Yếu tố tạo động lực giúp đồng USD tăng sức mạnh

18/05/2023 16:54

Việc đồng bạc xanh tăng 2% trong tháng qua đã khiến các nhà đầu tư bối rối.

Chú thích ảnh

Ảnh minh họa

Lạm phát tại Mỹ đã hạ nhiệt trong khi Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có khả năng ngưng tăng lãi suất vào tháng tới. Đây là những yếu tố khiến các nhà đầu tư tin rằng đồng USD sẽ giảm giá. Tuy nhiên, thực tế lại hoàn toàn khác.

Các nhà phân tích đã đưa ra một số nguyên nhân được cho góp phần khiến đồng USD tăng giá như lo lắng về đàm phán trần nợ công, sức khỏe của các ngân hàng, viễn cảnh kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, cũng có một số dấu hiệu cho thấy Fed có thể tiếp tục nâng lãi suất.

Lo lắng trần nợ công

Chỉ số đồng USD, đo sức mạnh đồng bạc xanh so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt, đã tăng gần 2% kể từ giữa tháng 4 lên 103. Tuy nhiên, nó vẫn thấp hơn so với mức kỷ lục 20 năm của tháng 9.2022 là 114.78.

Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết một lý giải được đưa ra là vấn đề trần nợ công của Mỹ đã giúp đẩy giá USD.

Đảng Dân chủ và Cộng hòa đang tiến gần đến việc đạt được thỏa thuận về nâng trần nợ công. Tuy nhiên, ở thời điểm nhiều ngân hàng có “sức khỏe yếu” và vẫn hiện diện nguy cơ Mỹ vỡ nợ. Khi các thị trường đối mặt mới mối lo này, họ thường mua các tài sản ít rủi ro hơn như vàng, trái phiếu và USD.

Nhà chiến lược Esther Reichelt tại Commerzbank (Đức) nhận định: “Sức mạnh gần đây của USD phần lớn được tiếp sức bởi nhu cầu tài sản trú ẩn an toàn gia tăng trong bối cảnh rủi ro còn có thể phát sinh”.

Một số dấu hiệu đáng lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng góp phần gia tăng mua tài sản trú ẩn. Dữ liệu mới đây cho thấy hoạt động sản xuất của Trung Quốc đã bất ngờ giảm trong tháng 4.

Fed có thể chưa ngừng tăng lãi suất

Nhiều nhà giao dịch cho rằng ngân hàng trung ương Mỹ có thể giảm lãi suất mạnh vào cuối năm nay bởi suy thoái. Tuy nhiên, ông Alvin Tan tại ngân hàng đầu tư RBC Capital Markets (Canada) nghi ngờ điều này: “Chúng tôi nghĩ rằng có khả năng lãi suất Mỹ sẽ cao lên”.

Kể từ tháng 3/2022, Fed đã tăng lãi suất 10 lần liên tiếp nhằm kiềm chế lạm phát của Mỹ. Mới đây nhất, ngày 3/5 vừa qua, Fed đã tăng lãi suất cơ bản lên 5-5,2%, mức cao nhất trong khoảng 16 năm.

Theo Forbes (Mỹ), Fed càng tăng lãi suất thì càng có nhiều nhu cầu về đồng USD từ các nhà đầu tư quốc tế vốn đang tìm kiếm lợi nhuận. Nếu Fed tăng lãi suất trong khi các ngân hàng trung ương khác giữ nguyên hoặc thậm chí hạ lãi suất của họ, thì lợi tức tiết kiệm ở Mỹ sẽ hấp dẫn hơn ở các quốc gia khác. Vốn quốc tế sẽ chảy từ các quốc gia khác sang Mỹ, dẫn đến việc đồng USD tăng giá.

USD cũng là đồng tiền dự trữ của thế giới. Các nhà đầu tư coi nó như một nơi trú ẩn an toàn trong thời kỳ kinh tế không chắc chắn và bất ổn.

Các nhà đầu tư ngồi bên lề đang chờ đợi thời điểm tốt hơn để mua cổ phiếu hiện có thể kiếm được lãi suất 4% hoặc cao hơn đối với đồng USD trong các tài khoản tiết kiệm có lãi suất cao hàng đầu. Các tài khoản này về cơ bản là không có rủi ro đối với số dư lên tới 250.000 USD cho mỗi ngân hàng, miễn là ngân hàng được bảo hiểm bởi Cơ quan bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ (FDIC).

Nhà chiến lược Quincy Krosby của công ty LPL Financial (Mỹ) đánh giá sức mạnh của đồng USD sẽ tiếp tục gắn chặt với lạm phát và lãi suất của Mỹ. Ông Krosby nói: “Trong khi Fed kiên định phụ thuộc vào dữ liệu thì diễn biến của đồng USD lại tập trung vào lạm phát và phản ứng tiền tệ của Fed”.

Theo Báo Tin tức

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Yếu tố tạo động lực giúp đồng USD tăng sức mạnh