường hợp này thì phải là "khác máu, trung lòng", nghĩa là còn trung hiếu hơn cả kẻ ... chung máu.

TRỌNG NGUYỄN


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    "Khác máu, trung lòng"