Nghĩa Phú giữ nghề làm nón

23/05/2018 13:36

Cùng với sản xuất nông nghiệp, nghề làm nón lá đã mang lại nguồn thu đáng kể cho người dân thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ (Cẩm Giàng). .


Nhiều người dân Nghĩa Phú vẫn giữ nghề làm nón lá truyền thống

Nghề làm nón ở Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ (Cẩm Giàng) hình thành và phát triển từ những năm 60 của thế kỷ trước. Đa phần người dân trong thôn đều tham gia HTX làm nón Nghĩa Phú. Cùng với sản xuất nông nghiệp, nghề làm nón lá đã mang lại nguồn thu đáng kể cho người dân nơi đây.

Đến nay, nghề làm nón ở Nghĩa Phú vẫn được duy trì và được coi như một nghề truyền thống của làng. Quy trình và cách thức làm nón không có gì khác trước, gồm làm lá, làm vòng, tạo hình và khâu nón. Hiện nay, nguyên liệu khâu nón không dùng móc mà dùng cước, không dùng mo vầu để lót mà thay vào đó là mo tre, mo nứa nên chiếc nón nhẹ nhàng và thanh thoát hơn. Người dân không phải đi các tỉnh khác để mua nguyên liệu mà hằng tuần đều có người mang đến tận thôn để bán, tiện lợi hơn trước song số người làm nón vẫn giảm dần. Ông Nguyễn Văn Chuyền, Phó trưởng thôn Nghĩa Phú cho biết: "Những năm trước đây hầu như cả làng làm nón, trẻ con lên 5, lên 7 đã bắt đầu làm quen với nghề nón. Khoảng chục năm trở lại đây, nhiều người đã bỏ nghề để xin đi làm công nhân trong các doanh nghiệp. Hiện nay trong làng chỉ còn khoảng 30% số gia đình còn làm nghề”. 

Những người còn giữ nghề làm nón ở đây rất tâm huyết với công việc của mình và tìm cách đổi mới để phát triển nghề. Chị Nguyễn Thị Phương ở xóm Cầu Thầy bắt đầu làm nón từ khi 13 tuổi, đến nay đã 35 năm gắn bó với nghề chia sẻ: “Là nghề truyền thống của làng nên mình vẫn cứ duy trì, vừa kiếm thêm thu nhập, vừa truyền lại cho con cháu, tuy thu nhập không cao nhưng tranh thủ được thời gian những lúc nông nhàn”. Vừa làm nghề nấu rượu, mỗi ngày chị Phương cũng làm được 2 chiếc nón, thu lãi khoảng 100.000 đồng. Con gái chị Phương làm giáo viên cũng tranh thủ những hôm được nghỉ hay lúc rảnh rỗi để khâu nón. 

Chị Nguyễn Thị Hiên ở xóm Bến là một trong những người làm nón đẹp nhất làng. 45 tuổi đời nhưng chị đã có 35 tuổi nghề. Nay chị Hiên chuyên làm nón cô dâu, nón làm quà tặng… theo đơn đặt hàng. Vừa nói chuyện, chị Hiên vừa thoăn thoắt quấn những chiếc vòng nón có đường kính 5-10 cm bằng những sợi len với đủ màu sắc. Chị Hiên cho biết: "Nón làm theo đơn đặt hàng phải cầu kỳ, tỉ mỉ hơn. Làm loại nón bình thường thì một ngày có khi được 2 - 3 chiếc, nhưng loại nón đẹp thì chỉ được một chiếc. Loại này yêu cầu vòng, lá nón đều phải đẹp hơn, lại phải trang trí nhiều họa tiết tỉ mỉ nên mất nhiều thời gian hơn". 

Nón của chị Hiên nổi tiếng đẹp nên bán rất chạy, nhất là vào các Ngày Quốc tế phụ nữ 8.3, Ngày Phụ nữ Việt Nam 20.10, Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11... Vào những dịp này, khách phải đặt trước từ 1 - 2 tháng mới có hàng. Không chỉ tiêu thụ trong huyện và các tỉnh lân cận, loại nón đẹp ở Nghĩa Phú còn được tiêu thụ cả ở các tỉnh miền Nam. Nhiều khách hàng nước ngoài là chủ các công ty cũng nhờ người đặt mua để mang về nước làm quà. Do số người làm nón ở Nghĩa Phú không nhiều nên đôi khi “cháy hàng”, khách đặt làm nhưng không dám nhận.

Nón loại đẹp như của chị Hiên được bán từ 120.000 - 200.000 đồng/chiếc, loại bình thường 70.000 - 80.000 đồng/chiếc. Nếu chuyên làm nón bình quân mỗi ngày người dân thu lãi trên 100.000 đồng. Nghề làm nón lá tuy thu nhập không cao nhưng không bó buộc về thời gian, người dân có thể tranh thủ làm những lúc nông nhàn, rảnh rỗi.

Trải qua bao thăng trầm của thời gian, làng nghề nón lá Nghĩa Phú tuy không còn hưng thịnh như xưa nhưng những người dân nơi đây vẫn âm thầm giữ nghề, như lưu giữ hồn quê qua từng chiếc nón lá.

TUẤN SỸ

(0) Bình luận
Nghĩa Phú giữ nghề làm nón