2 di tích ở Gia Lộc "kêu cứu"

25/04/2020 18:01

Chùa Dâu và lăng mộ Đỗ Quang (cùng huyện Gia Lộc) là 2 di tích đã được xếp hạng quốc gia, có giá trị văn hóa, lịch sử quan trọng nhưng hiện nay bị xuống cấp trầm trọng.


Sân nền khu lăng mộ Đỗ Quang thấp hơn mặt đường khoảng 60 cm nên thường bị ngập úng

Chùa Dâu ở thôn Thị Đức, xã Nhật Tân và lăng mộ Đỗ Quang ở khu dân cư số 2, thị trấn Gia Lộc (cùng huyện Gia Lộc) là 2 di tích đã được xếp hạng quốc gia, có giá trị văn hóa, lịch sử quan trọng nhưng hiện nay bị xuống cấp trầm trọng.

Giá trị văn hóa, lịch sử

Chùa Dâu được xếp hạng di tích quốc gia năm 1992. Chùa có tên chữ là Sùng Thiên tự, nhân dân quen gọi là chùa Hàn vì có sông Hàn chảy cạnh chùa. Một số cụ cao tuổi trong làng cho biết theo truyền thuyết ngày xưa, có lần nhiều gỗ trôi dạt qua đây. Nhân dân lấy gỗ tạc tượng thấy thớ gỗ vàng óng như tơ. Mọi người cho đó là gỗ dâu rất quý nên gọi là chùa Dâu. 

Quy mô và kiến trúc chùa ngày xưa khá lớn, diện tích 3 mẫu Bắc Bộ, có tới 100 gian nhà trong một khuôn viên khép kín. Căn cứ vào các dấu tích gạch ngói, cơ quan chuyên môn xác định được chùa xây dựng vào cuối thời Lý, đầu thời Trần. Tấm bia đá ghi công đức khắc năm 1331 là minh chứng rõ nét cho việc trùng tu tôn tạo chùa thời Trần. 

Ngôi chùa hiện nay có kiến trúc kiểu chữ Đinh, gồm tòa tiền đường 5 gian và hậu cung 3 gian. Trong khuôn viên chùa còn nhà mẫu, nhà khách và tam quan tạo thành tổng thể kiến trúc hoàn chỉnh.

Hiện chùa còn lưu giữ được nhiều pho tượng Phật cổ, tượng của công chúa Tiên Dung trong hậu cung, 2 tấm bia đá thời Lê, một số mảnh gốm, đất nung đầu rồng, hình tháp niên đại thế kỷ 13-14. Độc đáo nhất là tấm bia đá ghi công đức khắc năm 1331. Đây là tấm bia cổ và quý hiếm của cả nước và được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2019. 

Còn di tích lăng mộ Đỗ Quang được xếp hạng quốc gia năm 1989. Đỗ Quang (1807-1886) là một danh nhân thời Nguyễn. Năm 18 tuổi, ông đỗ tú tài, sau đó đỗ cử nhân, rồi tiến sĩ. Ông từng giữ nhiều chức quan, được nhân dân yêu mến, kính trọng. Suốt 2 năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, Đỗ Quang đứng về phe chủ chiến cùng Nguyễn Tri Phương chỉ huy nhiều trận đánh, tiêu diệt 2.000 quân Pháp. Năm 1862, triều đình Huế nhu nhược dâng 3 tỉnh miền Đông cho Pháp, Đỗ Quang dâng sớ xin về quê dạy học và mất năm 1886. Ông được triều đình Huế truy tặng chức Tự thiện Đại phu, Lễ bộ Thượng thư.
Khu lăng mộ danh nhân Đỗ Quang được khoanh vùng bảo vệ trong khuôn viên rộng khoảng 200 m2.

Mong mỏi

​Một số tượng Phật trong chùa Dâu bị mối mọt, nứt do ngấm nước mưa

Ông Lê Văn Vượng, Chủ tịch UBND xã Nhật Tân cho biết ngoài kinh phí của Nhà nước, địa phương cũng vận động nhân dân hiến hàng nghìn m2 đất để mở rộng chùa. Con em xa quê đóng góp kinh phí hàng trăm triệu đồng để trùng tu tôn tạo khuôn viên chùa. Tuy nhiên, kinh phí còn hạn hẹp nên cũng chỉ như muối bỏ bể. Ngoài ra, di tích thuộc cấp quốc gia nên nhân dân địa phương không thể tự tiện tu bổ, cải tạo được.

Những năm gần đây, phần mái chùa Dâu đã xuống cấp. Ông Trịnh Xuân Kỹ, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Thị Đức cho biết cứ mưa là phải dùng thau, chậu hứng nước. Trong một thời gian dài, nước mưa nhỏ xuống làm hư hỏng hết tượng Phật cổ. Nhiều bức tượng đã có hiện tượng mối mọt; xà gồ, kèo, cột cũng đang bị mối mọt. Vì lo sợ ngói có thể rơi xuống bất cứ lúc nào nên bình thường phần hậu cung chỉ có thủ nhang mới được vào chăm nom, nhân dân chỉ được bái vọng.

Còn lăng mộ Đỗ Quang cũng đã được Nhà nước và con cháu dòng họ Đỗ quan tâm, đóng góp kinh phí hàng trăm triệu đồng để trùng tu tôn tạo nhiều lần, nhưng đến nay đã xuống cấp. Ông Đỗ Mạnh Tuấn, hậu duệ 8 đời của danh nhân Đỗ Quang cho biết qua nhiều năm, mặt đường tôn cao nên sân nền của khu lăng mộ bị thấp hơn khoảng 60 cm. Hệ thống nước thải xung quanh bị bịt kín nên đường nước thoát từ khu lăng mộ ra gặp khó khăn. Cứ có mưa to thì cả khu lăng mộ ngập nước. “Xót xa nhất là mỗi khi trời mưa, mộ của cụ bị chìm trong nước. Mộ lại nằm cạnh đường giao thông, xe trọng tải lớn qua lại nhiều làm nhiều chỗ có hiện tượng nứt lở. Muốn tự tôn tạo cũng không được vì đây là di tích quốc gia, phải được sự đồng ý của Nhà nước", ông Tuấn chia sẻ thêm.

Huyện Gia Lộc đã đưa 2 di tích này vào danh sách đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khảo sát, đánh giá để tu bổ cấp thiết, chống xuống cấp năm 2020. Với chùa Dâu, xã Nhật Tân đã vận động nhân dân, con em xa quê đối ứng được 300 triệu đồng, huyện đề nghị cấp trên hỗ trợ 1 tỷ đồng. Còn lăng mộ Đỗ Quang, con cháu dòng họ đã bố trí vốn đối ứng khoảng 100 triệu đồng, huyện đề nghị cấp trên phân bổ 800 triệu đồng để trùng tu, tôn tạo.

HOÀNG HÀ

Sân nền khu lăng mộ Đỗ Quang thấp hơn mặt đường khoảng 60 cm nên thường bị ngập úng
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    2 di tích ở Gia Lộc "kêu cứu"