Ông cha nói "Y phục xứng kỳ đức" cũng có thể hiểu là người ta được suytôn, giữ một chức sắc... gì đó thì phải có tài đức tương xứng.
Y đây là y phục, nói nôm na là áo quần, mũ mã. Đức là đạo đức, phẩm cách, lối sống. Ông cha nói "Y phục xứng kỳ đức" cũng có thể hiểu là người ta được suy tôn, giữ một chức sắc... gì đó thì phải có tài đức tương xứng. Người có "y phục xứng kỳ đức" mới được người đời tâm phục, khẩu phục.
Lựa chọn bầu những người vào các cơ quan quyền lực của nhà nước từ địa phương đến trung ương chính là dịp trao cho những người có đủ tài đức thay mặt cử tri gánh vác trọng trách đất nước. Thế nhưng, trên thực tế các kỳ bầu cử trước, ngoài đa số những đại biểu xứng đáng, vẫn còn lọt vào danh sách những người chưa đủ tiêu chuẩn, vì những hoạt động của đại biểu ấy mờ nhạt trong cả khóa. Thậm chí có người còn phạm sai lầm, khuyết điểm, khiến những quyền lợi hợp pháp của công dân không được bảo đảm.
Vì thế, trong quy trình bầu cử lần này, yêu cầu các ứng viên phải tiếp xúc cử tri càng nhiều càng tốt. Qua tiếp xúc, cử tri mới hiểu được ứng viên về mọi phương diện, đồng thời, cử tri theo dõi xem khi được trúng cử, đại biểu đó có làm đúng như những chương trình, lời hứa hẹn không hay lại chỉ là "lời nói gió bay"? Đối với các ứng viên, thì "nói phải đi đôi với làm". Như thế là "y phục xứng kỳ đức". Còn thất hứa với dân là có tội.
ĐỒNG CHÍ