Kinh tế

10 năm, thu nhập người Việt tăng 2,3 lần

TN (theo Tuổi trẻ) 28/04/2024 10:38

Thu nhập bình quân đầu người cả nước giai đoạn 2012 - 2022 tăng hơn 2,3 lần, từ 1,99 triệu đồng/người/tháng lên 4,67 triệu đồng/người/tháng.

Mục tiêu cuối cùng của tăng trưởng kinh tế là tạo ra thu nhập tốt hơn qua đó cải thiện, nâng cao mức sống của người dân. Trong ảnh: các bạn trẻ mua sắm tại một siêu thị ở quận 1, TP.HCM ngày 27-4 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Mục tiêu cuối cùng của tăng trưởng kinh tế là tạo ra thu nhập tốt hơn qua đó cải thiện, nâng cao mức sống của người dân. Trong ảnh: các bạn trẻ mua sắm tại một siêu thị ở quận 1, TP Hồ Chí Minh ngày 27/4 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đây là những con số được Tổng cục Thống kê công bố trong báo cáo kết quả khảo sát mức sống dân cư Việt Nam năm 2022 được công bố đầu tháng 4/2024. Bà Phạm Thị Quỳnh Lợi, Vụ trưởng Vụ Thống kê xã hội và môi trường, Tổng cục Thống kê, chia sẻ thêm nội dung khảo sát được tiến hành hai năm/lần và thực hiện vào các năm chẵn.

Thu nhập người dân khoảng 56 triệu đồng/năm

Cụ thể, năm 2022 thu nhập bình quân của người dân cả nước đạt 4,67 triệu đồng/tháng, tăng 11,1% so với năm 2021. Như vậy thu nhập bình quân đầu người của người dân cả nước đạt khoảng 56 triệu đồng/năm. Trong đó, người dân thành thị có thu nhập khoảng 5,95 triệu/tháng, người dân khu vực nông thôn có thu nhập khoảng 3,86 triệu đồng/tháng.

Khoản thu nhập bình quân hằng tháng của người dân được Tổng cục Thống kê tính toán gồm tất cả các khoản tiền nhận được từ tiền công, tiền lương, các khoản thu từ tự sản xuất trong các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, thương mại, dịch vụ và khoản thu khác.

Trong số 63 tỉnh, thành phố trên cả nước hiện nay, tỉnh Bình Dương là địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất nước, đạt khoảng 8,07 triệu đồng/tháng. Hai trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước là Hà Nội có thu nhập bình quân đầu người đạt 6,42 triệu đồng/tháng, TP Hồ Chí Minh 6,39 triệu đồng/tháng.

Cũng theo khảo sát của Tổng cục Thống kê, với mức thu nhập bình quân đầu người như trên, người dân đang chi tiêu bình quân khoảng 2,8 triệu đồng/người/tháng. Và với số nhân khẩu bình quân của hộ gia đình năm 2022 khoảng 3,6 người/hộ, trung bình mỗi hộ gia đình chi tiêu khoảng 10 triệu đồng/tháng.

Có khoảng cách giữa các nhóm

Từ khảo sát mức sống của người dân trong nhiều năm qua, Tổng cục Thống kê cho rằng bất bình đẳng trong xã hội vẫn tồn tại giữa khu vực thành thị với khu vực nông thôn, giữa nhóm người có thu nhập thấp, nhóm nghèo với nhóm thu nhập cao, nhóm giàu (xem đồ họa).

10 năm, thu nhập người Việt tăng 2,3 lần- Ảnh 2.

Con số thu - chi phản ánh đúng mức sống

Bình luận về kết quả khảo sát mức sống dân cư vừa được công bố, chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế - xã hội) cho rằng mức thu nhập bình quân đầu người của cả nước đạt 4,67 triệu đồng/tháng là hợp lý. Ông Minh giải thích thêm: đây không phải là GDP bình quân đầu người nên sẽ phải loại trừ hết phần lợi nhuận chuyển ra nước ngoài, thuế phí, khấu hao tài sản.

Chi tiết hơn, với mức thu nhập 4,67 triệu đồng/tháng, một gia đình nếu có bốn người thì mức thu nhập của một hộ gia đình sẽ khoảng 18,6 triệu đồng. Mức thu nhập này chỉ do hai vợ chồng làm ra, còn hai con còn nhỏ đang đi học chưa thể tạo ra thu nhập, ông Minh cho biết.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho hay thu nhập bình quân đầu người trong báo cáo khảo sát mức sống dân cư bao gồm cả những người phụ thuộc trong hộ gia đình, không đi làm, không có việc làm hoặc chưa đến tuổi đi làm. Nếu chúng ta tách riêng thu nhập bình quân của người làm công ăn lương thì sẽ cao hơn.

"Khảo sát mức sống dân cư đưa ra mức thu nhập bình quân hằng tháng của tất cả người dân trên cả nước, bao gồm người dân ở đô thị, nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Cuộc khảo sát được thực hiện theo chuẩn quốc tế, điều tra thu nhập của người dân từ tất cả các nguồn thu như: tiền công, tiền lương lao động, các nguồn thu hợp pháp khác như cho thuê nhà trọ, bán hàng tạp hóa và các nguồn thu phát sinh khác. Bên cạnh đó, các khoản thu từ phân chia tài sản, thu từ cổ tức, cổ phiếu cũng được tính vào thu nhập của người dân", bà Hương nói.

Về mức chi tiêu 2,8 triệu đồng/người/tháng, bà Hương cho hay báo cáo khảo sát mức sống dân cư hằng năm ghi nhận các khoản chi về ăn, mặc, ở, giáo dục, y tế và những thiết bị gia đình lâu bền liên quan đến đời sống sinh hoạt như mua tủ lạnh, ti vi, ô tô. Trong khi tại khu vực nông thôn, nhiều người về hưu không có nhu cầu chi tiêu nhiều, họ tự trồng được rau, tự nuôi gà, sản xuất theo hướng tự cung tự cấp nên khảo sát không thể tính vào chi tiêu hằng tháng.

PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cũng khẳng định mức chi tiêu bình quân này là bình thường, nó phản ánh đúng mức chi phí sinh hoạt chung của người dân trên cả nước hiện nay. Bởi ngoài chi tiêu sinh hoạt, mọi người dân đều có xu hướng tiết kiệm để tích lũy, đầu tư vào các lĩnh vực khác.

Trong khi đó, ông Đinh Tuấn Minh cũng cho rằng mức chi tiêu bình quân 2,8 triệu đồng/người/tháng khá sát thực thế, bởi phần lớn dân cư ở nông thôn hằng tháng không phải chi tiền thuê nhà, họ chỉ phải chi tiêu các khoản cơ bản liên quan đến ăn uống, sinh hoạt, điện, nước. Và với mức thu nhập bình quân đầu người khoảng 4,67 triệu đồng/tháng, chi tiêu 2,8 triệu đồng là hợp lý, tỉ lệ tiết kiệm từ 30 - 40% phản ánh tương đối sát xu hướng tiết kiệm của người Việt.

Ngoài ra, TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cũng cho hay năm 2022 nền kinh tế còn đối mặt với nhiều khó khăn hậu dịch bệnh, thu nhập của người dân suy giảm trong những năm dịch bệnh nên họ có xu hướng cắt giảm chi tiêu, chỉ chi cho những nhu cầu thiết yếu như ăn uống, ở, học hành, chữa bệnh và cắt giảm các chi tiêu về văn hóa, giải trí, đi du lịch...

Một gia đình công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Mỹ Phước 2, tỉnh Bình Dương gửi con ở nhà trẻ trước khi đến công ty- Ảnh: TỰ TRUNG
Một gia đình công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Mỹ Phước 2, tỉnh Bình Dương gửi con ở nhà trẻ trước khi đến công ty (Ảnh: TỰ TRUNG)

Làm gì để cải thiện thu nhập người dân?

Để cải thiện thu nhập của người dân trong những năm tới, bà Nguyễn Thị Hương cho rằng cần thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển vì mọi nguồn thu đều từ sản xuất. Nhà nước cần quan tâm, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, đồng thời cần có chính sách hỗ trợ để tạo ra những sản phẩm thương hiệu thuần Việt, chinh phục được thị trường thế giới, tạo ra giá trị gia tăng cao hơn cho người Việt.

"Mục tiêu cuối cùng của tăng trưởng kinh tế là tạo ra thu nhập tốt hơn cho người dân, qua đó cải thiện, nâng cao mức sống của người dân. Đây là tiêu chí rất quan trọng vì tăng trưởng mà người dân không được hưởng lợi, đời sống của nhân dân không được nâng lên thì cũng không có nhiều ý nghĩa", bà Hương nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam, cho rằng muốn nâng cao được thu nhập người dân thì cách duy nhất là cải thiện năng suất lao động trong nền kinh tế, năng suất lao động tăng lên thì tiền lương, thu nhập của người lao động sẽ tăng theo.

Trong nền kinh tế hiện nay, năng suất lao động của khối doanh nghiệp FDI khá cao, vì đây là khối cạnh tranh với thế giới. Khối doanh nghiệp FDI chủ yếu xuất khẩu hàng hóa sản xuất được ra thế giới, có nghĩa so với thế giới khu vực này đủ sức cạnh tranh và năng suất lao động không thua thế giới quá nhiều. Vì thế, có thể khẳng định khối doanh nghiệp FDI năng suất lao động tương đối tốt.

Còn khối doanh nghiệp trong nước thì năng suất lao động vẫn là một bài toán nan giải, năng suất lao động của khu vực doanh nghiệp trong nước phụ thuộc vào hai vấn đề. Thứ nhất là vai trò của Chính phủ trong đầu tư, phát triển hạ tầng hiện đại, bởi nôm na tắc đường nhiều thì không thể có năng suất lao động cao. Vì vậy từ góc độ Chính phủ cần tích cực đầu tư để tạo ra hạ tầng hiện đại, đồng bộ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động.

Thứ hai từ phía doanh nghiệp, đó là vấn đề thâm dụng vốn, đầu tư nhiều máy móc/công nhân thì năng suất lao động sẽ tăng nhờ quá trình thay thế công việc tay chân bằng máy móc, độ chính xác cao hơn, tỉ lệ lỗi, hỏng sản phẩm giảm đi. Muốn làm điều này doanh nghiệp phải đầu tư vào dây chuyền công nghệ, tăng tỉ lệ vốn/lao động. Bên cạnh đó, thúc đẩy chuyển đổi số, điều này giúp doanh nghiệp quản trị hiệu quả hơn, từ đó nâng cao năng suất lao động.

Ngoài ra, Chính phủ cần cải thiện môi trường kinh doanh để giảm chi phí kinh doanh của doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp Việt không muốn tăng quy mô, làm lớn vì thủ tục kinh doanh vẫn quá phiền phức. Khi môi trường kinh doanh thuận lợi, doanh nghiệp giảm được chi phí kinh doanh, hiệu quả hoạt động tốt hơn thì năng suất lao động tăng lên.

Có khoảng cách khá lớn giữa các nhóm

Từ khảo sát mức sống của người dân trong nhiều năm qua, Tổng cục Thống kê cho rằng bất bình đẳng trong xã hội vẫn tồn tại giữa khu vực thành thị với khu vực nông thôn, giữa nhóm người có thu nhập thấp, nhóm nghèo với nhóm thu nhập cao, nhóm giàu (xem đồ họa).

Tính chung cho tất cả mọi người dân

* Thu nhập: 4,67 triệu đồng/người/tháng

* Chi tiêu: 2,8 triệu đồng/người/tháng

Vì sao có sự chênh lệch với GDP bình quân

Về sự chênh lệch giữa GDP bình quân đầu người với thu nhập bình quân đầu người trong năm 2022, ông Minh nhận định với một quốc gia tăng trưởng dựa nhiều vào đầu tư nước ngoài (FDI), xuất khẩu thì phần tăng trưởng nhà đầu tư FDI hưởng được cũng sẽ tương xứng với mức vốn đầu tư họ bỏ ra.

Cùng quan điểm này, một chuyên gia kinh tế cũng cho rằng dù GDP của nền kinh tế tăng nhanh trong những năm qua, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 95,6 triệu đồng/năm (khoảng 4.110 USD/năm) nhưng nhập bình quân đầu người khoảng 56 triệu đồng/năm, phần chênh lệch 39,6 triệu cơ bản sẽ thuộc về các nhà đầu tư FDI, bởi trong cơ cấu GDP Việt Nam hiện nay có phần đóng góp không nhỏ của các nhà đầu tư FDI.

Công nhân mong lắm hai chữ "đủ đầy"

Những gia đình người lao động trẻ vui chơi ở cánh đồng diều nằm trong công viên dự án The Global City trên đường Đỗ Xuân Hợp, TP Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN
Những gia đình người lao động trẻ vui chơi ở cánh đồng diều nằm trong công viên dự án The Global City trên đường Đỗ Xuân Hợp, TP Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

Nói tới chuyện thu - chi thì có lẽ với những người công nhân ở đô thị luôn là vấn đề "nhức đầu" nhất. Họ có mức lương vừa vừa nhưng chi tiêu nhiều khoản có giá cả của đô thị, đặc biệt có thêm khoản thuê nhà. Khoản "đầu tư" duy nhất của họ chính là những đứa con.

34 tuổi, chị Nguyễn Thị Ngọc Lan (Hóc Môn, TP.HCM) đã làm công nhân may năm thứ 15 với mức thu nhập 9 triệu đồng/tháng. "Lương đã tăng gấp đôi, gấp ba thu nhập của hơn chục năm trước nhưng bao nhiêu thứ kéo theo. Nhà trọ tăng, điện nước tăng, xăng xe tăng, đồ ăn thức uống tăng, quần áo tăng... Thấy cuộc sống còn khó khăn hơn lúc trước vì hai đứa con lần lượt ra đời", chị Lan bộc bạch.

Chị nhẩm sơ bài tính thu nhập, chi tiêu của gia đình: "Thu nhập của hai vợ chồng từ 11 - 15 triệu/tháng nếu công ty có tăng ca (chồng chị làm kho nên lương thấp hơn nhiều - PV). Tiền nhà, điện nước khoảng 2,5 triệu đồng vì đã thuê chung với chị gái đang nuôi con nhỏ để tiết kiệm. Hai đứa nhỏ gửi trẻ, đi học khoảng 4 triệu đồng.

Số tiền còn lại thì lo xăng xe, ăn sáng, ăn tối. Ăn hai bữa sáng hay tối thì cả nhà bốn người chỉ có thể gói ghém trên dưới 200.000 đồng. Còn khi nào có khoản nào phát sinh, đau ốm hay con cần đóng tiền dã ngoại... thì phải cắt bớt tiền ăn, cả nhà phải chấp nhận ăn uống tằn tiện lại".

Năm vừa rồi khi chồng chị bị gãy chân phải nghỉ làm gần hai tháng, để có tiền chăm lo cho chồng, cho con chị Lan đã phải vay 22 triệu đồng từ CEP (tổ chức tài chính vi mô cho người lao động vay vốn nhỏ với lãi suất thấp) và trả dần mỗi tháng khoảng 1,9 triệu đồng.

Với anh Nguyễn Văn Sơn (35 tuổi, ngụ quận Tân Phú) là thợ xây dựng thì thu nhập đã có một bước tạm gọi là "nhảy vọt" khi tăng từ mức 6 - 7 triệu của năm 2017 lên mức 18 - 19 triệu đồng/tháng hiện tại (trước đây anh làm công ty, sau làm tự do theo đội nhóm). Vợ anh tốt nghiệp đại học nhưng hiện phải ở nhà để nuôi hai đứa con nhỏ lần lượt ra đời. Mức lương hiện tại tuy tăng gấp ba nhưng lại là nguồn thu nhập duy nhất của gia đình.

"Nghề xây dựng bấp bênh, tôi thi công nhà ở riêng lẻ nên nói là lương 18 - 19 triệu đồng/tháng nhưng năm nào cũng có 2 - 3 tháng không có công trình". Các khoản chi tiêu của gia đình anh Sơn gồm: thuê nhà, điện, nước, Internet khoảng 5 triệu đồng/tháng.

Tiền học ở trường, học thêm tiếng Anh cho hai đứa con gái năm nay lớp 3, lớp 5 khoảng 4 triệu đồng (đã bớt đi khoản ăn bán trú do vợ anh ở nhà đưa đón, nấu nướng). Còn lại ăn uống của bốn người, quần áo, xăng xe đi làm, đưa đón con, đám tiệc... gói ghém trong 7 - 8 triệu đồng.

"Lương tăng nhưng con mỗi ngày mỗi lớn, chi phí ngày một nhiều. Đời vợ chồng tôi phải ở trọ chứ giờ chi tiêu phải gói ghém mới đủ thì trông mong gì nhà cửa. Chỉ mong có sức khỏe để lo cho con học hành tới nơi tới chốn", anh Sơn nói.

10 tỉnh thành có thu nhập cao nhất nước: Hà Nội: 6,42 triệu đồng, Vĩnh Phúc: 5,19 triệu đồng, Bắc Ninh: 5,46 triệu đồng, Hải Phòng: 5,89 triệu đồng, Nam Định: 5,1 triệu đồng, Đà Nẵng: 5,8 triệu đồng, Bình Dương: 8,07 triệu đồng, Đồng Nai: 6,34 triệu đồng, TP Hồ Chí Minh: 6,39 triệu đồng, Cần Thơ: 5,32 triệu đồng.

10 tỉnh thấp nhất nước: Hà Giang: 2,06 triệu đồng, Cao Bằng: 2,35 triệu đồng, Bắc Kạn: 2,34 triệu đồng, Điện Biên: 2,08 triệu đồng, Lai Châu: 2,21 triệu đồng, Sơn La: 2,14 triệu đồng, Gia Lai: 2,56 triệu đồng, Lào Cai: 2,88 triệu đồng, Yên Bái: 2,84 triệu đồng, Lạng Sơn: 2,7 triệu đồng.

TN (theo Tuổi trẻ)
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    10 năm, thu nhập người Việt tăng 2,3 lần