Áp dụng Bộ tiêu chí bảo vệ môi trường tại các di tích: Cần thiết nhưng phải điều chỉnh

07/10/2018 11:19

Việc áp dụng thử nghiệm Bộ tiêu chí bảo vệ môi trường tại các di tích trên địa bàn tỉnh đã cho thấy những lợi ích thiết thực...

Bãi rác thải nằm ngay sau di tích quốc gia đặc biệt đền Cao An Phụ

Khó thực hiện

Dự thảo "Bộ tiêu chí bảo vệ môi trường tại các di tích" được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng và đề nghị các tỉnh, thành phố trong cả nước áp dụng thử nghiệm từ năm 2015. Bộ tiêu chí này gồm 4 tiêu chí: bảo vệ môi trường tự nhiên, bảo vệ môi trường nhân văn, công tác quản lý bảo vệ môi trường tại di tích và tuyên truyền - quảng bá - giáo dục. Mỗi tiêu chí lại có rất nhiều tiểu mục nội dung, gồm cả những nội dung mang tính bắt buộc và những nội dung mang tính khuyến khích.

4 năm qua, bộ tiêu chí trên được nhiều nơi trong tỉnh áp dụng thử nghiệm. Báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ ra rằng các địa phương trong tỉnh đều đồng quan điểm việc áp dụng bộ tiêu chí bảo vệ môi trường tại các di tích là rất cần thiết trước bối cảnh môi trường tự nhiên lẫn môi trường văn hóa tại các di tích đang ngày càng có nhiều biến động. Bộ tiêu chí được áp dụng sẽ góp phần nâng cao nhận thức và năng lực quản lý nhà nước về công tác bảo vệ môi trường trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị của di tích; kiểm soát, giảm thiểu và xử lý các yếu tố gây tác động tiêu cực đến môi trường tại đây...

Tuy nhiên, các địa phương đều phản ánh gặp rất nhiều khó khăn khi áp dụng thử nghiệm bộ tiêu chí này. Bộ tiêu chí có quá nhiều nội dung, tiểu mục, một số yêu cầu không có tính khả thi khi thực hiện ở các di tích cấp xã quản lý như tuần hoàn và tái sử dụng nước thải, kiểm soát tiếng ồn, kiểm soát chất lượng không khí, việc áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải sinh hoạt... Bộ tiêu chí có nội dung bắt buộc các địa phương bố trí ngân sách cho các hoạt động bảo vệ môi trường di tích, ngân sách cho hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cộng đồng về bảo vệ môi trường. Nhiều ý kiến cho rằng những nội dung này khó thực hiện trong tương lai gần. Nguyên nhân do ngân sách dành cho công tác trùng tu, tôn tạo, bảo tồn di tích rất eo hẹp, các địa phương chủ yếu vận động nguồn lực xã hội hóa là chính. Khi việc trùng tu, tôn tạo những hạng mục mang tính cấp bách tại các di tích còn chưa thực hiện được thì nguồn lực đầu tư cho các phương thức tiên tiến để bảo vệ môi trường tại di tích như: hệ thống xử lý rác thải, khí thải, nước thải, công cụ đo lường, đánh giá chất lượng môi trường, trả lương cho lực lượng chuyên trách dọn vệ sinh... chắc chắn chưa thể tính tới. Cho nên cần điều chỉnh những nội dung mang tính bắt buộc này sang hình thức khuyến khích, định hướng sẽ phù hợp hơn.

Bộ tiêu chí bảo vệ môi trường tại các di tích chỉ phù hợp với các di tích lớn, có đông khách tham quan và ban quản lý di tích có đủ lực lượng làm công tác bảo vệ môi trường. Mỗi di tích đều có đặc thù riêng nên để phù hợp hơn khi áp dụng vào thực tiễn, cần lược bớt và điều chỉnh một số quy định mang tính bắt buộc sang nội dung mang tính khuyến khích.

Giải quyết những vấn đề cấp thiết trước

Đến nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vẫn chưa có thêm văn bản nào hướng dẫn thực hiện. Trong khi chờ bộ tiêu chí chính thức được ban hành, công tác bảo vệ môi trường tại các di tích vẫn cần duy trì thường xuyên.

Qua tìm hiểu cho thấy công tác bảo vệ môi trường tại các di tích ngày càng được quan tâm. Dù trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn song các di tích đều tranh thủ mọi nguồn lực, cân đối nguồn thu để đầu tư trang bị hệ thống thùng đựng rác, lắp đặt biển bảng tuyên truyền bảo vệ môi trường, cải tạo, nâng cấp nhà vệ sinh công cộng, trả lương cho đội ngũ chuyên trách làm công tác vệ sinh môi trường... Mặc dù vậy, trong công tác bảo vệ môi trường tại các di tích, kể cả những di tích lớn trên địa bàn tỉnh vẫn đang tồn tại những vấn đề bức thiết cần ưu tiên giải quyết.

Ông Phạm Hữu Quân, Trưởng Ban Quản lý di tích huyện Kinh Môn cho biết vào mùa lễ hội, các loại rác như đồ ăn thừa, túi nilon, bao bì các tông... thải ra hằng ngày với khối lượng rất lớn. Tại di tích quốc gia đặc biệt đền Cao An Phụ, do không có cách nào chuyên chở rác xuống dưới chân núi nên Ban Quản lý ở đây đành cho đổ ra phía sau đền rồi dùng các tấm tôn quây chắn xung quanh cho đỡ phản cảm. Bên cạnh đó, hệ thống nhà vệ sinh trên khu vực di tích này được xây dựng từ lâu, không bảo đảm được yêu cầu. "Bãi rác ngày càng rộng hơn, nhà vệ sinh xuống cấp, hệ thống xử lý nước thải chưa được xây dựng nên ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường di tích. Mong tỉnh sớm có cơ chế đặc thù ưu tiên hỗ trợ các di tích lớn khắc phục những vấn đề bức thiết này, trong đó có thể xem xét cho phép xây dựng lò đốt chất thải", ông Quân nói.

Tại di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc, rác thải được thu gom, vận chuyển và xử lý kịp thời hằng ngày do đội vệ sinh môi trường chuyên trách gồm 12 người đảm nhiệm. Ý thức bảo vệ môi trường di tích của người dân, các hộ kinh doanh cũng đang dần được nâng lên. Tuy nhiên, tại 2 khu di tích này chưa có nước máy mà vẫn phải sử dụng nước giếng khoan. "Các hàng quán ở 2 khu di tích xả nước thải trực tiếp ra môi trường. Nước thải ngấm xuống đất nên việc sử dụng nước giếng khoan trong giai đoạn hiện nay cũng chưa chắc đã bảo đảm vệ sinh", Phó Trưởng Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc Lê Duy Mạnh chia sẻ. 

BÌNH MINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Áp dụng Bộ tiêu chí bảo vệ môi trường tại các di tích: Cần thiết nhưng phải điều chỉnh