Yếu tố hoạt động và sự phát triển nhân cách của trẻ em

14/05/2012 07:32

Thực tiễn đã khẳng định: Hoạt động là một nhân tố có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển nhân cách của con người nói chung, của trẻ em nói riêng.

Nhờ có sự hoạt động mà các phẩm chất tâm lý, ý thức, nhân cách của trẻ em mới được hình thành và phát triển mạnh mẽ. Bởi vì, trong hoạt động luôn luôn có hai quá trình đan xen vào nhau, hỗ trợ cho nhau. Một là, quá trình chủ thể hóa đối tượng hay còn gọi là quá trình xuất tâm. Tức là, trẻ em thể hiện phẩm chất, năng lực thực tiễn của mình vào trong sản phẩm làm ra. Hai là, quá trình đối tượng hóa chủ thể, hay còn gọi là quá trình nhập tâm. Tức là, trẻ em khám phá đối tượng, chiết xuất những gì tinh túy nhất mà loài người đã gửi vào trong đối tượng, biến nó thành những phẩm chất tâm lý, trí tuệ của bản thân trẻ em. Hai quá trình xuất tâm và nhập tâm luôn luôn hòa quyện vào nhau trong quá trình phát triển. 

Thực tế đã cho chúng ta thấy một trong những đặc điểm cơ bản của trẻ em là sự hiếu động. Nói cách khác là các em thích được chạy nhảy nô đùa vui nhộn với những bạn bè cùng lứa tuổi và những người xung quanh. Chỉ có những đứa trẻ nào ốm yếu, bệnh tật thì mới chịu ngồi yên một chỗ. Điều đó chứng tỏ nhu cầu được hoạt động là một đòi hỏi tất yếu, hợp lý và chính đáng của trẻ trong quá trình phát triển. Vì vậy, vấn đề đặt ra là cha mẹ, thầy giáo, cô giáo không nên giáo dục trẻ em bằng những biện pháp cấm đoán, không cho trẻ được giao lưu, tiếp xúc thực hiện những nguyện vọng đúng đắn đã nảy nở trong tâm hồn các em, không nên ra những mệnh lệnh “ngồi đó mà chơi, không phải đi đâu cả”, “cấm không được ra khỏi nhà”... Đối với trẻ, những mệnh lệnh đó là không hợp lý, ít có tác dụng giáo dục vì nó trái ngược với quy luật phát triển của lứa tuổi trẻ em. Vì nếu không được tham gia các hoạt động thì sự phát triển của đứa trẻ sẽ trở nên mất cân đối cả về mặt thể chất lẫn tinh thần, thậm chí có thể làm cho đứa trẻ sinh ra tính nhút nhát, sợ hãi, lười biếng, cuộc sống sẽ trở nên tẻ nhạt, thiếu sức sống.

Quán triệt nguyên tắc hoạt động, trong công tác giáo dục trẻ em, với tư cách là những nhà giáo dục, chúng ta cần phải biết tổ chức cho các em thực hiện những việc làm cụ thể, theo phương châm: “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”. Những việc làm này không chỉ có ý nghĩa sử dụng được những năng lượng dồi dào đang xuất hiện ở các em mà còn có tác dụng thu hút các em theo một hướng phát triển nhất định.

Có điều là, để cho những hoạt động đó đạt được hiệu quả cao về mặt giáo dục thì các nhà giáo dục nói chung, các bậc cha mẹ, các thầy cô giáo nói riêng phải nắm được những đặc điểm tâm sinh lý của lứa tuổi trẻ em, trên cơ sở đó lựa chọn những hoạt động phù hợp với hoạt động chủ đạo trong từng giai đoạn phát triển của trẻ em. Cuộc đời của trẻ em bao gồm một hệ thống các hoạt động: vui chơi, học tập, lao động, giao tiếp, hướng nghiệp… vừa nối tiếp nhau, vừa hòa quyện vào nhau, trong đó mỗi lứa tuổi có một hoạt động chủ đạo, tức là hoạt động tạo ra cái mới trong đời sống tâm lý của đứa trẻ. Trong phạm vi gia đình, ông bà,  cha mẹ, anh chị nên hướng sự hoạt động đó vào việc giải quyết những công việc thiết thực. Tất nhiên ở đây cần có sự kết hợp hài hòa giữa nguyện vọng của bản thân đứa trẻ với mục đích giáo dục.

Trong phạm vi nhà trường, các thầy, cô giáo có thể giao cho những em ưa thích hoạt động đảm nhiệm một công việc nào đó trong nhóm, tổ hoặc lớp. Đồng thời tạo điều kiện cho các em phát huy được những khả năng của mình.

Điều quan trọng trong khi tổ chức hoạt động cho trẻ em là phát hiện xem ở các em có những tố chất, những năng khiếu, sở trường thuộc lĩnh vực nào... để dựa vào đó mà đưa các em vào tham gia những hoạt động tương ứng, phù hợp với tiềm năng của nó.  

TS. Phạm Trung Thanh (Đại học Thành Đông)

(0) Bình luận
Yếu tố hoạt động và sự phát triển nhân cách của trẻ em