3 đại học của Việt Nam lọt vào top 500 trường đại học khu vực châu Á là Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh và Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Theo Bảng xếp hạng các trường đại học (ĐH) khu vực châu Á năm 2020 do tạp chí Times Higher Education vừa công bố, ĐH Thanh Hoa (Bắc Kinh, Trung Quốc) vẫn giữ ngôi đầu bảng, trở thành đại học có thứ hạng cao nhất ở Châu Á trong năm 2020.
ĐH Bắc Kinh (Trung Quốc) cũng đã có bước "nhảy vọt" đáng kể lên vị trí thứ 2, tăng 3 bậc so với năm ngoái, "vượt mặt" cả ĐH Quốc gia Singapore - vốn từng giữ vị trí đầu bảng trong suốt thời gian dài.
Tốp 10 trường đại học trong khu vực châu Á năm 2019 và 2020
Nhìn tổng thể trong số 10 trường đại học hàng đầu khu vực châu Á, Trung Quốc có 3 đại diện. Các trường đại học của Trung Quốc cũng ngày càng đi lên khi có 81 trường lọt vào bảng xếp hạng của Times Higher Education, tăng so với con số 72 trường của năm ngoái.
Mặc dù chỉ có 1 đại diện là ĐH Tokyo lọt vào top 10 trường đại học trong khu vực châu Á nhưng một lần nữa, Nhật Bản tiếp tục là quốc gia chiếm ưu thế vượt trội với 110 trường nằm trong bảng xếp hạng, cao hơn con số 103 vào năm ngoái.
Singapore cũng là quốc gia nổi bật ở Đông Nam Á khi có 2 trường lọt vào top 10 là ĐH Quốc gia Singapore (xếp thứ 3) và ĐH Công nghệ Nanyang (xếp thứ 6).
Tại Việt Nam, có 3 đại diện lọt vào bảng xếp hạng của Times Higher Education là ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh và Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.
3 đại học Việt Nam lọt tốp 500 trường ĐH châu Á
Theo bảng xếp hạng này, ĐH Quốc gia Hà Nội ở top 201-250, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội ở top 251-300, còn ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh ở top 400+. Tuy nhiên, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đạt thứ hạng cao nhất trong tiêu chí về Chỉ số trích dẫn của các công bố khoa học.
Năm nay, có gần 500 trường đến từ 30 quốc gia/vùng lãnh thổ khu vực châu Á được xếp hạng, nhiều hơn con số 400 trường vào năm ngoái.
Bảng xếp hạng trường ĐH tốt nhất châu Á năm 2020 của Times Higher Education sử dụng 13 chỉ số tương tự Bảng xếp hạng các trường ĐH tốt nhất thế giới, tập trung vào các khía cạnh về giảng dạy, nghiên cứu, hiệu quả chuyển giao tri thức và triển vọng quốc tế. Những tiêu chí này được điều chỉnh để phù hợp với đặc điểm các trường đến từ châu Á, tạo góc nhìn mang tính đặc trưng vùng để đánh giá các trường đại học. Hiện nay trên thế giới có nhiều bảng xếp hạng đại học, theo các tiêu chí và tính toán khác nhau. Bảng xếp hạng Times Higher Education chú trọng tiêu chí nghiên cứu khoa học, thường được đánh giá là nổi tiếng và uy tín hơn cả. Vào năm ngoái, lần đầu tiên Việt Nam có 3 trường đại học có tên trong bảng xếp hạng các trường đại học tốt nhất toàn cầu do Times Higher Education bình chọn, gồm ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh và Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. |
Theo Vietnamnet