Việc 15 doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam 'gây sốc' cho nhiều nước lân cận. Do đó, nhiều nước khác sẽ quyết tâm để nâng cao năng lực cạnh tranh thu hút dòng vốn FDI.
Trưởng đại diện Jetro Nhật Bản tại Hà Nội cho biết để hưởng ưu đãi các doanh nghiệp sẽ phải xúc tiến ngay hoạt động đầu tư - Ảnh: N.AN
Chiều 23.7, Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) họp báo thông tin về chương trình hỗ trợ đa dạng hóa chuỗi cung ứng ở nước ngoài của doanh nghiệp Nhật Bản.
Ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Văn phòng Jetro Hà Nội cho biết ngày 17.7 vừa rồi Jetro tổ chức buổi họp báo kết quả tuyển chọn lần thứ nhất 30 doanh nghiệp đăng ký nguyện vọng được dịch chuyển mở rộng sang các nước ASEAN.
"Có 15 doanh nghiệp đăng ký đầu tư sang Việt Nam, cho thấy Việt Nam đang rất được quan tâm. Đây là chương trình nằm trong mục tiêu đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tăng cường hợp tác giữa Nhật Bản và ASEAN" - ông Takeo Nakajima cho biết và nhấn mạnh đây là sự đa dạng chuỗi cung ứng chứ không phải dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc.
Theo ông Takeo Nakajima, do tác động của dịch bệnh COVID-19 lan rộng ở nhiều nước từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước châu Âu, Mỹ, Trung Đông, châu Phi, việc sản xuất linh phụ kiện không được cung ứng theo kế hoạch, tác động nhiều lĩnh vực như ô tô, điện thoại di động, thiết bị, máy móc...
Thực tế tại Nhật Bản có giai đoạn thiếu hụt nhiều khẩu trang y tế cho việc chống dịch, thiếu nước rửa tay khử khuẩn, thiết bị bảo hộ cho y tế. Việc thiếu một linh kiện khiến việc hoàn thành sản phẩm khó khăn, không có sản phẩm tiêu thụ trên thị trường.
Việc đa dạng chuỗi cung ứng cũng xuất phát từ đặc thù sản xuất của doanh nghiệp Nhật Bản.
Trước đây để cắt giảm chi phí, doanh nghiệp sẽ tập trung sản xuất với số lượng lớn để có chi phí rẻ hơn. Nhưng do tác động dịch bệnh lần này, việc thiếu linh kiện khiến việc hoàn thiện sản phẩm gặp khó khăn do nguồn cung ứng chỉ tập trung vào một quốc gia, đặt yêu cầu các doanh nghiệp phải phân tán chuỗi cung ứng 1 - 3 nơi.
"Trước đây Nhật Bản đã hình thành chuỗi cung ứng Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) và những năm trở lại đây mở rộng sang các nước ASEAN. Do đó để mở rộng chuỗi cung ứng lên 2-3 điểm, ASEAN là đối tác quan trọng.
Việt Nam là quốc gia kiểm soát dịch bệnh sớm nên doanh nghiệp kỳ vọng sớm được sản xuất tại Việt Nam. Về dài hạn, 10 - 15 năm tới với việc mở rộng cơ sở sản xuất tại đây, Việt Nam có thể trở thành thị trường tiềm năng vừa xuất khẩu và tiêu thụ nội địa" - ông Takeo nói.
Ông Takeo cho rằng xu hướng mở rộng chuỗi cung ứng là quá trình lâu dài chứ không phải do dịch COVID-19 doanh nghiệp mới đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, khi dịch COVID-19 diễn ra chính phủ mới chính thức triển khai chương trình này để hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Thời điểm chính thức triển khai việc đa dạng chuỗi cung ứng ở mỗi doanh nghiệp khác nhau, nhưng ông Takeo cho biết chương trình đưa ra quy định thời gian kết thúc. Cụ thể, đến tháng 3.2025 doanh nghiệp sẽ phải kết thúc chương trình, riêng với lĩnh vực y tế phải kết thúc sớm hơn vào tháng 3.2023.
Do đó, hiện nay nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu chính thức khởi động để triển khai dự án, xây dựng kế hoạch chi tiết, đầu tư, sản xuất. Nếu việc đầu tư của doanh nghiệp thực hiện không đáp ứng được thời hạn trên, sẽ không được hưởng ưu đãi.
Về thông tin cụ thể từng dự án, ông Takeo cho hay danh sách 30 doanh nghiệp được công bố triển khai chương trình hỗ trợ đang ở giai đoạn xây dựng kế hoạch. Sau khi đồng thuận với kế hoạch này, Jetro sẽ có các trao đổi cụ thể và thỏa thuận với doanh nghiệp.
Trên cơ sở đó doanh nghiệp đầu tư thiết bị, tiến hành sản xuất, sau đó thẩm định kế hoạch thực tế triển khai, đạt yêu cầu sẽ cung cấp khoản tiền hỗ trợ với mức hỗ trợ tối thiểu cho mỗi dự án 1 triệu yen và tối đa là 5 tỷ yen.
Tuy nhiên, ông Takeo cũng lưu ý việc 15 doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam đã "gây sốc" cho nhiều quốc gia lân cận. Do đó, nhiều nước khác cũng sẽ quyết tâm để nâng cao năng lực cạnh tranh thu hút dòng vốn FDI trong thời gian tới.
Theo Tuổi trẻ