Đền Đươi ở thôn Cẩm Đới, xã Thống Nhất (Gia Lộc) được mệnh danh là một trong những "danh lam cổ tự" của Hải Dương.
Rước kiệu tại lễ hội đền Đươi
Đây là khu di tích lịch sử văn hóa, công trình kiến trúc nghệ thuật mang đậm kiến trúc Á Đông. Trải qua gần 1000 năm lịch sử, đến nay, đền Đươi còn giữ khá nguyên vẹn lối kiến trúc cổ và các nghi thức lễ hội truyền thống xưa.
Đền Đươi được xây dựng từ thời Lý thế kỷ thứ XI, thờ Nguyên phi Hoàng Thái hậu Ỷ Lan. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, bà tên thật là Lê Thị Yến, sinh ra trong 1 gia đình nghèo ở xã Như Quỳnh, huyện Mỹ Văn (Hưng Yên). Bà làm nghề nông nghiệp và trồng dâu nuôi tằm. Một lần, Vua Lý Thánh Tông trẩy hội gặp bà nép mình dưới bòng lan, thấy lạ vua bèn truyền gọi. Gặp bà, vua cảm mến nên đưa về kinh cho xây dựng cung Lan và đặt tên là Ỷ Lan. Từ một thôn nữ vườn dâu, nhờ tài trí thông minh, lòng yêu nước thương dân, bà đã trở thành Nguyên phi, rồi Hoàng thái hậu, 2 lần nhiếp chính, giúp vua Lý Thánh Tông và Lý Nhân Tông xây dựng nền hưng thịnh cho Quốc gia Đại Việt. Bà còn làm được nhiều việc quan trọng cho đất nước như: đưa ra nhiều chính sách khuyến nông, phòng, chống bão, lụt, bảo vệ đê điều, dạy dân làng phát triển tiểu thủ công nghiệp, xây dựng tình đoàn kết xóm làng…Tại xã Thống Nhất (Gia Lộc), Nguyên phi Ỷ Lan đã có lần thị sát qua đây. Bà dạy cho dân làng nghề trồng dâu, dệt vải, khuyên người dân chăm chỉ làm ăn, tăng gia sản xuất, xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc ấm no... Nhân dân cảm ân sâu của bà nên khi bà mất đã cho xây dựng đền Đươi để thờ bà. Trải qua nhiều biến cố lịch sử, đến nay, đền Đươi vẫn giữ được lối kiến trúc cổ, chủ yếu có niên đại thời hậu Lê (thế kỷ XVII) bao gồm các tòa: tiền tế, trung từ, hậu cung và 2 dãy giải vũ. Đền có bố cục hình chữ quốc. Tòa tiền tế gồm 3 gian, 2 dĩ, dài 17 m, rộng 8,1 m, với 4 vì kèo chính và 2 dãy cột quân của 2 gian, hệ thống cột thấp và các bức chạm tinh xảo. Các cột cái thấp, đường kính khá lớn khoảng 40 cm. Các đầu trụ, con vành, đấu nóc đều được chế tác đẹp, chắc khoẻ, mang tính nghệ thuật cao. Tại các vì kèo gian trung tâm có một số bức chạm "long quần" nghệ thuật. Móng tòa tiền tế xây bằng gạch Bát Tràng, tường xây bằng gạch chỉ mỏng, mái lợp ngói mũi, 4 đầu đao có phù điêu rồng chầu, phượng mớm, trên bờ nóc có phù điêu "lưỡng long chầu nguyệt" khá sinh động.
Múa rồng tại lễ hội đền Đươi
Qua khoảng sân hẹp là tòa trung từ dài 17 m, rộng 5,1 m, tại đây có 4 vì kèo kết cấu kiểu con chồng đấu sen, tạo thành 5 gian rộng. Các chi tiết mộc của tòa trung từ có độ lớn trung bình, kỹ thuật chế tác chủ yếu là bào trơn. Móng và tường xây bằng gạch chỉ chắc, mái lợp ngói mũi.
Nối liền gian thứ nhất và gian thứ 5 là 2 dãy giải vũ, mỗi dãy dài 6,4 m, rộng 1,65 m, kiến trúc của 2 dãy giải vũ khá đơn giản, cột thấp, mái lợp ngói mũi, nối hai tòa nhà tiền tế và trung từ tạo thành một không gian khép kín, khoảng sân giữa được đặt những chậu cảnh khá đẹp.
Tòa hậu cung có 3 gian, trong đó có một gian cung cấm. Kiến trúc của tòa hậu cung gồm 2 vì kèo, kỹ thuật chủ yếu là bào trơn, không có chạm khắc hoa. Hậu cung có khám thờ tượng Nguyên phi Ỷ Lan tư thế ngồi, cao 60 cm, nét mặt phúc hậu. Hiện tại, đền Đươi còn giữ được 4 bộ kiệu, 1 long đình, 4 ngai thờ, 1 bộ bát bửu, 2 câu đối, 1 bát hương đồng, 2 nghê đá thế kỷ XVII. Khi khai quật khảo cổ học, tại đây còn phát hiện một số gạch hoa thời Lý. Những năm gần đây, một số công trình như cổng, nhà khách, giếng rồng và các công trình phụ trợ khác được xây dựng làm cho di tích thêm đồ sộ.
Đông đảo du khách trảy hội đền Đươi
Hằng năm, vào những ngày đầu xuân và ngày 22-7 (âm lịch) xã Thống Nhất long trọng tổ chức lễ hội để tưởng nhớ công lao của Nguyên phi Hoàng Thái hậu Ỷ Lan. Lễ hội thường diễn ra trong 3 ngày, trong đó, ngày đầu tiên tổ chức lễ rước kiệu tượng Nguyên phi Ỷ Lan quanh làng để nhân dân chiêm bái. Ngoài ra, lễ hội cũng tổ chức nhiều trò chơi dân gian truyền thống như: cờ người, đấu vật, kéo co, trọi gà, văn nghệ... Hằng năm, lễ hội đền Đươi, thu hút đông đảo khách tham quan trong và ngoài nước. Nhận thức rõ tầm quan trọng của khu di tích đền Đươi, xã Thống Nhất luôn quan tâm tu bổ, tôn tạo ngôi đền. Ông Phạm Đăng Quynh, Phó Chủ tịch UBND xã Thống Nhất cho biết: Đền Đươi được xếp hạng di tích cấp quốc gia tháng 1-1991. Để bảo tồn di tích, xã đã thành lập Ban quản lý di tích. Hằng năm, số tiến công đức tại đền (trung bình khoảng 200 triệu đồng) được sử dụng hiểu quả để đầu tư tôn tạo đền và phục vụ lễ hội. Nhiều công trình được tu bổ, xây dựng tạo nên diện mạo mới cho khu di tích. Đền Đươi, thực sự trở thành nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng không thể thiếu của nhân dân địa phương.
THÚY HÀ