Vì sao việc thực hiện chương trình dạy tiếng Anh mới hiệu quả hạn chế? Bài 3: Khập khiễng giữa các cấp học

16/11/2018 08:27

Việc thực hiện Đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục tỉnh Hải Dương giai đoạn 2011 - 2020" giữa các bậc học còn khập khiễng, công tác kiểm tra, đánh giá, thi chưa đồng bộ...

Đề thi THPT quốc gia hiện chưa đồng bộ với cách dạy tiếng Anh mới       

Hiện nay, các cấp từ tiểu học đến THPT đều đã triển khai thực hiện Đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục tỉnh Hải Dương giai đoạn 2011 - 2020" (gọi tắt là chương trình dạy tiếng Anh mới). Tuy nhiên, việc thực hiện giữa các bậc học còn khập khiễng, công tác kiểm tra, đánh giá, thi chưa đồng bộ...

Học sinh không qua được sát hạch đầu cấp

Nhiều năm nay, bậc THCS của huyện Ninh Giang chỉ có vài trường dạy chương trình tiếng Anh mới. Năm học này, huyện có 5 Trường THCS gồm: Thành Nhân, Vĩnh Hòa, Hồng Phúc, Ứng Hòe, Hoàng Hanh triển khai chương trình này. Tuy nhiên, các trường cũng không thực hiện dạy đầy đủ ở các khối lớp. Nguyên nhân chính do ở bậc tiểu học ít trường thực hiện đầy đủ chương trình tiếng Anh mới theo quy định 4 tiết/tuần. Khi học sinh bắt đầu vào bậc THCS, các trường muốn triển khai chương trình tiếng Anh mới phải cho học sinh lớp 6 làm bài sát hạch. Chất lượng dạy học tiếng Anh ở bậc tiểu học còn hạn chế nên rất ít học sinh đáp ứng được yêu cầu.

Có những trường THCS của huyện đăng ký dạy chương trình tiếng Anh mới nhiều năm nay nhưng không chọn được học sinh. Thầy Hà Duy Hưng, Hiệu trưởng Trường THCS Hồng Phúc (Ninh Giang) cho biết: "Trường triển khai dạy chương trình tiếng Anh mới từ 6 năm nay. Mỗi năm, trường có 2 lớp 6 nhưng chỉ chọn đủ học sinh cho 1 lớp học chương trình mới. Vì khi sát hạch có đến một nửa học sinh không đạt. Có năm còn không có em nào vượt qua kỳ sát hạch nên không có lớp. Chưa năm học nào nhà trường có đủ lớp ở tất cả các khối học chương trình tiếng Anh mới. Năm học 2018 - 2019, trường chỉ còn 1 lớp 6 và 1 lớp 7 học chương trình này".

Đây cũng là tình trạng chung ở nhiều trường THCS khác trong tỉnh. Việc tuyển đầu vào ở các trường THCS khó một thì lên bậc THPT khó mười. Dù những năm gần đây hầu hết trường tiểu học, THCS ở TP Hải Dương đều thực hiện chương trình tiếng Anh mới. Cùng với đó, sự ra đời của nhiều trung tâm ngoại ngữ thu hút khá đông học sinh. Nhiều gia đình cũng quan tâm đầu tư cho con học thêm tiếng Anh ở những cô giáo giỏi... Nhưng đối với Trường THPT Hồng Quang, việc chọn học sinh vào học chương trình tiếng Anh mới cũng không hề dễ. Thầy giáo Vũ Thanh Lam, Hiệu trưởng nhà trường nhận xét: "Ở bậc THPT, chỉ những học sinh có ý định thi đại học tổ hợp có môn tiếng Anh hoặc có ý định đi du học, xuất khẩu lao động mới hào hứng tham gia vào lớp tiếng Anh mới. Số còn lại khó thu hút vì chương trình tiếng Anh mới càng lên cao càng khó".

Việc thực hiện dạy chương trình tiếng Anh mới của tỉnh nhiều năm nay ở các cấp học vẫn diễn ra kiểu xôi đỗ, khập khiễng như thế nên ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng. Thầy Trịnh Minh Thắng, giáo viên dạy tiếng Anh ở Trường THCS Đoàn Thượng (Gia Lộc) nhận định: "Các em đã học chương trình tiếng Anh mới nhưng nếu lên bậc THCS hay THPT không được học chương trình mới nữa sẽ dẫn đến kỹ năng nghe - nói bị mai một. Hơn nữa, các em đã quen học chương trình mới hấp dẫn, sinh động hơn nay lại phải quay về học chương trình cũ sẽ làm giảm hứng thú, hiệu quả học tập". Ngược lại, nếu học sinh không học đầy đủ ở tiểu học mà lên THCS học chương trình mới sẽ rất khó theo. Và những học sinh này khi lên bậc THPT càng khó mà học tốt được. Bởi kiến thức mỗi bậc học được biên soạn tiếp nối nhau và nâng cao dần. Ở mỗi bậc học đòi hỏi học sinh phải có trình độ, năng lực tương ứng, nhất là kỹ năng nghe - nói. 

Học một đằng, thi một nẻo

Không chỉ khập khiễng giữa các bậc học, công tác kiểm tra, đánh giá, thi hiện cũng chưa đồng nhất với việc học. Hiện nay, việc kiểm tra, đánh giá kết quả học chương trình tiếng Anh mới ở các trường chỉ thực hiện đồng bộ trong bài 1 tiết và bài thi học kỳ. Nhưng đề thi tuyển sinh vào lớp10 THPT công lập và thi THPT quốc gia lại không đồng bộ theo kiến thức của chương trình tiếng Anh mới. Nội dung đề thi trong 2 kỳ thi quan trọng này tuy có đan xen cả kiến thức chương trình cũ và mới nhưng cách thức thi lại không thay đổi. Đặc biệt là chương trình mới chú trọng rèn kỹ năng nghe - nói cho học sinh. Chính vì vậy, công tác soạn giáo án của giáo viên dạy tiếng Anh chương trình mới khá vất vả, nhất là chuẩn bị các bài nghe - nói, tổ chức hoạt động cho học sinh.

Tuy nhiên, đến khi thi vào THPT và thi THPT quốc gia thì những kiến thức nghe-nói lại trở thành... thừa. Theo nhiều giáo viên dạy lớp 9 và lớp 12, các kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, thi THPT quốc gia chưa thể hiện đầy đủ kỹ năng các em đã học ở chương trình mới khiến học sinh chưa chú trọng vào rèn luyện kỹ năng nghe - nói.

Không chỉ học sinh mà trước các kỳ thi trên, giáo viên dạy chương trình tiếng Anh mới ở những lớp cuối cấp THCS, THPT cũng giảm thời gian rèn kỹ năng nghe - nói cho học sinh mà chỉ tập trung trang bị kỹ năng, kiến thức cần thiết để giúp học sinh thực hiện tốt bài thi. Do đó, khó có căn cứ cụ thể để khẳng định sự hiệu quả, ưu điểm của chương trình dạy tiếng Anh mới. 

Theo số liệu tổng hợp của Sở Giáo dục và Đào tạo, hết tháng 5.2018, toàn tỉnh có 256 trường tiểu học thực hiện chương trình dạy tiếng Anh mới (chiếm 90,1%), với 80,6% số học sinh tham gia; bậc THCS chỉ có 164 trường (chiếm 60%) với 41% số học sinh và bậc THPT có 30 trường (chiếm 55,5%) với 11,4% số học sinh tham gia. 

HOA TRUNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì sao việc thực hiện chương trình dạy tiếng Anh mới hiệu quả hạn chế? Bài 3: Khập khiễng giữa các cấp học