Ba thôn Vũ Thành, Phương Quất, Xuân Cầu ở xã Lạc Long (Kinh Môn), mỗi thôn đều có đình thờ Thành hoàng làng. Điều đặc biệt là cả 3 vị Thành hoàng đều là anh em, có công đánh đuổi giặc Nguyên Mông.
Đình làng Phương Quất còn giữ được nhiều giá trị kiến trúc truyền thống
Thăng trầm theo thời gian
Theo sử sách ghi lại, trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 2 (năm 1285), ở trang Quất Hoa xưa (Phương Quất nay) có 3 anh em họ Trần là Trần Anh Nghị (anh cả), Trần Thúy Hồng (em thứ hai) và Trần Đăng Nhị (em út) đều là những vị tướng tài của Trần Hưng Đạo.
Sau khi thắng trận, 3 anh em về quê mở yến tiệc ăn mừng chiến thắng tại gốc cây đa làng Phương Quất. Sang cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ 3 (năm 1287 - 1288), cả 3 anh em được cử đi đánh trận cuối cùng tại sông Bạch Đằng (Quảng Ninh).
Trong lúc giao chiến, nữ tướng Trần Thuý Hồng bị thương và rút về đến địa phận xã Lạc Long và mất tại đây. Đến thời hậu Lê, để tưởng nhớ công lao của 3 anh em họ Trần, nhân dân tôn họ là Thành hoàng làng và mỗi làng xây dựng 1 ngôi đình để thờ cúng.
Người dân lấy ngày 1.4 âm lịch hằng năm là ngày hóa của 3 anh em họ Trần và là ngày tổ chức lễ hội của 3 làng. Theo một số bậc cao niên ở 3 làng, lễ hội trước đây tổ chức từ 3 - 5 ngày. Vào ngày chính hội, nhân dân làng Phương Quất và Xuân Cầu tổ chức rước kiệu, theo sau là đoàn tế lễ và đông đảo nhân dân. 2 đoàn rước tập trung tại đình thờ anh cả ở làng Vũ Thành để tổ chức lễ tế chung, sau đó mới quay trở về làng mình. Phần hội có nhiều trò chơi dân gian như đu quay, đập niêu, đi cà kheo, đi cầu thùm, bơi bắt vịt...
Ông Nguyễn Quý Chúc, nguyên Bí thư thôn Phương Quất cho biết trong 3 ngôi đình thì chỉ duy nhất có đình Phương Quất còn giữ được gần như nguyên vẹn quy mô, kiến trúc cổ xưa. Đình làng Vũ Thành và Xuân Cầu đều bị tháo dỡ do xuống cấp trầm trọng và bị tàn phá trong thời kỳ chiến tranh.
Đình Phương Quất thờ nữ tướng Trần Thúy Hồng. Di tích có kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm 5 gian đại bái và 2 gian hậu cung. Phần mộc, chất liệu chủ yếu bằng gỗ lim. Các vì kèo chính kết cấu kiểu "con chồng, giá chiêng" có nhiều bức trạm khắc nghệ thuật thể hiện nhiều đề tài mang đậm nghệ thuật truyền thống.
Phía sau ngôi đình là mộ của Thành hoàng làng. Di tích hiện còn lưu giữ được một số cổ vật quý như 1 cuốn thư bằng gỗ sơn son thiếp vàng thời Nguyễn, 1 thống đá (một loại chậu hình trụ tròn, thấp, miệng rộng, người xưa hay dùng để đựng nước, các nguyên vật liệu nấu ăn hoặc trang trí) dựng vào năm Minh Mệnh thứ 2 (năm 1821), 4 bia đá hậu thần. Đình được công nhận là di tích cấp quốc gia năm 2007.
Theo một số văn bia cổ còn sót lại và tư liệu điền dã, đình làng Vũ Thành xây dựng năm Cảnh Hưng thứ nhất đời vua Lê Hiển Tông (1740). Đình theo phong cách Lý - Trần, gồm 5 gian đại bái và vọng cung, kiểu nội công ngoại quốc.
Ông Nguyễn Công Chính (75 tuổi) ở thôn Vũ Thành cho biết Thành hoàng làng là Trần Anh Nghị - người có công lập ấp, dựng làng xưa kia. Năm 1947, giặc Pháp đã đốt cháy toàn bộ tòa đại bái, duy nhất còn lại vọng cung, đến những năm 1960 thì vọng cung cũng bị tháo dỡ.
Ông Đặng Nghi Đức (70 tuổi), nguyên Trưởng thôn Xuân Cầu cho biết theo cha ông truyền lại và trong trí nhớ của ông thì đình làng Xuân Cầu thờ người em út Trần Đăng Nhị, xây dựng từ thời hậu Lê, gồm 3 gian hậu cung, 5 gian đại bái. Đình bị xuống cấp trầm trọng và bị tháo dỡ hoàn toàn từ những năm 1960. Từ đó đến nay người dân phải thờ Thành hoàng ở chùa của làng rồi sau này chuyển sang thờ ở nhà văn hóa của thôn.
Tam quan đình Phương Quất được xây dựng khang trang, bề thế
Quan tâm trùng tu, tôn tạo di tích
Ông Nguyễn Văn Tin, Chủ tịch UBND xã Lạc Long cho biết những năm gần đây công tác tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn xã được quan tâm. Sự đóng góp, tài trợ của nhân dân địa phương, con em xa quê và quý khách thập phương giúp phục dựng các di tích ngày càng khang trang.
Đình làng Vũ Thành đã được khởi công từ tháng 10.2016 trong khuôn viên đình cũ, kiến trúc kiểu chữ Đinh, gồm 5 gian đại bái và 3 gian hậu cung, chất liệu bằng bê tông cốt thép, rui mè bằng gỗ, lợp ngói mũi. Hệ thống vì kèo kiểu "chồng rường, giá chiêng", họa tiết hoa văn đắp vẽ theo đề tài lá hóa long, lá lật truyền thống. Kinh phí xây dựng do người dân đóng góp khoảng 1,3 tỷ đồng cùng hàng nghìn ngày công. Đình khánh thành vào năm 2018 và được xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 2019.
Tháng 9.2019, đình làng Xuân Cầu thờ em út là Trần Đăng Nhị được nhân dân đóng góp 1,5 tỷ đồng để xây dựng lại trong khuôn viên đình cũ với quy mô 5 gian đại bái, 3 gian hậu cung trên diện tích 240 m2. Dự kiến đình mới sẽ khánh thành vào tháng 4 âm lịch năm Canh Tý 2020.
“Theo thời gian, nghi lễ rước tập trung tại đình Vũ Thành không còn. Ngoài một số trò chơi dân gian, thi đấu bóng chuyền, cầu lông thì lễ hội nay có thêm buổi giao lưu văn nghệ giữa các làng với nhau vào buổi tối hôm trước. Chúng tôi rất mong thời gian tới 3 làng sẽ ngồi bàn bạc với nhau để khôi phục lại nghi lễ này và một số trò chơi khác”, ông Nguyễn Văn Khương, Trưởng thôn Vũ Thành nói.
THẾ ANH