Kinh Môn quan tâm tôn tạo di tích

12/09/2018 10:58

Kinh Môn đang cho thấy sự vào cuộc trách nhiệm đối với công tác trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn bằng những bước đi cụ thể, rõ ràng.


Đình Ninh Xá là một trong 3 di tích xuống cấp được huyện Kinh Môn hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách để trùng tu năm 2018

Trùng tu bằng ngân sách

Tháng 7 vừa qua, HĐND huyện Kinh Môn đã ra nghị quyết phê chuẩn danh mục dự án đầu tư công phát sinh năm2018 và các dự án thuộc danh mục đầu tư công năm 2019-2020. Trong số 12 dự án phát sinh được đầu tư từ nay đến cuối năm 2018 có 3 dự án trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa, gồm: cải tạo, nâng cấp 2 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia là đình Xạ Sơn (xã Quang Trung), đình Ninh Xá (xã Lê Ninh) và 1 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh là đình Châu Bộ (xã Hiệp Hòa). Tổng kinh phí thực hiện trên 1,6 tỷ đồng, trích từ ngân sách huyện.

Đây là năm đầu tiên Kinh Môn hỗ trợ công tác trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa bằng nguồn ngân sách huyện - điều mà ít địa phương trong tỉnh làm được. Việc này cho thấy sự quan tâm sâu sát, vào cuộc trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền nơi đây đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích. 

Hiện tại, huyện Kinh Môn đang hoàn thiện hồ sơ, phấn đấu đến cuối tháng 9 sẽ bắt đầu trùng tu 3 di tích trên. Ông Đinh Văn Quân, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Châu Bộ, xã Hiệp Hòa chia sẻ: "Đình làng tôi bị xuống cấp nghiêm trọng nhiều năm nay. Cán bộ và nhân dân nhiều lần tính đến việc xã hội hóa để nâng cấp nhưng không thành vì gặp khó. Giờ nghe huyện sẽ hỗ trợ ngân sách để trùng tu đình làng nên bà con ai cũng vui".


Hệ thống cột ở đình Ninh Xá đã bị mối mọt, mục nát

Đầu tư có trọng điểm

Kinh Môn có 172 di tích các loại (100 di tích còn yếu tố gốc), trong đó có 18 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và 15 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đã được xếp hạng. Trải qua bao biến cố thăng trầm lịch sử và thời gian, rất nhiều di tích bị xuống cấp nghiêm trọng, chỉ tính riêng các di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh cũng có tới 17 công trình.

Cuối năm 2016, UBND huyện Kinh Môn đã ban hành Đề án "Bảo tồn, phát huy các giá trị di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn huyện giai đoạn 2016-2020". Đề án xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và phân kỳ tổ chức thực hiện theo từng năm. Huyện đã tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá, phân loại thực trạng các di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, cấp tỉnh trên địa bàn và huy động mọi nguồn lực, từng bước hoàn thành quy hoạch, tu bổ, phục hồi các di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia, cấp tỉnh. Ưu tiên đầu tư tôn tạo, bảo tồn các di tích lịch sử cách mạng, có giá trị, tiềm năng khai thác du lịch. Tập trung hoàn thiện các hạng mục công trình tại đền Cao, động Kính Chủ, chùa Nhẫm Dương, hang Mộ, chùa Hàm Long... Với các di tích đang đề nghị xếp hạng, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, huy động nguồn xã hội hóa tiến hành trùng tu, tôn tạo theo đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Ước tính giai đoạn 2016-2018, huyện Kinh Môn đã huy động được trên 34,7 tỷ đồng để thực hiện trùng tu, tôn tạo 12 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, cấp tỉnh thuộc đề án, trong đó có nhiều hạng mục nằm trong quần thể di tích quốc gia đặc biệt An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương. Ngoài ra, các xã Thăng Long, Lạc Long, Hiến Thành, Phúc Thành, Thất Hùng và thị trấn Kinh Môn còn huy động xã hội hóa được 46,6 tỷ đồng phát sinh ngoài đề án để trùng tu, tôn tạo các di tích tại địa phương.

Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Kinh Môn Nguyễn Thị Kha cho biết trong phân bổ kinh phí trùng tu các di tích, huyện không đầu tư dàn trải mà có trọng điểm, xác định rõ những công trình, hạng mục ưu tiên cần làm trước. Trong 2 năm 2019-2020, huyện sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư tu bổ cấp thiết cho 9 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và cấp tỉnh trên địa bàn, trong đó các di tích sẽ ưu tiên làm trước trong năm 2019 gồm: chùa Bằng Hà (di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh ở xã Hiến Thành), chùa Linh Ứng và cầu Đá Tràng (di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia ở xã Thăng Long), đình Nội Hợp (di tích lịch sử cấp quốc gia ở xã Lê Ninh), đình Miêu Nha (di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh ở xã Phúc Thành), đình Khuê Bích (di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia ở xã Thượng Quận). Huyện sẽ rà soát, đánh giá kỹ lưỡng để ưu tiên đầu tư trùng tu, tôn tạo những di tích tiêu biểu, tương xứng với vị thế và giá trị lịch sử văn hóa nhằm giáo dục truyền thống yêu quê hương đất nước, niềm tự hào dân tộc cho thế hệ hôm nay, mai sau và phát triển kinh tế du lịch.

Song song với công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di tích lịch sử văn hóa, huyện Kinh Môn sẽ tiếp tục xây dựng, củng cố và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững.       

AN THANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kinh Môn quan tâm tôn tạo di tích