Mới đây, tờ Times of India đã công bố hình ảnh của 30 ứng viên xinh đẹp cùng tranh vương miện Hoa hậu Ấn Độ 2019.
Tuy nhiên, bức ảnh này đã gây nên làn sóng phẫn nộ của người dân Ấn Độ vì các cô gái quá giống nhau đến mức khó phân biệt khi để cùng một kiểu tóc và cùng tông màu da.
|
Các thí sinh cuộc thi Hoa hậu Ấn Độ 2019 giống nhau đến mức gây tranh cãi |
Hàng loạt tờ báo của Mỹ cũng đưa tin với tiêu đề "Bức ảnh chung kết Hoa hậu Ấn Độ làm khuấy động cuộc tranh luận về nỗi ám ảnh của đất nước với làn da trắng".
Các thí sinh Hoa hậu Ấn Độ tuân theo tiêu chuẩn sắc đẹp châu Âu
Đất nước Ấn Độ có 1,3 tỷ dân, đa dạng ngôn ngữ và vô số dân tộc khác nhau. Nhưng thực trạng chung của các cuộc thi sắc đẹp tại đất nước này là duy trì vẻ đẹp châu Âu như một tiêu chuẩn về sắc đẹp lý tưởng.
Một khán giả tên là labellagorda bình luận trên Twitter: "Các thí sinh Hoa hậu Ấn Độ có cùng một kiểu tóc, cùng một màu da. Tôi mạnh dạn đoán rằng họ có cùng chiều cao và các chỉ số quan trọng khác. Quá nhiều sự giống nhau cho một quốc gia đa dạng như Ấn Độ".
Một khán giả khác bình luận: "Nếu các cuộc thi vẫn tiếp tục duy trì theo tiêu chuẩn sắc đẹp châu Âu như vậy, họ sẽ bỏ lỡ các giải thưởng Miss World hay Miss Universe".
Tờ Independent trích lời Anshika Singh, một thí sinh tham dự Miss India 2018: "Tôi là người tham gia cuộc thi này vào năm ngoái. Người chiến thắng là người trắng nhất. Đây đã trở thành chuyện hiển nhiên rồi".
|
Các thí sinh của cuộc thi sắc đẹp khác là Femina Miss India cũng bị cho là giống nhau về nhan sắc và đặc biệt là làn da trắng sáng |
Một sự thật là những ngôi sao nổi tiếng nhất Ấn Độ đều là người có làn da trắng sáng hơn đa số dân chúng nước này. Các cuộc thi sắc đẹp cũng là bệ phóng giúp các người đẹp có tham vọng bước chân vào ngành giải trí tạo được tiếng vang. Một số diễn viên nổi tiếng như Priyanka Chopra, Aishwarya Rai, Sushmita Sen cũng là hoa hậu trước khi chuyển sang nghiệp diễn.
Tờ CNN trích lời của Radhika Parameswaran, giáo sư tại Đại học truyền thông Indiana: "Có một nhận thức rằng các thí sinh hoa hậu phải mô phỏng tiêu chuẩn sắc đẹp phương Tây để giành chiến thắng. Đây là niềm tin độc hại đã trở thành một phần văn hóa của chúng tôi".
Nỗi ám ảnh quốc gia
Sở hữu làn da trắng thậm chí đã trở thành nỗi ám ảnh quốc gia. Một số phụ nữ Ấn Độ khi mang thai uống sữa pha với nghệ để làn da của con trở nên trắng hơn. Một số khác tránh bổ sung chất sắt vì tin rằng chất này khiến da của con họ trở nên tối màu hơn.
Kavitha Emmanuel, đại diện của tổ chức The Indian NGO Women of Worth cho biết: "Tại đất nước chúng tôi vẫn có quảng cáo tìm kiếm những cô dâu trắng trẻo thon thả và ngược lại là những quảng cáo rằng làn da tối màu khiến người khác lo lắng, không hạnh phúc".
|
Priyanka Chopra thắng giải Miss World khi cô 18 tuổi với làn da nâu khỏe mạnh và nét riêng ấn tượng |
Một nghiên cứu vào năm 2017 cho thấy 44,6% người dân Ấn Độ, bao gồm cả đàn ông và phụ nữ, từng sử dụng chất làm trắng và cảm thấy cần phải thử các sản phẩm làm sáng da được quảng cáo trên truyền thông. Các mỹ phẩm làm trắng da ở nước này đạt doanh thu hàng trăm triệu USD mỗi năm và ước tính đạt 700 triệu USD vào năm 2023.
Tại Ấn Độ, những người có làn da trắng hơn được coi là những người đẳng cấp hơn. Họ có lợi thế hơn trong việc tìm kiếm công việc hoặc bạn đời. Nhóm những người có màu da tối, bị gọi là Dalits, dù đây là màu da phổ biến của người dân nước này. Họ bị coi là "ô uế", không thể chạm tới đẳng cấp cao và thường bị giao các công việc chân tay.
Kavitha Emmanuel cho biết trẻ em là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất từ sự phân biệt đẳng cấp này. Những đứa trẻ chỉ mới 3 tuổi đã biết rằng chúng "không đủ trắng" khi bước ra ngoài xã hội.
Theo CNN, năm 2017, một ngôi sao Bollywood là Abhay Deol đã lên tiếng kêu gọi các nghệ sĩ từ chối các quảng cáo làm trắng da. Hiện tại, có nhiều ngôi sao tại Ấn Độ ủng hộ phong trào này và đề cao vẻ đẹp của các màu da khác nhau.
|
Nhiều nghệ sĩ đã thực hiện chiến dịch tôn vinh màu da truyền thống |
Theo Zing