"Hà Nội cái gì cũng giả"

17/07/2017 10:06

<b>Câu chuyện xảy ra đã lâu nhưng thỉnh thoảng trong những dịp bạn bè gặp nhau hay sau những cuộc trà dư tửu hậu, bạn bè văn chương với nhau hay đem chuyện này ra kể cho vui.</b><br>

Khoảng tháng 10.2007, trước đại lễ nghìn năm Thăng Long 3 năm, tôi có một chùm thơ viết về Hà Nội nhưng lại bắt chước theo cách nghĩ và logic của người Mông. Một hôm, nhân bạn bè văn chương tụ tập vui vẻ, Bùi Việt Mỹ, lúc đó là Phó Tổng biên tập Báo Người Hà Nội bảo tôi:

- Dạo này có thơ mới về miền núi không, Lê Tuấn Lộc đọc cho mọi người nghe chơi.

Tôi đứng dậy, to giọng đọc một chùm bài mới, trong đó có bài "Hà Nội cái gì cũng giả". Mọi người vỗ tay tán thưởng. Dịch giả Lê Bá Thự bảo:

- Lộc gửi ngay đăng báo đi.

Tôi nói đang chọn để có một tập thơ chuyên đề về miền núi cho Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc xuất bản. Các bài thơ của tôi trong tập hầu hết đều có câu kết: "Không tin về Hà Nội mà coi!" Tuy nhiên, cái tên của tập thơ tôi chưa biết đặt thế nào. Một ông bạn văn xuôi bảo:

- Thì đặt tên tập thơ đúng như những câu kết: "Không tin về Hà Nội mà coi".

 Tôi vỗ đùi đánh đét đồng ý:

- Hay, hay!

Nhà thơ Bùi Việt Mỹ bảo: "Tuần tới anh Lộc gửi cho Báo Người Hà Nội một chùm như vừa đọc".

Tôi gửi ngay chùm thơ đến Báo Người Hà Nội. Ba ngày sau, anh Bùi Việt Mỹ điện báo tin: "Thơ đã đăng báo tuần này".

Sáng hôm sau, tôi đến Báo Người Hà Nội ở 126 Nam Cao. Vừa bước lên cầu thang tầng 2 gặp ngay Tổng biên tập, nhà thơ Vũ Xuân Hoát trên tầng 2 đi xuống. Anh Hoát vui vẻ bắt tay tôi rồi nói: "Chùm thơ anh đăng trong số báo hôm nay đấy. Chúc mừng! Lên lấy báo đi".

Tôi có tâm lý rất trẻ thơ: bất kỳ một bài thơ mới nào của mình được đăng báo cũng đều hồi hộp như người được in bài thơ đầu tay. Tôi cầm tờ báo trên tay và rất vui vì báo đăng chùm thơ 3 bài về cảm giác của một người dân tộc thiểu số lần đầu tiên về Thủ đô Hà Nội. Trong đó có bài "Hà Nội cái gì cũng giả". Nguyên văn như sau:

Hà Nội cái gì cũng giả
Đi phố mình thấy hoa đẹp
Vào cửa hàng xem
Sờ tay thì là hoa giả
Thấy cây táo to quả vào xem
Thích quá
Chủ bảo hoa giả đấy
Bây giờ giả mà như thật

Lại có cô gái mặc áo đẹp đứng trước hàng quần áo
Lại xem thì là cô gái giả
Đến người cũng còn giả

Hà Nội cái gì cũng giả
Không tin về Hà Nội mà xem.


Một tuần sau, anh Bùi Việt Mỹ điện cho tôi: Bài thơ "Hà Nội cái gì cũng giả" của anh bị coi là có vấn đề, chúng tôi đang bị Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội yêu cầu kiểm điểm, giải trình. Bài thơ "Hà Nội cái gì cũng giả" bị đánh giá là bêu xấu Hà Nội". Tôi giật mình: Mình không có ý ấy. Đây chỉ là cái lý của người Mông mà mình bắt chước vào thơ và đó là một cách nói đáng yêu, thơ ngây theo kiểu người dân tộc thiểu số. Chả riêng người thiểu số. Người Kinh cũng có những cách nói ngoa nhưng không có ý miệt thị như vậy. Nhiều khi mẹ mắng con, quát nạt: "Tao đập mày chết!". Nhưng có người mẹ nào đập chết con đâu. Có khi, bị mất cắp, bực mình buột miệng: "Giờ ra đường toàn kẻ cắp". Nhưng có phải ngoài đường toàn kẻ cắp đâu...

Tôi đến tòa soạn Báo Người Hà Nội xem thực hư ra sao. Tổng biên tập Vũ Xuân Hoát vẻ không vui bảo tôi: "Tại bài thơ của anh mà báo tôi bị kiểm điểm đấy. Chúng tôi đang phải giải trình với Ban Tuyên giáo Thành ủy". Vũ Xuân Hoát bảo: "Nội dung thì không có vấn đề gì. Vấn đề là cái đầu đề bài thơ hơi gợn. Nếu thay tên bài thơ thì chắc không nặng nề lắm. Ngay tít bài thơ đã nói Hà Nội cái gì cũng giả nghe hơi chối tai rồi".

Phó Tổng biên tập Bùi Việt Mỹ cho tôi xem nội dung giải trình và khẳng định: "Tôi cho rằng bài thơ này hay và đây chỉ là cách nói của một người dân tộc thiểu số ngộ nghĩnh, vô tư, không có ý gì chê bai Hà Nội cả".

Có người của Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội đã tham khảo ý kiến của nhà thơ Bằng Việt. Bằng Việt thẳng thắn: "Tôi biết nhà thơ Lê Tuấn Lộc từ lâu, anh là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Trước khi làm thơ anh là một giám đốc, một Bí thư Đảng uỷ mỏ, không phải một nhân vật khả nghi gì đâu".

Chuyện rồi qua, không thấy ai có ý kiến thêm về bài thơ "Hà Nội cái gì cũng giả". Báo Người Hà Nội cũng không ai bị kỷ luật mà tôi cũng không bị Ban Tuyên giáo Thành uỷ gọi lên nhắc nhở cách viết hay chỉ đạo gì thêm.

Tuy nhiên, để cho yên tâm, tránh hiểu theo đa nghĩa và mang hàm ý xấu, khi xuất bản tập thơ này ở Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc, nhà thơ Hà Lý đã sửa tên bài thơ cho mềm hơn là: "Giả mà như thật".

LÊ TUẤN LỘC

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    "Hà Nội cái gì cũng giả"