Giáo dục

Ý kiến trái chiều về môn sử trong thi tốt nghiệp THPT 2025

Theo VnExpress 03/09/2023 05:49

Giáo viên lo nếu không bắt buộc thi sử, học sinh sẽ bỏ bê môn này, nhưng cũng có ý kiến phản đối vì sợ kỳ thi nặng nề nếu có bốn môn bắt buộc.

Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành đang khảo sát ý kiến giáo viên về hai phương án môn thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Ở phương án 1, học sinh thi 4 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử và hai môn tự chọn (Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ).

Phương án 2 gồm ba môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và hai môn tự chọn trong số các môn đã học (gồm Lịch sử).

Sự khác biệt giữa hai phương án này chỉ là có hay không đưa Lịch sử thành môn thi bắt buộc. Về việc này, các giáo viên, chuyên gia và nhà quản lý giáo dục có ý kiến khác nhau.

Bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng THPT Việt Đức, Hà Nội, cho rằng phương án thi bốn môn bắt buộc hợp lý hơn bởi Lịch sử là môn học bắt buộc theo chương trình mới. Điều quan trọng là đề thi được ra theo hướng mở, giảm phần học thuộc con số một cách máy móc.

"Đổi mới dạy rồi thì cần đổi mới cách thi. Hai điều này song hành mới có hiệu quả", bà nói. Bà cũng nhận định thi bốn môn bắt buộc không làm xáo trộn tổ hợp xét tuyển đại học, bởi những môn "nòng cốt" của các khối thi là Toán, Văn và Ngoại ngữ đều không thay đổi.

Còn nếu phương án thi ba môn được triển khai, học sinh sẽ bỏ bê môn Lịch sử. Khi đó, việc đưa Lịch sử vào chương trình bắt buộc THPT có thể gây tác dụng ngược.

Học sinh trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa thuyết trình dự án Biệt động thành trong môn Lịch sử. Ảnh: Giáo viên cung cấp

Học sinh trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa thuyết trình dự án Biệt động thành trong môn Lịch sử

Ngược lại, nhiều nhà quản lý và giáo viên ủng hộ phương án hai (ba môn bắt buộc và hai môn lựa chọn). Theo họ, điều này giảm áp lực cho học sinh, giảm tốn kém cho xã hội, đồng thời đảm bảo sự cân bằng giữa môn tự nhiên và xã hội trong kỳ thi tốt nghiệp.

TS Nguyễn Thị Huyền Thảo, giáo viên dạy Sử, trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP Hồ Chí Minh, cho rằng sợ học sinh bỏ bê nếu không thi là cách đặt vấn đề không đúng. Thay vào đó, giáo viên cần thay đổi phương pháp để học sinh thật sự mong muốn học và thi Lịch sử. Như thế, dù không ép, học sinh vẫn chọn môn này.

Bà Lê Thị Hương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị, cũng đồng tình. "Nếu sợ học sinh sao nhãng vì không thi, vậy những môn khác cũng cần bắt buộc thi hay sao", bà nói, thêm rằng nếu vậy, việc học chỉ là đối phó, không thực chất.

Theo bà, chương trình giáo dục phổ thông 2018 chú trọng phát triển năng lực, phẩm chất cá nhân người học. Từ lớp 10, học sinh đã được chọn tổ hợp môn theo định hướng nghề nghiệp. Kết quả thi tốt nghiệp THPT còn liên quan đến việc xét tuyển đại học. Do đó, chỉ cần thi ba môn bắt buộc, hai môn còn lại nên để học sinh lựa chọn theo sở trường và định hướng của mình.

"Giảm một môn thi bắt buộc giúp học sinh giảm áp lực học hành, thi cử, dành thời gian để học, phát triển năng lực, kỹ năng khác. Kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng cần tinh gọn để không gây tốn kém cho xã hội", bà Hương nói.

Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên - Huế, còn cho rằng nếu đưa Sử là môn thi bắt buộc sẽ tạo sự mất cân bằng và thiệt thòi cho những học sinh có định hướng theo Khoa học tự nhiên.

Thạc sĩ Hồ Sỹ Anh, chuyên gia của Viện Nghiên cứu Giáo dục, trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, nói hiện nay tỷ lệ học sinh chọn thi tổ hợp Khoa học xã hội luôn trên 50%.

"Các em chọn thi xã hội không phải vì thích, mà vì dễ qua", ông nhận định, cho rằng nếu thêm Lịch sử vào môn thi bắt buộc sẽ tạo sự chênh lệch về số lượng môn tự nhiên (Toán) và xã hội (Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử).

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2023 tại TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2023 tại TP Hồ Chí Minh

2025 là năm lứa học sinh đầu tiên theo chương trình giáo dục phổ thông mới (còn gọi là chương trình 2018) thi tốt nghiệp. Từ tháng 3 đến tháng 5, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lấy ý kiến về phương án thi tốt nghiệp THPT 2025 với bốn môn thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử và hai môn tự chọn. Đến cuối tháng 8, các địa phương lại nhận được đề nghị khảo sát ý kiến với hai phương án thi như trên.

Lý giải điều này, PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết Bộ đã nhận được rất nhiều ý kiến khác nhau về phương án thi tốt nghiệp THPT 2025, trong đó có việc đưa Sử trở thành môn thi bắt buộc.

"Xã hội có nhiều đề xuất về phương án thi tốt nghiệp nên Bộ tiếp tục đề nghị các địa phương lấy ý kiến chính thức của cán bộ, giảng viên, đặc biệt là giáo viên. Tinh thần là sẽ thực hiện phương án tốt nhất cho xã hội", ông Chương cho hay.

Theo ông Sỹ Anh, nếu không bắt buộc thi Lịch sử, Bộ nên đưa ra điều kiện ràng buộc về điểm tổng kết của môn này, chẳng hạn trên 5 hoặc 6 điểm. Việc này giúp nhà trường quản lý chất lượng học sinh, đồng thời đảm bảo các em không bỏ bê môn Sử.

Dù phương án nào được chọn, các giáo viên, nhà quản lý cùng bày tỏ mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm thông báo để học sinh, nhà trường có định hướng và sớm chuẩn bị cho kỳ thi.

Theo VnExpress
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ý kiến trái chiều về môn sử trong thi tốt nghiệp THPT 2025