Nhà đất

11 công trình tại Việt Nam đạt giải kiến trúc thế giới

T.H (theo VnExpress) 12/02/2024 19:55

Các công trình thuộc nhiều lĩnh vực, do đội ngũ kiến trúc sư Việt Nam thiết kế được vinh danh tại giải thưởng kiến trúc AMP 2023.

Architecture MasterPrize (AMP) là giải thưởng kiến trúc quốc tế, nằm trong hệ thống các giải thưởng lớn về thiết kế, kiến trúc và nhiếp ảnh trên phạm vi toàn thế giới. Đây là lần thứ 8 giải thưởng được tổ chức, thu hút đông đảo bài dự thi từ 81 quốc gia trên toàn thế giới.

Nhà Bát Tràng - VTN Architects, hạng mục "kiến trúc xanh". Dự án nằm ở trung tâm Bát Tràng, một làng gốm truyền thống tại Hà Nội. Toàn bộ mặt tiền làm bằng gạch gốm thủ công tại địa phương, kết hợp với các mảng cây xanh làm vùng đệm lọc, giúp khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí và tiếng ồn đô thị. Nhờ kết hợp sử dụng vật liệu tái tạo, tái sử dụng nước mưa và năng lượng mặt trời, công trình cũng giúp giảm thiểu tác động tiêu cực của quá trình đô thị hóa.

Công trình The Hien - Winhouse Architecture & Construction, hạng mục "kiến trúc nhà ở". Mái hiên nhà, cây xanh và vườn rau được bố trí xen kẽ trong nhà, giúp thích nghi tốt với khí hậu nhiệt đới miền Trung. Công trình sử dụng chủ yếu là gỗ tái chế, hạn chế sơn PU hóa học, nên có chi phí thấp, tốt cho sức khỏe, thân thiện với môi trường.

Công trình Labri - Nguyễn Khải Architects & Associates, hạng mục "kiến trúc nhà ở". Ngôi nhà nằm ở cuối một con hẻm nhỏ tại TP Huế, kết cấu gồm 4 khối, được bao phủ bởi ba lớp: kính, dây leo và bê tông, đặt ngẫu nhiên và xoay ở các góc khác nhau. Công trình không sử dụng vách ngăn bên trong và ngoài, tạo cảm giác gần gũi với thiên nhiên.

Trung tâm giáo dục đào tạo Viettel - VTN Architects, hạng mục "công trình giáo dục". Công trình nằm trong khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội", thiết kế như một khu rừng giữa đô thị, với 12 khối nhà xen kẽ giữa những khu vườn xanh, liên kết bằng hệ thống mái lớn. Những hành lang mở và cây xanh giúp cung cấp nhiều lớp bóng mát, giảm lượng bức xạ mặt trời và tiếng ồn ảnh hưởng đến công trình. Hệ thống nước ở trung tâm có khả năng làm mát cho tòa nhà.

Công trình 215D7 - 23o5 Studio, hạng mục "công trình cải tạo". Ngôi nhà được cải tạo từ biệt thự cũ, sắp xếp lại công năng theo yêu cầu của gia chủ, mở rộng các không gian chung. Cấu trúc mới trở nên gắn kết và liền mạch hơn, với tầng một là khu vực sinh hoạt, hồ bơi và sân vườn. Tầng hai tập trung vào các phòng ngủ, tầng ba bố trí không gian rộng rãi cho các hoạt động giải trí, thư giãn.

Công trình 140THL - 23o5 Studio, hạng mục "kiến trúc nhà ở". Ngôi nhà nằm ở một con phố sầm uất tại TP Hồ Chí Minh, xung quanh là những dãy nhà nối tiếp nhau. Để tạo cảm giác riêng tư và yên tĩnh, nhóm thiết kế đã bố trí một khu vườn phía trước, kết hợp với các cửa sổ lớn, tạo ra một "bức màn tự nhiên, tràn ngập ánh sáng và cây xanh.

Công trình Grand World Phú Quốc - VTN Architects, hạng mục "kiến trúc khách sạn". Đây là công trình kiến ​​trúc tiết kiệm năng lượng và chỉ sử dụng vật liệu bền vững với 42.000 thân cây tre. Phía trên được thiết kế giếng trời để đón ánh sáng tự nhiên vào không gian bên trong. Vì vậy, dù cấu trúc phức tạp với các lớp đan xen dày đặc, nhưng không gian vẫn thông thoáng.

Trường Na Khoang - 1+1>2, hạng mục "công trình giáo dục". Công trình lấy cảm hứng từ điệu múa truyền thống của Thái Lan, thể hiện tinh thần đoàn kết và chia sẻ. Ngôi trường được xây dựng bằng vật liệu tự nhiên: gạch không nung tận dụng đất tại chỗ, chất thải xây dựng và đá được người dân địa phương thu thập từ các con suối gần đó. Các bức tường được xây dựng từ nhiều vật liệu khác nhau, có màu sắc và hoa văn lấy cảm hứng từ nghề dệt thổ cẩm truyền thống.

Viettel Offsite Studio - VTN Architects, hạng mục "công trình giáo dục". Tòa nhà cao hơn 30 m, làm bằng những bức tường bê tông xếp thành góc chữ V, mở tầm nhìn ra hồ trung tâm. Công trình được thiết kế mở và chú trọng tính kết nối, giúp không gian làm việc và hội họp trở nên giao hòa, gần gũi thiên nhiên.

Công trình The Core - AD+studio, hạng mục "kiến trúc di sản". Kết cấu công trình gồm các khối nhà hai tầng được bố trí xung quanh một sân chung. Ngoài ra, mỗi khối nhà trên - dưới đều có chung một giếng trời. Đây là giải pháp lấy sáng và thông gió tự nhiên cho mặt bằng tầng dài và hẹp của một khu nhà tập thể cũ.

Bảo tàng lịch sử đô thị Sài Gòn Chợ Lớn - Đại học HUTECH và Đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh, hạng mục "kiến trúc văn hóa".

T.H (theo VnExpress)
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    11 công trình tại Việt Nam đạt giải kiến trúc thế giới