Lấn chiếm lòng lề đường làm nơi buôn bán; trộm cắp, đánh cãi chửi nhau diễn ra thường xuyên... cho thấy sự yếu kém trong quản lý đô thị ở phường Sao Đỏ.
Vỉa hè, lòng đường phố Thái Học bị lấn chiếm làm nơi bán hàng và đỗ xe
Phường Sao Đỏ (Chí Linh) hiện có 10 khu dân cư (KDC), trong đó có 7 KDC cũ và 3 KDC mới với gần 50 nghìn người. Ngoài ra, phường còn có khoảng gần 10 nghìn học sinh, sinh viên và lao động thuê trọ. Là phường trung tâm của thị xã, tập trung các cơ quan hành chính nhà nước cùng một số trường đại học, cao đẳng, THPT với tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, nên công tác quản lý đô thị gặp nhiều khó khăn. Phường Sao Đỏ chưa xây dựng được quy hoạch chi tiết, chưa có những chế tài đủ mạnh để xử lý những trường hợp vi phạm của người dân. Theo phân cấp, việc cấp phép xây dựng thuộc thẩm quyền của Phòng Quản lý đô thị thị xã. Cán bộ địa chính - xây dựng của phường chỉ có chức năng phối hợp với cơ quan chuyên môn cấp trên để giám sát các trường hợp xây dựng không phép hoặc chưa phép và đề nghị các biện pháp xử lý theo quy định. Phường đã xây dựng được Quy chế quản lý kiến trúc đô thị, nhưng do lực lượng mỏng, lại không có chuyên môn trong lĩnh vực xây dựng nên việc kiểm tra, xử phạt các trường hợp vi phạm còn hạn chế. Các hoạt động quản lý trong lĩnh vực xây dựng đều trông chờ vào lực lượng chuyên môn của thị xã. Đội Quy tắc của thị xã cũng mới được thành lập.
Phường Sao Đỏ có nhiều tuyến đường giao thông quan trọng, nên tình hình vi phạm trật tự an toàn giao thông diễn ra rất phức tạp. Một số điểm trên quốc lộ 18 và 37 chạy qua địa bàn phường luôn tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn như cổng Trường THPT Chí Linh, ngã ba Côn Sơn, ngã ba Sao Đỏ, cổng chợ Sao Đỏ... Toàn bộ vỉa hè đường Thái Học 1, 2 từ ngã ba Sao Đỏ đến giáp ranh phường Thái Học bị lấn chiếm làm chỗ bán hàng và tập kết vật liệu xây dựng, khiến cho việc đi lại của nhân dân và công tác quản lý của chính quyền địa phương còn nhiều khó khăn. UBND phường đã nhiều lần đề nghị bàn giao vỉa hè cho phường quản lý và thu thuế sử dụng, nhưng vẫn chưa được sự đồng ý của thị xã, vì vậy các tuyến đường này vẫn trong tình trạng "cha chung không ai khóc".
Với lượng học sinh, sinh viên và người lao động trên địa bàn đông, nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa lớn. Vì vậy, ngoài những chợ nằm trong quy hoạch, tại một số tuyến đường như Bạch Đằng, Nguyễn Văn Trỗi... xuất hiện chợ cóc tự phát, ảnh hưởng đến việc đi lại, mua sắm của người dân và làm xấu cảnh quan đô thị. Mặc dù đã nhiều lần tổ chức ra quân dẹp bỏ, nhưng tình trạng họp chợ lấn chiếm vỉa hè, lòng đường vẫn tiếp diễn.
Với gần 10 nghìn sinh viên và người lao động thuê trọ, các dịch vụ như nhà trọ, in-tơ-nét, cầm đồ thi nhau mọc lên. Mặc dù đã có sự phối hợp giữa công an thị xã, chính quyền địa phương và chủ nhà trọ trong việc quản lý đối tượng này, nhưng thực tế vẫn còn nhiều phức tạp. Một số đối tượng phạm pháp ở nơi khác lấy danh nghĩa học sinh, sinh viên đến thuê trọ. Các quán in-tơ-nét không chấp hành quy định về thời gian mở, đóng cửa và nội dung khách hàng truy cập. Nhiều hiệu cầm đồ cho vay với lãi suất cao không theo quy định. Tình trạng trộm cắp, đánh cãi chửi nhau diễn ra thường xuyên. Thậm chí, trường hợp thanh toán nhau bằng vũ khí nóng đã diễn ra, khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn.
Để công tác quản lý đô thị đạt hiệu quả, phường Sao Đỏ cần đẩy mạnh hơn nữa công tác quản lý các công trình xây dựng mới. Cán bộ địa chính phối hợp chặt chẽ với Đội Quy tắc thị xã để kiểm tra, xử lý những công trình xây dựng sai phép hoặc không phép. Việc phân cấp quản lý trong lĩnh vực giao thông cần nhanh chóng được thực hiện để việc quản lý vỉa hè, lòng đường đi vào nền nếp. Cần chấm dứt tình trạng họp chợ lấn chiếm lòng đường, hè phố, trả lại cảnh quan sạch đẹp cho khu đô thị trung tâm của thị xã Chí Linh...
VỊ THỦY