Ý thức người dân: Yếu tố tiên quyết để kiểm soát đại dịch COVID-19

20/02/2021 14:15

Trong công cuộc đẩy lùi dịch COVID-19, cùng với việc thực hiện nghiêm các giải pháp thì ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân và gia đình là rất quan trọng.


Lực lượng quân đội báo cáo tình hình tại điểm cách ly Trường Mầm non Cẩm Phúc, Hải Dương

Hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Thế giới ghi nhận 110.911.886 ca mắc bệnh và 2.454.251 trường hợp tử vong tại 221 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay tại Việt Nam 13 tỉnh thành phố đã ghi nhận ca mắc COVID-19 thì tình hình dịch bệnh tại 12 tỉnh, thành phố đã được kiểm soát (trừ huyện Cẩm Giàng, Hải Dương).

Khi dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tình hình dịch trên cả nước đã và đang được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, trong công cuộc đẩy lùi COVID-19, cùng với việc thực hiện nghiêm các giải pháp ứng phó thì ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân và gia đình rất quan trọng.

Những mối nguy từ sự vô ý thức

Trong công tác phòng chống dịch COVID-19 hiện nay, ý thức của người dân coi đó là một "liều thuốc cao nhất" để nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh. Bởi chỉ một sự thiếu ý thức của một người có thể tạo nên sự nguy hiểm cho những người xung quanh, thậm chí có thể dẫn đến những hậu quả khó lường...

Trên thực tế, bên cạnh ý thức chủ động phòng bệnh thì vẫn còn một bộ phận người dân không hợp tác, thiếu trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch bệnh như: Khai báo y tế không trung thực, trốn cách ly, đăng tải thông tin không chính xác trên mạng xã hội, gây áp lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh.

Thời gian qua, có không ít những cá nhân vì không khai báo y tế đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phòng chống dịch, làm lây lan dịch bệnh như BN17 tại Hà Nội.


Một chốt kiểm soát phòng dịch COVID-19 tại tỉnh Hải Dương

Đó còn là trường hợp tiếp viên D.V.H. (BN1.342) của Vietnam Airlines đã vi phạm quy định cách ly, tiếp xúc với đồng nghiệp, bạn bè, người thân trong quá trình cách ly tập trung và tại nơi cư trú, khiến lây nhiễm bệnh COVID-19 cho người khác.

Hay trường hợp ca bệnh COVID-19 thứ 25 tại Hà Nội ở Nam Từ Liêm không khai mình là F1 nên không đi cách ly. Đây là ca mắc bệnh trong cộng đồng khai báo quanh co, không trung thực. Bệnh nhân giấu lịch trình di chuyển và tiếp xúc làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác phòng chống dịch của quận nói riêng, của thành phố nói chung. Đáng lưu ý ca bệnh mới này đã có 12 ngày tiếp xúc ngoài cộng đồng khiến nguy cơ dịch bệnh tại Hà Nội có thể lan rộng.

Trường hợp trên khai báo không trung thực đã gây khó khăn cho chính quyền địa phương và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ công tác Phòng chống dịch bệnh. Đó là sự nguy hiểm quy về trách nhiệm cá nhân, che giấu thông tin.

Chính vì vậy, hơn lúc nào hết người dân cần trung thực, nâng cao tinh thần cảnh giác và tập trung cao độ cho công tác phòng chống dịch. Mặt khác, nhà chức trách cũng phải xử lý nghiêm những trường hợp gian dối. 


Khu vực phong toả nơi ở của bệnh nhân mắc COVID-19 ở Hải Dương

Mới đây, Hải Phòng đã xử lý nghiêm trường hợp một giáo viên đi về từ vùng dịch nhưng khai báo không trung thực.

Cụ thể UBND TP Hải Phòng đã giao cho Chủ tịch UBND quận Lê Chân xử phạt vi phạm hành chính với mức cao nhất đối với giáo viên này đồng thời giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo kỷ luật giáo viên này ở mức cao nhất.

Trong trường hợp giáo viên này dương tính với SARS-CoV-2, Hải Phòng yêu cầu UBND quận Lê Chân chuyển hồ sơ sang cơ quan Cảnh sát điều tra để xử lý hình sự...

Mỗi người dân phải là một chiến sỹ

Với thời điểm hiện hay, như Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đã xác định hơn lúc nào hết, người dân cần nâng cao tinh thần, trách nhiệm của mình để cùng làm tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo như lời kêu gọi của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: Mỗi người dân là một chiến sỹ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh.

Thông qua nhiều hình thức tuyên truyền cùng sự quan tâm vì sức khỏe cho bản thân và gia đình nên phần lớn người dân đã dần nâng cao ý thức, chấp hành tốt các biện pháp phòng bệnh. Người dân thực hiện nghiêm các khuyến cáo của ngành Y tế như: Chủ động khai báo y tế, đeo khẩu trang khi đến những nơi tập trung đông người, thông báo về sự bất thường của sức khỏe trong quá trình cách ly tại nhà.

Theo đó, tất cả trường hợp về từ vùng dịch đều được chính quyền địa phương, cán bộ y tế quản lý thực hiện khai báo y tế, phân loại cách ly phòng bệnh COVID-19. Đặc biệt, trong đó có nhiều trường hợp chủ động liên hệ thông báo với chính quyền địa phương hoặc đến trạm y tế để được thực hiện khai báo y tế.


TP Hải Dương vắng sau quyết định giãn cách xã hội

Trong hơn 1 năm chống lại đại dịch COVID-19 ở Việt Nam đã cho thấy với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, hưởng ứng của người dân, dịch bệnh tại nhiều thời điểm đã được kiểm soát tốt.

Song như Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: “Chúng ta không thể kết thúc dịch trong 6 tháng đầu năm và trong năm 2021. Trong quý 1, các địa phương phải coi công tác phòng, chống dịch bệnh là trọng tâm, ưu tiên cấp bách và lâu dài.

Liên quan đến các biến thể của SARS-CoV-2, Tổ chức Y tế thế giới thông báo đến ngày 16.2, biến thể phát hiện tại Anh đã xuất hiện tại 94 quốc gia, vùng lãnh thổ, tăng 8 quốc gia, vùng lãnh thổ so với tuần trước đó. Trong khi đó, biến thể phát hiện tại Nam Phi đến nay đã xuất hiện tại 46 quốc gia và biến thể phát hiện tại Brazil đã xuất hiện tại 21 quốc gia.

Đợt dịch lần thứ 3 ở Việt Nam tương đối phức tạp vì biến chủng của Anh có tốc độ lây nhiễm cao hơn 70% so với chủng cũ. Cũng vì thế, trong thời gian ngắn, Việt Nam phát hiện nhiều ca bệnh, đặc biệt ổ dịch xảy ra trong khu công nghiệp, tất cả các tỉnh thành phố đều có khu công nghiệp...

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp, việc chấp hành những quy định về phòng chống dịch là yêu cầu bắt buộc đối với mỗi tổ chức, cá nhân. Song cùng với những người đang nỗ lực tham gia phòng chống dịch vẫn còn những người chủ quan, thờ ơ, không chấp hành nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch. Và, chỉ cần có vậy, bao nhiêu công lao của cả hệ thống chính trị, của đội ngũ y tế ngày đêm không ngơi nghỉ, làm việc tới ngất xỉu; của những chiến sỹ cả tháng xa nhà căng mình dập dịch... sẽ đổ sông đổ bể...

Bởi thế, hơn lúc nào hết, người dân hãy tự nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm của mình trong việc phòng chống dịch để bảo vệ chính mình cũng như cộng đồng.

Mỗi người dân, mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị cần nâng cao ý thức trách nhiệm trong phòng chống dịch, quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc,” kiên quyết không vì sự thờ ơ, vô trách nhiệm của một vài cá nhân mà làm tổn hại đến thành quả chống dịch của cả hệ thống chính trị.

Người dân cần tin tưởng vào các quyết sách của Chính phủ, UBND các cấp; thực hiện nghiêm quy định về khai báo sức khỏe; cung cấp thông tin liên quan trung thực, chính xác; tự giác thực hiện những biện pháp bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Người dân cần kịp thời phản ánh những thông tin liên quan đến dịch bệnh COVID-19 qua số điện thoại đường dây nóng và các cơ quan chức năng ở địa phương.

Ý thức, trách nhiệm của mỗi công dân còn là sự tỉnh táo khi tiếp nhận thông tin từ mạng xã hội; không chia sẻ, đăng lại hoặc cổ xúy cho những quan điểm sai lệch, bài viết không được kiểm chứng, hình ảnh giả mạo trên các trang mạng xã hội.

Thực tiễn trong thời gian qua đã minh chứng một trong những yếu tố căn bản để Việt Nam kiểm soát được dịch COVID-19 ở nhiều nơi với số người nhiễm bệnh và tử vong không cao là nhờ vào sự chấp hành tốt các quy định phòng dịch của người dân. Khi cơ quan y tế khuyến cáo mang khẩu trang, rửa tay thường xuyên thì đa số người dân thực hiện, khi chính quyền ra lệnh cách ly xã hội, hầu như người dân tuyệt đối chấp hành. Ðó chính là thể hiện ý thức, trách nhiệm công dân trước mối nguy lớn từ đại dịch./.

Trong thời điểm hiện tại để phòng chống dịch bệnh đạt hiệu quả người dân cần thực hiện tốt các khuyến cáo:

1. Hạn chế tối đa ra ngoài, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết.

2. Nếu buộc phải ra ngoài luôn luôn đeo khẩu trang, hãy giữ khoảng cách tiếp xúc, tốt nhất là 2m.

3. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn nếu không có xà phòng.

4. Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, lau rửa thường xuyên, thông thoáng, sinh hoạt lành mạnh.

5. Thực hiện khai báo y tế, cập nhật tình hình sức khỏe hàng ngày của mình, giữ liên hệ thường xuyên với cán bộ y tế và cơ sở y tế.

Theo Vietnam+

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ý thức người dân: Yếu tố tiên quyết để kiểm soát đại dịch COVID-19