Ninh Giang và Bình Giang trải qua nhiều tên gọi khác nhau thì mới được đổi tên như hiện nay. Tên gọi này xuất hiện vào năm Minh Mạng thứ 3, tức năm Nhâm Ngọ (1822).
Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 21, mặt khắc 25 ghi sự kiện vua Minh Mạng cho đổi tên Ninh Giang, Bình Giang, năm 1822
Hiện nay, Hải Dương có 12 đơn vị hành chính cấp huyện gồm 2 thành phố, 1 thị xã và 9 huyện. Trong đó Ninh Giang và Bình Giang, 2 huyện tên gọi đều có âm tiết "giang". Tên gọi này có từ bao giờ và do ai đặt ra, có liên quan đến nhau hay không?
Ngược dòng lịch sử, theo sách Đại Nam nhất thống chí, “phủ Bình Giang xưa gọi là Hồng Châu. Cuối đời trần chia làm châu Thượng Hồng và châu Hạ Hồng. Thời thuộc Minh lệ vào phủ Lạng Giang. Đời Lê Quang Thuận đặt làm phủ. Bản triều Gia Long vẫn theo như thế. Năm Minh Mạng thứ 3, đổi tên hiện nay...”. Còn phủ Ninh Giang, sách ghi rằng: “Phủ Ninh Giang xưa gọi là Hồng Châu. Cuối đời Trần là châu Hạ Hồng. Thời thuộc Minh vẫn theo như thế, thuộc phủ Tân An. Đời Lê Quang Thuận đặt làm phủ. Năm Minh Mạng thứ 3 đổi tên như hiện nay...”.
Như vậy, Ninh Giang và Bình Giang trải qua nhiều tên gọi khác nhau thì mới được đổi tên như hiện nay. Tên gọi này xuất hiện vào năm Minh Mạng thứ 3, tức năm Nhâm Ngọ (1822). Sự kiện đổi tên thành Ninh Giang và Bình Giang được 3 bộ chính sử lớn nhất triều Nguyễn ghi chép lại khá đầy đủ, thống nhất, toàn diện và sáng tỏ. Đầu tiên có thể kể đến là bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục. Đây là bộ quốc sử lớn nhất của Quốc Sử quán triều Nguyễn. Bộ sách này được biên soạn vào năm Bính Thìn (1856) đến năm Đinh Hợi (1887), thì khắc in xong. Có thể nói, đây là bộ quốc sử quan trọng thứ 2 (sau Đại Việt sử ký toàn thư) ghi chép về lịch sử nước ta từ thời Hùng Vương dựng nước cho đến những năm cuối cùng của thế kỷ XVIII. Sự kiện vua Minh Mạng cho đổi tên Ninh Giang và Bình Giang được Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 21, mặt khắc 25 ghi lại như sau: “Năm Minh Mệnh thứ 3, đổi Thượng Hồng làm phủ Bình Giang, Hạ Hồng làm phủ Ninh Giang, còn hai đạo Đông Triều và An Lão thì đặt làm hai huyện”.
Bộ thứ 2 khắc ghi việc vua Minh Mạng đổi tên Ninh Giang và Bình Giang là Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ. Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ nằm trong bộ Đại Nam thực lục. Đây là bộ quốc sử lớn nhất, quan trọng nhất của triều Nguyễn do Quốc Sử quán biên soạn. Bộ sử này được các sử thần nối tiếp nhau biên soạn và khắc in trong hơn 100 năm, từ năm Minh Mệnh thứ 2 (1821) đến đời vua Bảo Đại (1939). Sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ ghi về những sự kiện lịch sử xảy ra dưới đời vua Minh Mạng từ năm 1820 đến năm 1840. Trong sách này, quyển 13, mặt khắc 19 có ghi: “Năm Minh Mệnh thứ 3 (1822), đổi phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương làm phủ Bình Giang, phủ Hạ Hồng làm phủ Ninh Giang; lại đổi phủ Tam Đa, trấn Sơn Tây làm phủ Vĩnh Tường”.
Và bộ cuối cùng ghi chép sự kiện trên là bộ Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ. Đây là một trong những công trình đồ sộ nhất được Nội các và Quốc Sử quán Triều Nguyễn biên soạn. Bộ sách này được xếp ngang hàng với bộ Đại Nam thực lục. Mộc bản sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, quyển 36, mặt khắc 31 cũng ghi: “Minh Mạng năm thứ 3 (1822), đổi phủ Thượng Hồng làm phủ Bình Giang, phủ Hạ Hồng làm phủ Ninh Giang”.
Như vậy, qua ghi chép của các công trình nghiên cứu, biên soạn về lịch sử thuộc khối Mộc bản triều Nguyễn, có thể khẳng định là năm Nhâm Ngọ (1822), tên gọi Ninh Giang và Bình Giang đã ra đời. Việc xác định được mốc thời gian xuất hiện tên gọi Ninh Giang, Bình Giang có ý nghĩa quan trọng đối với lịch sử địa phương Hải Dương, tiếp tục khẳng định thêm bề dày truyền thống, sự tồn tại, phát triển của vùng đất Ninh Giang, Bình Giang trong tiến trình lịch sử dân tộc.
Và trong suốt 200 năm qua kể từ năm Nhâm Ngọ (1822) đến nay, tên gọi Ninh Giang và Bình Giang vẫn tiếp tục được sử dụng và hiện hữu trên bản đồ Tổ quốc. Danh xưng Ninh Giang - Bình Giang đã trở thành tiếng gọi quen thuộc, thiêng liêng và đầy tự hào của người dân xứ Đông.
THƠM QUANG