Ngày Tết, một trong những thứ không thể thiếu trên bàn thờ chính là mâm ngũ quả. Việc thờ cúng ông bà tổ tiên trong ngày Tết là nét đẹp văn hóa thể hiện sự biết ơn, lòng tưởng nhớ ông bà đã khuất và mong cuộc sống trong năm mới thuận lợi, tốt đẹp hơn.
Mâm ngũ quả tròn đầy tượng trưng cho ước muốn năm mới ấm no, tốt lành
Mâm ngũ quả bắt buộc phải có đầy đủ 5 loại quả khác nhau với những ý nghĩa khác nhau, mang sự tốt đẹp riêng muốn gửi gắm. 5 loại quả này có kích thước, màu sắc khác nhau và mang những ý nghĩa đặc trưng riêng.
Ở mỗi vùng miền đều có những quan niệm và phong tục thờ cúng các loại hoa quả trên mâm ngũ quả khác nhau, tùy vào điều kiện và tập quán, suy nghĩ của người dân. Người miền Bắc rất ưa chuộng chuối, đây được xem là loại quả chủ lực cho toàn bộ mâm hoa quả cúng Tết. Nải chuối xanh tượng trưng cho bàn tay ngửa lên trên bao bọc và che chở tất cả. Đây là biểu tượng cho mùa xuân tươi thắm và căng tràn sức sống đem đến sự bình an và phúc lộc cho gia chủ. Phật thủ hoặc bưởi tượng trưng cho chữ lộc với mong ước các bậc trên ban phước lộc, bình an đến cho con cháu trong gia đình và xua tan những điều xui xẻo không may mắn hoặc tai ương có thể ập tới với gia đình. Đu đủ hoặc sung tượng trưng cho mong ước sung túc đầy đủ, một năm mới làm ăn phát đạt và tấn tới hơn năm cũ. Các loại hoa quả khác như cam, hồng, mận, quýt… có màu sắc tươi sáng tượng trưng cho sự tươi vui, hòa thuận và may mắn của cả gia đình trong năm mới.
Đặc biệt, người miền Bắc rất quan trọng đĩa đựng hoa quả. Nhất định đĩa đựng phải là loại đĩa tròn chứ không phải các loại hình thù khác. Đĩa tròn tượng trưng cho sự tròn đầy, sung túc và no đủ, điều này tượng trưng cho mong muốn của người dân được ấm no và đầy đủ tốt lành hơn trong năm mới.
Mâm ngũ quả ngày Tết ở miền Bắc ngày nay đã phóng khoáng và có sự thay đổi hơn ngày xưa rất nhiều về các loại quả cũng như cách bố trí. Sự sắp xếp không còn khắt khe và quá khuôn phép như trước nhưng các loại hoa quả cần có nhất là chuối thì vẫn không thể thiếu.
PV (tổng hợp)