Châu Khê là làng cổ, có từ thời Lý (1010 - 1225), xưa thuộc tổng Tông Tranh (Thị Tranh), nay thuộc xã Thúc Kháng (Bình Giang).
Câu đối cổ hiện được treo ở nơi thờ tự của đại gia đình họ Phạm ở làng Châu Khê
Châu Khê nổi tiếng về chế tác, buôn bán vàng bạc. Nhiều người ở nơi khác đến Châu Khê học nghề, họ được truyền nghề mà vẫn không lấy được bí quyết. Châu Khê giàu lên vì nghề có phần quan trọng là vẫn giữ được bí quyết.
Bí quyết này phản ánh trong câu đối cổ, hiện treo ở từ đường đại gia đình họ Phạm làng Châu Khê.
Ông Phạm Văn Thăng (sinh năm 1941, nguyên Phó Chủ tịch HĐND huyện Bình Giang) cho biết: Câu đối do các cụ để lại, có từ hơn 200 năm trước. Khảo sát câu đối, chúng tôi thấy có điểm khác những câu đối ở các gia đình là niêm luật không theo quy định đối thanh bằng trắc, đối từ vựng, tổng số chữ mỗi vế thuộc số chẵn, 6 chữ. Có hai cách dịch nghĩa. Cách thứ nhất: Miệng kín như bưng, ý chí vững như tường thành/Cái gì bình thường cho nó là bình thường, cái gì cần sáng cho nó sáng lên. Cách thứ hai: Miệng kín như miệng lọ đã đậy nắp, ý chí vững như tường thành/Cân đong phải chuẩn chỉ, chất liệu đã sáng đẹp rồi phải làm ra sản phẩm sáng đẹp hơn.
Trong đó, cách dịch thứ hai sát với nghĩa trong câu đối và sát thực tế của công việc chế tác vàng bạc, với mua bán sản phẩm của người Châu Khê.
Ý sâu xa trong câu đối còn là quy ước của làng. Trong mọi hoàn cảnh, điều kiện, không được để người làng khác biết kỹ thuật chế tác vàng bạc. Giao tiếp mua bán phải giữ cán cân thăng bằng. Phải luôn ý thức làm cho sản phẩm đẹp hơn. Người Châu Khê luôn nhập tâm ý nghĩa sâu xa của câu đối khi làm việc, trong mua bán hàng hóa.
Cụ Phạm Đình Quế, người làng Châu Khê là chủ hiệu vàng Thế Xuân nổi tiếng ở số 94 phố Hàng Bạc (Hà Nội) thập kỷ 50 của thế kỷ trước. Sự nổi tiếng của hiệu vàng Thế Xuân đi liền với sự khá giả về kinh tế và có nguyên nhân từ bí quyết luyện vàng thời đó: giã gạch non trộn với vàng và chất gì đó để sau mỗi lần nung, vàng bạc lại tốt hơn (chất lượng vàng đạt độ tuổi cao hơn). Ông Thăng là cháu nội cụ Quế, thường phụ giúp bố nung vàng bạc để đạt độ tuổi cao hơn, nắm rõ quy trình nhưng cũng không dám nói ra chất “gì đó”. Ông Thăng bảo thời ấy nói ra bí quyết này thì cầm chắc bị đuổi khỏi làng.
Trước đây, câu đối treo ở gia đình cụ Phạm Gia Thụy (sinh năm 1908). Cụ Thụy là hàng trên của đại gia đình họ Phạm, cũng là người giỏi về chế tác vàng bạc, giàu có. Khi cụ Thụy sang Pháp định cư, có gửi người bạn ở phố Lý Nam Đế. Câu đối được gia đình người bạn treo ở nơi thờ cúng. Gia đình lưu giữ câu đối từ đó làm ăn khá giả. Năm 2007, đại gia đình họ Phạm dựng ngôi nhà thờ ở Châu Khê. Con trai cụ Thịnh là GS TS Phạm Ngọc Tuấn (sinh năm 1940) tìm đến địa chỉ gửi câu đối xin chuộc lại nhưng không được. Gia đình lên kế hoạch sao chụp lại thì ông Tuấn được điều động sang Canada giảng dạy. Ông Tuấn gửi lại địa chỉ liên hệ là ông Phạm Văn Thăng ở Châu Khê. Có điều lạ là sau khi người chủ lưu giữ câu đối do cụ Thịnh gửi qua đời thì kinh tế gia đình sa sút, nội bộ lục đục. Gia đình này tìm nguyên nhân, kể cả bằng tâm linh thì được cho biết phải trả câu đối cho chính chủ. Chỉ mấy ngày sau, câu đối được mang về Châu Khê, bàn giao cho ông Thăng bằng nghĩa cử công đức.
Người Châu Khê có nghề chế tác vàng bạc tính đến nay đã 556 năm. Nghề do quan Thượng thư Bộ Lại Lưu Xuân Tín là người làng tạo dựng. Hiện nay, bí quyết chế tác vàng bạc ở Châu Khê chắc không còn nghiêm ngặt như trước. Tuy vậy di sản về kỹ năng chế tác, giao dịch và những thuật ngữ chuyên ngành mà người Châu Khê kiến tạo và duy trì thì vẫn còn nguyên giá trị.
VĂN LỘC