Ngỡ ngàng, choáng ngợp – đó là những gì chúng tôi cảm nhận khi thật sự đặt chân tới Ladakh, Ấn Độ, vùng đất hoang sơ dưới chân dãy Hymalaya.
Ladakh là lãnh thổ liên hiệp thuộc bang Jammu và Kashmir, phía tây bắc Ấn Độ. Là nơi xa xôi, hẻo lánh nhưng những năm gần đây, vùng đất này đang dần trở nên quen thuộc với giới du lịch bụi Việt Nam. Tuy vậy, dù có nghe bao lời kể, xem bao bức ảnh của người đi trước, chúng tôi vẫn hết sức bất ngờ với những điều kỳ diệu mà Ladakh đã mang lại.
Chạm tay vào bầu trời: Là một góc của cao nguyên Thanh Tạng – mái nhà thế giới, những thung lũng thấp nhất của Ladakh đã có độ cao tới 3.500m so với mực nước biển, không hiếm những con đèo hơn 4.000-5.000m. Không khí loãng và trong trẻo khiến bầu trời như gần hơn và xanh ngắt đến không thực, cảnh vật tươi sáng rực rỡ. Tuy vậy, áp suất không khí giảm khiến khách từ đồng bằng lên như chúng tôi ít nhiều đều có triệu chứng say độ cao, hơi thở đứt quãng.
Bước dưới chân những rặng tuyết sơn: Nằm giữa 2 dãy núi Hymalaya và Karakoram, Ladakh được bao bọc giữa trập trùng núi tuyết. Từ thị trấn trung tâm của Leh, những đỉnh núi cao 6.000m trong dãy Ladakh luôn sừng sững trong tầm mắt. Bình minh hay hoàng hôn, mặt trời vươn lên sau đỉnh núi trắng xoá tuyết phủ, nắng thu dát vàng lên rặng núi kỳ vĩ đủ màu cam, nâu, tím, xanh dương...
Vào lòng thung lũng dặm xanh: Núi không có rừng, nhưng các thung lũng lại mướt một màu xanh nhờ được nuôi dưỡng từ những dòng sông Ấn, Shyok, Zanskar và băng tan. Làng mạc thấp thoáng nóc nhà nằm giữa vườn mơ, vườn táo chín đỏ, bên hông là hàng dương cao chót vót cạnh hàng rào đá, bò, ngựa thơ thẩn gặm cỏ.
Sắc thu vàng ma mị: Tháng 10 cũng là thời điểm mùa thu đến với Ladakh. Những loài cây họ dương, liễu đồng loạt chuyển sang sắc vàng tươi rực rỡ. Các thung lũng tràn ngập lá vàng, hàng cây và con đường trải dài tít tắp, hồ nước tràn bông lau vàng cam, lúa mỳ đã gặt hết chỉ còn lại rơm khô vàng úa… tạo nên một bức tranh thu đẹp mơ màng.
Những con đường “chạy thẳng vào tim”: Băng qua những hoang mạc rộng thênh thang, xuyên qua những hẻm núi hẹp, vắt vẻo lên “đỉnh trời” như sợi chỉ mỏng manh, những con đường ở Ladakh dường như thách thức mọi tay lái. Không chỉ thích hợp roadtrip bằng ô tô, nơi đây cũng là “thiên đường” cho những người thích chạy motor phân khối lớn
Những con đèo cao nhất thế giới: Cái tên Ladakh trong tiếng Tạng mang ý nghĩa “vùng đất của những con đèo cao”. Chờ đón chúng tôi trên hành trình là những con đèo hun hút đầy tuyết phủ trên 5.300m, nằm trong số những con đường cho xe cơ giới cao nhất thế giới như Khardung La, Chang La…
Hồ nước xanh như mực: Những hồ nước đẹp hơn cả tranh vẽ là một trong những điều quyến rũ và khó quên nhất đối với chúng tôi. Nằm ở độ cao hơn 4.000 m giữa những ngọn núi, hồ Pangong Tso, Tso Moriri, Tso Kar có màu nước xanh như biển cả, đổi màu theo giờ, không chỉ tĩnh lặng yên bình mà còn huyền bí và linh thiêng.
Văn hoá bản địa đầy màu sắc: Ladakh nằm ở ngã tư của các tuyến đường thương mại Đông và Tây dọc theo Con đường Tơ lụa. Có văn hóa và lịch sử gắn bó chặt chẽ với Tây Tạng nên thường được ví von là “tiểu Tây Tạng”. Tại đây, chúng tôi được chiêm ngưỡng những tu viện Phật giáo cheo leo, đắm chìm trong khu chợ bazaar với những tấm thảm, khăn lụa mượt mà rực rỡ…
Julley!: Đây là từ phổ biến mà du khách có thể nghe thấy ở bất cứ đâu. Người Ladakh vô cùng hiếu khách, họ luôn nói Julley thay cho lời chào khi gặp khách lạ. Chào mừng, cảm ơn, bày tỏ sự vui mừng… tất cả đều bắt đầu và kết thúc bằng từ kỳ diệu này.
Keep clean and green: Mở cửa và chào đón du khách khắp thế giới, Ladakh vẫn là một vùng đất bí ẩn và hoang dã. Khắp đường phố và các điểm du lịch đều có những khẩu hiệu nhắc nhở du khách hãy giữ môi trường xanh sạch, hạn chế rác thải, người dân đều sử dụng túi vải thay cho nilon trong sinh hoạt...
Trên tất cả, Ladakh không hề giống một đất nước Ấn Độ mà bạn có thể hình dung. Và khi trở về nhà, vùng đất của ánh dương rực rỡ, núi non trập trùng và con người thân thiện đó vẫn luôn là những bất ngờ, chờ đợi được chúng tôi tiếp tục khám phá bằng những chuyến đi sau.
Theo VOV