Ông Cảnh "đen"

23/10/2017 08:30

<b>"Mình sinh ra đã gắn với bùn đất, cây cối nên luôn trăn trở làm sao để cùng trên một thửa ruộng mang lại hiệu quả cao nhất, giúp cho những người thân và bà con nông dân đỡ khổ, cuộc sống thêm no đủ", tiến sĩ Đoàn Xuân Cảnh, Trưởng bộ môn cây thực phẩm Viện Cây lương thực và cây thực phẩm bộc bạch.</b><br>


Nhiều năm nay giống bí xanh thiên thanh 5 của tiến sĩ Đoàn Xuân Cảnh trở thành cây trồng chủ lực trong vụ đông sớm của nhiều tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc


Bàn tay "phù thủy"

Như đã hẹn, vào một buổi sáng giữa tháng 10, chúng tôi tìm gặp tiến sĩ (TS) Đoàn Xuân Cảnh. Đến phòng làm việc tìm ông không thấy, đang chưa biết phải làm sao thì một cán bộ của viện mách tôi: "Anh cứ xuống khu nhà kính dưới kia chắc chắn sẽ gặp. Đầu giờ sáng nào TS Cảnh cũng làm việc ở đó". Theo lời chỉ dẫn, chúng tôi nhanh chóng tìm được ông đang kiểm tra, chăm sóc các giống rau, quả trồng trong nhà kính. Tuy đã cuối thu nhưng bước vào phòng kính, chúng tôi vẫn thấy không khí bí bách, nóng bức. Vào một lúc, mồ hôi bắt đầu túa ra. Trong khi đó, ông Cảnh vẫn say sưa lấy tay bới nhẹ đất của từng bầu cây để kiểm tra độ ẩm, độ tơi xốp, lật từng lá xem xét kỹ lưỡng và lần vòi nước tự chảy xem còn hoạt động có tốt không... Đây là công việc hằng ngày của ông. Buổi sáng đến cơ quan, ông thường xuống ngay khu vườn và làm đến 9 - 10 giờ, buổi chiều từ 15 - 18 giờ mới lên phòng hoặc về nhà.

Những ngày không làm việc tại viện, ông Cảnh lại lăn lộn trên đồng ruộng với bà con nông dân để nắm bắt tình hình, hướng dẫn họ chăm sóc, thu hoạch rau màu. Những năm tháng bươn chải trên đồng ruộng, gắn bó với nông dân bất kể nắng mưa đã nhuộm nước da trắng trẻo của ông ngày nào thành đen giòn như một người nông dân thực thụ. Đi đến đâu, ông cũng được người dân gọi thân mật là ông Cảnh "đen".

Từ ngày dấn thân vào nghiệp nghiên cứu, TS Cảnh đã làm chủ nhiều đề tài, đề án khoa học có giá trị. Dưới bàn tay tài tình của ông, hàng chục giống rau quả mới đã ra đời có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao như dưa chuột lai PC4, dưa bở vàng thơm số 1, bí xanh thiên thanh 5, bí xanh số 1, cà chua VT10, VT5, đậu đũa VC2... Ông như vị "phù thủy" đã tạo ra những điều kỳ diệu trên đồng ruộng.

Năm 2010, khi giống dưa bở vàng thơm số 1 được công nhận, loại dưa này đã được xây dựng mô hình sản xuất theo hướng hàng hóa trong các vụ xuân hè, hè tại các huyện Tứ Kỳ, Kim Thành với diện tích 35 ha. Chăm sóc đúng kỹ thuật, dưa có thời gian sinh trưởng 70 - 75 ngày, cho quả to, tròn. Quả chín có màu vàng sẫm rất bắt mắt, cùi dày, thịt quả trắng ngà, bột mịn, rất thơm và ngọt mát. Với năng suất bình quân 28 - 28,6 tấn/ha, gấp 1,4 - 1,5 lần giống dưa khác, bà con nông dân thu lãi 56 - 127 triệu đồng/ha/vụ.
Trong năm 2015, TS Cảnh có 2giống cà chua VT10, VT5 được công nhận và đưa vào sản xuất. Tại Hải Dương, 2 giống trên được trồng tại các xã Nguyên Giáp (Tứ Kỳ), Cao An, Lương Điền (Cẩm Giàng), Quốc Tuấn, Nam Tân (Nam Sách) với quy mô 20ha. Các giống này đều to khỏe, sinh trưởng, phát triển tốt, chống chịu được các bệnh virus xoăn vàng lá, héo xanh vi khuẩn nên bà con ít phải dùng thuốc bảo vệ thực vật. Điều khiến bà con vui mừng nhất là cây cho quả to, thịt dày, năng suất đạt 44 - 50 tấn/ha ở vụ đông sớm và 53 - 64 tấn/ha ở vụ đông chính, thu lãi 386 - 566 triệu đồng/ha/vụ. Nhiều hộ nông dân có diện tích trồng lớn đã có cuộc sống khấm khá nhờ những giống cà chua này.    

Một trong những giống mới khiến TS Cảnh luôn cảm thấy hài lòng là bí xanh thiên thanh 5. Từ khi được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận năm 2012, giống bí này nhanh chóng trở thành cây trồng chủ lực ở vụ đông sớm và vụ đông của nhiều địa phương. Bí xanh thiên thanh 5 cho năng suất 35 - 55 tấn/ha/vụ, thu lãi 90 - 150 triệu đồng/ha/vụ. Giống bí này có nhiều ưu điểm như trồng bò trên luống hoặc bắc giàn, quả dài, vỏ cứng, đặc ruột, chống chịu tốt với các loại bệnh sương mai, phấn trắng, héo xanh vi khuẩn nên ngày càng chiếm được cảm tình của bà con nông dân. Từ năm 2010 - 2016, diện tích trồng bí xanh thiên thanh số 5 đã phát triển mạnh ở các tỉnh miền Bắc, tăng từ 8.637 ha lên 12.085 ha. Những địa phương hiện có diện tích trồng lớn là Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Thái Nguyên, Hà Nam, Hải Dương...

Ông Nguyễn Phú Thụy, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh đánh giá: "Các giống cây trồng mới của TS Đoàn Xuân Cảnh đều phù hợp với đồng đất, tập quán canh tác của bà con nông dân trong tỉnh. Một số giống mang tính đột phá làm thay đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng giúp nông dân trong tỉnh có thu nhập cao, cuộc sống ổn định".

Gian truân


Tiến sĩ Đoàn Xuân Cảnh luôn đau đáu tìm cách xây dựng quy trình trồng các cây rau màu trong nhà kính theo hướng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Mỗi giống mới ra đời là kết quả của cả quá trình trăn trở, tìm tòi, lao động, sáng tạo không biết mệt mỏi của TS Cảnh. Như để tạo được giống bí xanh thiên thanh 5, ông đã mất tới 4 năm trời kỳ công nghiên cứu, thực nghiệm. Tất cả xuất phát từ băn khoăn của TS Cảnh khi thấy Hải Dương có rất nhiều giống bí xanh nhưng những loại này quả ngắn, cùi mỏng, nhiều hạt, ăn thường bị chua, năng suất, giá trị kinh tế không cao. Mã quả không đẹp, vỏ lại mềm, mỏng, khó vận chuyển đi xa. Ông quyết tâm tạo ra một giống bí mới ưu việt hơn cho bà con nông dân. Năm2006, TS Cảnh bắt đầu đi sưu tầm các giống của tỉnh như giống bí của Sặt (Bình Giang), Minh Đức (Tứ Kỳ), Chí Linh và của các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên... Mất thời gian dài lăn lộn các vùng, TS Cảnh tìm được hơn 40 giống bí xanh. Sau đó, ông tiến hành trồng và theo dõi sát sao quá trình sinh trưởng, phát triển của các giống. Khi đã cho kết quả ổn định, ông bắt đầu lai tạo các giống bí với nhau để tìm ra tổ hợp lai mới như ý. Qua nhiều lần thử, mãi đến năm 2010, TS Cảnh mới thấy xuất hiện một tổ hợp lai giữa giống bí Sặt và giống cẳng bò của Bắc Giang đạt những yêu cầu như mong muốn. "Qua theo dõi hằng ngày, đến thời kỳ thu hoạch, thấy xuất hiện tổ hợp lai cho kết quả mỹ mãn, tôi rất vui sướng vì sau 4 năm miệt mài làm việc đã có kết quả", TS Cảnh chia sẻ.

Chọn tạo được giống mới đã vô cùng gian khổ nhưng để nó ra đến đồng ruộng và được bà con nông dân chấp nhận là chặng đường gian truân không kém. Có giống tốt, nhưng nếu các nhà khoa học không biết cách quảng bá, tiếp thị thì người dân khó biết được để đưa vào sản xuất. Sau khi nghiên cứu thành công, các nhà khoa học như ông Cảnh lại phải mất rất nhiều công sức, tiền bạc để mang giống mới đến cho bà con nông dân trồng thử. Sau khi thu được kết quả tích cực thì mới nhân rộng. TS Cảnh cho biết: "Mặc dù các giống dưa chuột lai PC4, bí xanh thiên thanh 5, dưa bở vàng thơm số 1 rất tốt, nhưng phải mất 3 - 5 năm chúng mới có chỗ đứng trên đồng ruộng và thị trường. Nhiều lúc thấy sản phẩm của mình bị bà con chưa tin dùng cũng chạnh lòng".  

Cũng như nhiều người khác, con đường khoa học không phải lúc nào cũng "trải hoa hồng" đối với TS Cảnh cũng luôn đầy rẫy những chông gai. Nhưng những thất bại không làm ông giảm đi niềm đam mê với nông nghiệp mà còn thôi thúc ông vươn lên. Ông luôn nghĩ bản thân không làm được thì đồng nghiệp mình sau này sẽ thành công hoặc ít ra cũng là một bài học, kinh nghiệm để họ không vấp phải. Từ năm 2010 đến nay, TS Cảnh luôn đau đáu tìm ra quy trình trồng một số giống rau, cà chua, dưa chuột, dưa thơm phát triển được trong môi trường nhà kính, cho hiệu quả kinh tế cao. Mặc dù mất rất nhiều công sức nhưng đến nay TS Cảnh mới đạt khoảng 40% yêu cầu công việc. Nếu công trình này thành công sẽ tạo ra những đột phá trong sản xuất nông nghiệp. Ví dụ như cây cà chua, thân cây có thể cao 10 m, cho năng suất 150 tấn/ha/năm.  

Không chỉ miệt mài với việc chọn tạo giống, TS Cảnh luôn đau đáu về mối liên kết "4 nhà". Vì chỉ khi nào liên kết này thành công, bà con nông dân mới yên tâm sản xuất, thu lãi xứng đáng và gắn bó với đồng ruộng. Do vậy mỗi khi có điều kiện, TS Cảnh đều tìm cách kết nối với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho bà con.

Gặp và trò chuyện với TS Cảnh, chúng tôi thấy toát ra ở ông một niềm đam mê mãnh liệt với nghề nông, ước mong cháy bỏng góp phần giúp nông dân làm giàu trên đồng ruộng của mình. "Những sản phẩm khoa học nông nghiệp tốt chỉ có thể đến khi họ gắn với hơi thở cuộc sống, cùng chung cái lo, sự vất vả với nông dân", đó là tâm niệm ông luôn khắc ghi trong quãng đường mấy chục năm làm khoa học.

DANH TRUNG

Với những cống hiến cho nền nông nghiệp của nước nhà, TS Đoàn Xuân Cảnh đã nhận được nhiều bằng khen, bằng lao động sáng tạo của các cấp, các ngành. Năm 2017, ông vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ông Cảnh "đen"