Do cơ chế chưa đầy đủ nên việc đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế tại tỉnh ta đang gặp không ít rào cản, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động chuyên môn, đặc biệt là việc phát huy năng lực của đội ngũ bác sĩ có tay nghề.
Nhiều bệnh viện tuyến tỉnh đã có kế hoạch mua sắm bổ sung trang thiết bị y tế hiện đại, kỹ thuật cao nhưng chưa thể triển khai. Trong ảnh: Nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều khiển máy chụp cắt lớp
Việc đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế (TTBYT) tại Hải Dương đang gặp không ít rào cản mặc dù đã có hướng dẫn.
Cơ chế chưa đầy đủ, cụ thể
Giai đoạn 2016-2020, ngành y tế Hải Dương đã đầu tư gần 427 tỷ đồng mua sắm TTBYT nhằm đáp ứng yêu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay, việc mua sắm đã bị chững lại do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Khách quan là do trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát, các biện pháp phòng chống dịch bị thắt chặt đã cắt đứt các chuỗi từ sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, cung ứng TTBYT. Khó khăn này hiện vẫn chưa chấm dứt. Trong lúc dịch bệnh hoành hành, mọi nguồn lực gần như được ưu tiên tối đa cho công tác phòng chống dịch nên việc đầu tư mua sắm TTBYT gần như phải gác lại. Chủ quan là cơ chế pháp lý quy định việc đấu thầu, mua sắm chưa đầy đủ, cụ thể nên các cơ sở y tế chưa thực hiện được.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh có kế hoạch mua sắm nhiều loại TTBYT như máy thở, hệ thống máy nội soi… nhằm đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân nhưng chưa thể triển khai. Theo tiến sĩ, bác sĩ Lê Quang Đức, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, vướng mắc lớn nhất hiện nay nằm ở khâu thẩm định giá các TTBYT. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, xung đột giữa một số nước khiến việc nhập khẩu, cung ứng TTBYT bị đứt gẫy, giá cả biến động. Vì lý do này mà nhiều doanh nghiệp có chức năng đã từ chối hoặc chỉ thẩm định giá ở mức thấp khiến bệnh viện không thể lựa chọn được nhà thầu cung ứng, buộc phải huỷ gói thầu do giá trúng thầu cao hơn giá kế hoạch. Hơn nữa, nhân lực của bệnh viện tham gia quá trình đấu thầu hầu hết đều làm việc kiêm nhiệm, có ít kinh nghiệm nên mất nhiều thời gian.
Một người dân bình thường có thể dễ dàng mua vài chục chiếc máy điện châm ở bên ngoài thị trường chỉ trong vài tiếng. Thế nhưng, với Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh thì phải mất tới… 3 tháng. Bệnh viện này vừa mua khoảng 50 máy điện châm nhưng phải loay hoay giải quyết các thủ tục. Ông Phạm Văn Huấn, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh cho biết thời điểm làm thủ tục thẩm định giá, trên Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế chưa niêm yết giá kê khai loại máy này. Trong khi đó, điều 44, Nghị định số 98/2021/NĐ-CP quy định các đơn vị không được mua bán TTBYT khi chưa có giá kê khai và không được mua bán cao hơn giá kê khai tại thời điểm mua sắm. “Giá trị sản phẩm thấp nên không có doanh nghiệp nào kê khai. Chúng tôi buộc phải tìm cách liên hệ và đề nghị doanh nghiệp kê khai giá với Bộ Y tế thì mới có thể thực hiện mua sắm theo đúng quy trình”, ông Huấn nói.
Thực tế cho thấy cùng một TTBYT nhưng 2 nhà sản xuất lại kê khai hai mức giá khác nhau. Trong khi đó, mức giá trúng thầu đôi khi lại nằm giữa hai mức giá kê khai, dẫn tới khó khăn trong quá trình thanh quyết toán tại các cơ sở y tế. TTBYT chủ yếu là hàng nhập khẩu, nhiều danh mục, chủng loại không sẵn có trên thị trường. Nhiều nhà cung cấp đã từ chối báo giá do lo sợ về khả năng cung ứng sản phẩm cũng như sự biến động về giá trên thị trường. Một số doanh nghiệp trong quá trình tham dự thầu không thể cung cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng, giấy phép lưu hành trang thiết bị do hết hiệu lực nên phải huỷ kết quả thầu.
Đại diện lãnh đạo Sở Y tế cho biết việc xác định giá trị thật của TTBYT để làm căn cứ thực hiện quy trình mua sắm đang là nỗi lo lắng lớn nhất của các cơ sở y tế. Mặc dù giá các sản phẩm đều được các đơn vị tham khảo trên Cổng thông tin của Bộ Y tế và giá trúng thầu của các tỉnh, thành phố khác nhưng khi có thanh tra lại phải giải trình, làm rõ về cơ sở lựa chọn mức giá. Điều này cũng giải thích vì sao trong giai đoạn hiện nay hầu hết các đơn vị đều e ngại không muốn thực hiện quy trình mua sắm…
Các bệnh viện tuyến tỉnh, trung tâm y tế cấp huyện hiện đều thiếu TTBYT hiện đại, kỹ thuật cao. Một số đơn vị đã phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên do không có thiết bị chẩn đoán, điều trị. Đây cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp tới việc phát huy năng lực của đội ngũ bác sĩ có tay nghề…
Đồng chí Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai cho rằng một số chính sách về y tế được ban hành nhanh chóng nhưng thiếu hướng dẫn cụ thể, kịp thời, chi tiết để địa phương thực hiện. Ảnh: Phạm Tuyết
Gỡ nút thắt
Những khó khăn trên đã được các cấp, ngành trong tỉnh kiến nghị với Đoàn giám sát Uỷ ban Xã hội của Quốc hội khi về làm việc tại Hải Dương cuối tháng 8 vừa qua. Tại buổi làm việc với Sở Y tế, đồng chí Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết không chỉ Hải Dương mà hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước cũng đang gặp khó khăn trong đấu thầu và mua sắm TTBYT. “Đúng là thời điểm hiện tại có một số thông tư, văn bản hướng dẫn như Thông tư số 14/2020/TT-BYT của Bộ Y tế quy định một số nội dung trong đấu thầu TTBYT trong phân loại, mua sắm trang thiết bị vật tư chưa cập nhật tình hình thực tế, gây khó khăn cho việc đấu thầu, mua sắm. Chúng tôi sẽ tổng hợp và trình Quốc hội xem xét sớm gỡ nút thắt liên quan đến cơ chế pháp lý trong việc này”, đồng chí Mai nói.
Cũng trong buổi làm việc với Đoàn giám sát Uỷ ban Xã hội của Quốc hội, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Thị Trung Chính đề nghị Bộ Y tế sớm phê duyệt và công bố giá kê khai TTBYT để các đơn vị có căn cứ xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo đúng quy định. Cần có quy định chặt chẽ trong kiểm soát giá TTBYT, tránh tình trạng doanh nghiệp kê khai giá cao khiến các đơn vị phải mua hàng giá cao…
BÌNH MINH