Quần thể di tích "Chí Linh bát cổ" hòa quyện các yếu tố: địa - thiên nhiên, địa - lịch sử, cụ thể như cổ độ, cổ trạch, cổ viên, cổ bích, cổ tháp, cổ động, cổ thành. Các yếu tố này ghi lại cảnh quan thiên nhiên và lịch sử.
|
Đền thờ nhà giáo Chu Văn An. Ảnh: Thành Chung |
Đất nước Việt Nam ta đa dạng về văn hóa, giàu đẹp về cảnh quan thiên nhiên và di sản lịch sử. Hai nét đặc sắc đó hòa quyện với nhau trong sự phát huy và sáng tạo của con người đã để lại những di tích lịch sử muôn màu muôn vẻ. Ở Hải Dương ta có quần thể di tích "Chí Linh bát cổ" hòa quyện các yếu tố: địa - thiên nhiên, địa - lịch sử, cụ thể như cổ độ, cổ trạch, cổ viên, cổ bích, cổ tháp, cổ động, cổ thành. Các yếu tố này ghi lại cảnh quan thiên nhiên và lịch sử. Nhưng cái đậm nét nhất của mỗi di tích là yếu tố địa - kinh tế, địa - chính trị, địa - văn hóa, địa - quân sự.
Cụ thể như Nhạn Loan cổ độ thì yếu tố Nhạn Loan là quan trọng nhất. Trong lịch Triều hiến chương loại chí, tập I, phần Dư địa chí - Nhân vật chí (NXB Sử học, 1960, trang 106), nhà sử học Phan Huy Chú đã ghi: Về phía đông nam núi Phao Sơn, bên dưới núi nổi lên một bãi cát nom như hình hai con nhạn, dài mười trượng, cao vài mươi thước, trông gần thì như bạc, trông xa thì như nước. Người Trung Quốc nói về kiểu đất chỗ này có câu: "Bạch Nhạn vô mao, Sơn tận anh hào" nghĩa là: "Bao giờ chim nhạn trắng không mọc lông thì không sinh ra người anh hào nào nữa". Nay những cỏ mọc ở bãi nhạn trắng đó mười phần chỉ còn độ ba, bốn phần. Bãi hình chim nhạn gần với chùa Sùng Nghiêm, thuộc xã Nam Giản. Trong sách nói về kiểu đất của người Trung Quốc, cho Cổ Bi làm chi giữa, Thăng Long làm chi tả, Nam Giản làm chi hữu (Nam Giản là địa danh trên đất Chí Linh gần với Nhạn Loan cổ độ). Từ đây chúng ta có thể suy ngẫm là di tích lịch sử này không chỉ có ý nghĩa trong phạm vi Hải Dương mà cảnh quan địa lý, lịch sử còn liên quan đến Cổ Bi và Thăng Long, thủ đô của cả nước.
Thượng Tể cổ trạch là nơi dạy học của quốc phụ Trần Quốc Chẩn. Yếu tố lịch sử này có tầm quan trọng lớn đối với di tích, như Đại Nam Nhất Thống Chí (sách đã dẫn, tập II HN 1971 trang 401) đã ghi: "Đền Huệ Vũ vương nhà Trần: Trần Quốc Chẩn, ở xã Kiệt Đặc, huyện Chí Linh, tên thần là Quốc Điền, tôn thất nhà Trần đời Trần Minh Tông làm nhập nội hành khiển, sau bị gian thần Trần Khắc Chung dèm mà chết, người làng lập đền ngay chỗ nhà cũ để thờ". Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn chép: "Trần Công nhà ở gần sông Cái, tương truyền ông có thuật lạ, cứ ba ngày một lần vào triều, tối còn ở nhà, sáng hôm sau đã ở Kinh sư rồi, ông dùng thuyền nhỏ chèo mau, cho nên một đêm có thể đến Kinh sư được. Nay cầu đảo vẫn linh ứng".
Dược lĩnh cổ viên là khu vườn trồng thuốc Nam của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Như Đại Nam Nhất Thống Chí tập 3 có ghi: Vườn cổ Dược sơn ở xã Dược Sơn, huyện Chí Linh là chỗ nhà cũ của Trần Hưng Đạo vương, nay nền cũ vẫn còn (trang 390). Với địa danh này, chúng ta có thể liên hệ rộng ra giữa dược và y mà quảng bá di tích lịch sử của các thánh y thuộc Hải Dương như: Tuệ Tĩnh ở Cẩm Giàng, nhà châm cứu Nguyễn Đại Năng ở Kinh Môn, Hải Thượng Lãn Ông ở Đường Hào, Đào Công Chính ở Vĩnh Bảo, xưa cũng thuộc về Hải Dương. Với các di tích trên chúng ta có thể tự hào về truyền thống y dược của Hải Dương đã có tầm cao trong lịch sử văn hóa dân tộc, được ngành y dược trong cả nước tôn vinh.
Tiều Ẩn cổ bích nay ở xã Văn An, là nơi ở ẩn của quan đại thần nhà giáo Chu Văn An. Như Đại Nam Nhất Thống Chí tập 3 (trang 390) đã ghi: Nhà cổ Tiều Ẩn ở núi Phượng Hoàng, xã Kiệt Đặc, huyện Chí Linh, là chỗ nhà cũ của Chu Văn Trinh hiệu là Tiều Ẩn nay dựng đền thờ. Lịch Triều Hiến chương loại chí (trang 105) đã viết: "Núi Phượng Hoàng ở xã Kiệt Đặc, ngọn núi hơi ngả xuống, hai bên sườn núi mở rộng ra hình như chim phượng múa. Thời nhà Trần có làm ra cung Tử cực, điện Lưu Quang mà Băng Hồ tiên sinh Trần Nguyên Đán đã có bài thơ vịnh rất nổi tiếng. Phát huy tác dụng của di tích lịch sử này chúng ta phải nêu gương kiên trung tiết nghĩa của thầy giáo Chu Văn An, người đã dâng thất trảm sớ lên vua Trần Dụ Tông xin chém bảy nịnh thần, rồi xin về ở ẩn dạy học, đã đào tạo được nhiều danh nhân cho đất nước. Ngày nay, ngành giáo dục của cả nước tôn vinh nhà giáo Chu Văn An, cũng cổ vũ Hải Dương phát huy tác dụng này trong tỉnh và ra cả nước. Học sinh Hải Dương có tiếng là hiếu học, hằng năm đỗ đại học nhiều và có nhiều em được giải thưởng quốc gia, quốc tế. Chúng ta cũng có thể tự hào về di tích Tiều Ẩn cổ bích trong Chí Linh bát cổ.
Tinh Phi cổ tháp cũng thuộc xã Văn An là di tích về Bà chúa Sao sa Nguyễn Thị Duệ. Đại Nam Nhất Thống Chí tập 3 trang 437 đã viết: "Nguyễn Thị Duệ người huyện Chí Linh, thông minh hơn người, học rộng văn hay; năm mới hơn 10 tuổi, cải trang làm con trai để đi học; khi lớn ứng thí khoa thi hội đời Mạc, đỗ tiến sĩ. Vua Mạc thấy dung mạo giống con gái, hỏi ra mới biết, thấy làm lạ. Đến khi nhà Mạc mất, ẩn ở dân gian, vua Lê nghe tiếng, cho triệu vào trong cung để dạy cung nữ, cho hiệu là Nghi ái quan, dùng văn chương hầu hạ không rời tả hữu; mỗi khi vua hỏi việc gì, thị liền dùng sự tích xưa nay chép trong kinh sử để đáp, vua Lê khen ngợi, cấp cho các thứ thuế ở bản xã làm Ngụ lộc. Đến năm 70 tuổi xin về làng dựng am Đàm Hoa để ở. Nay xã Kiệt Đặc, Kiệt Hoa thờ làm thần, vẫn còn bi ký".
Trạng Nguyên cổ đường, xưa là xã Linh Khê, huyện Chí Linh, nay thuộc xã Thanh Quang, huyện Nam Sách là giảng đường cũ của Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi. Khu di tích lịch sử này mới được nhà nước và tỉnh Hải Dương đầu tư tôn tạo, xứng đáng với tên tuổi của Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi. Trong lịch sử quan hệ ngoại giao hiện nay, Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng quan tâm đặc biệt đến tài năng của Mạc Đĩnh Chi trong việc giao tiếp với triều đình Trung Quốc và với các sứ thần Triều Tiên tại Bắc Kinh. Văn thơ của Mạc Đĩnh Chi đã biểu hiện rõ tài năng ứng đối của trí thức Việt Nam trên trường quốc tế.
Phao Sơn cổ thành nay thuộc thôn Phao Sơn, xã Cổ Thành đã được lịch sử ghi lại như sau: "Thành cổ Phao Sơn ở huyện Chí Linh đắp đời Minh Vĩnh - Lạc, đến nhà Mạc đắp rộng thêm, nền cũ vẫn còn. Thành Phao Sơn bao bọc núi làm thành, rộng 500 trượng, đời trước giặc cướp hay chiếm cứ, quan quân nhiều nơi đánh dẹp, nên chỗ đất ấy thành đất chiến trường, phía nam thành là trị sở ti Thừa Chính đời Lê có trường thi hương". Ở di tích lịch sử này, yếu tố địa - quân sự rất quan trọng, ghi lại cả những chiến tích chống ngoại xâm thời Trần có tác động đến nền độc lập của cả nước. Địa danh này gắn với di tích Kiếp Bạc - Côn Sơn thành một quần thể di tích lịch sử gồm cả địa - quân sự, địa - nhân văn.
Năm 1973, Giáo sư sử học Trần Văn Giàu, Giáo sư Nguyễn Hồng Phong cùng với tôi đã được UBND huyện Chí Linh mời về thăm Chí Linh Bát cổ, thăm Yên Tử - Quỳnh Lâm và nghiên cứu về Đệ tứ chiến khu gồm cả Chí Linh và Đông Triều. Giáo sư Trần Văn Giàu đã thốt lên vui mừng ca ngợi địa danh di tích lịch sử và quân sự này: "Chí Linh Bát cổ - Yên Tử - Quỳnh Lâm" xứng đáng được tôn vinh và phát huy tác dụng cùng với thành tích của Đệ tứ chiến khu giành lại chính quyền ở địa phương trước Cách mạng Tháng Tám, góp phần vào khởi nghĩa thành công Cách mạng Tháng Tám trong cả nước.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn khu di tích lịch sử văn hóa Côn Sơn - Kiếp Bạc gắn với phát triển du lịch thị xã Chí Linh. Quy hoạch tạo tiền đề đề nghị công nhận quần thể di tích lịch sử văn hóa Côn Sơn - Kiếp Bạc là di sản văn hóa thế giới. "Chí Linh Bát cổ" sẽ góp phần đáng kể vào quy hoạch tổng thể này.
G.S VĂN TẠO