Cách đây 60 năm, ngày 26-6-1953, Bác Hồ viết bài “Tinh thần yêu nước và tinh thần quốc tế”, ký bút danh Đ.X, đăng báo Cứu quốc, số 2367.
Sau khi phân tích nội dung của tinh thần yêu nước và tinh thần quốc tế, Người khẳng định lập trường của nhân dân ta là "kiên quyết giữ gìn quyền độc lập tự do và đất đai toàn vẹn của nước mình". Người kết luận: "Tinh thần yêu nước và tinh thần quốc tế liên hệ khăng khít với nhau, vì lẽ đó, ta vừa ra sức kháng chiến, vừa tham gia phong trào ủng hộ hòa bình thế giới".
Sinh thời, Bác Hồ không chỉ là người khởi xướng, phát động các phong trào thi đua yêu nước, coi đó là một bộ phận quan trọng trong quá trình lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước mà còn là tấm gương mẫu mực trong những phong trào thi đua. Ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” động viên đồng bào, chiến sĩ phát huy truyền thống yêu nước thực hiện những nhiệm vụ cấp bách chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm, góp của, góp công vào sự nghiệp kiến thiết và bảo vệ đất nước “Như thế thì: Kháng chiến nhất định thắng lợi. Kiến quốc nhất định thành công”.
Hưởng ứng Lời kêu gọi của Người, cả nước đoàn kết một lòng, phát huy ý chí tự lực, tự cường, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, vượt qua mọi hy sinh, gian khổ, không chỉ bảo vệ vững chắc chính quyền cách mạng, làm nên những mốc son chói lọi trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc, hoàn thành thắng lợi sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mà còn chung sức đồng lòng, phấn đấu đưa dân tộc Việt Nam sánh vai với bè bạn quốc tế.
Bên cạnh tinh thần thi đua yêu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hiến dâng toàn bộ cuộc đời đầy nhiệt huyết của mình cho sự nghiệp đấu tranh vì một xã hội tốt đẹp, một tương lai tươi sáng của dân tộc Việt Nam và các dân tộc bị áp bức, vì hòa bình và tình hữu nghị giữa các dân tộc. Người đã đặt móng, xây nên tình đoàn kết quốc tế rộng lớn của dân tộc ta với các dân tộc trên thế giới, đóng góp quan trọng vào những thành tựu vĩ đại của nhân dân Việt Nam và phong trào cách mạng quốc tế, đồng thời cũng góp phần không nhỏ vào việc thay đổi bộ mặt thế giới.
Ngày nay, cả nước bước vào thời kỳ đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bên cạnh những thuận lợi, đất nước ta đang đứng trước nhiều thử thách, khó khăn, đòi hỏi phải phát huy cao độ lòng yêu nước, tinh thần tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc và đoàn kết quốc tế của mỗi người Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
HIỀN NHÂN(biên soạn)