Không giành được huy chương, bị các nước Đông Nam Á bỏ xa trên bảng xếp hạng, ngoài dịch bệnh tác động đến quá trình chuẩn bị, đó còn là kết quả của quá trình dài thiếu nguồn lực, đầu tư dàn trải.
Nếu không có thêm nguồn lực đầu tư từ xã hội, thể thao Việt Nam khó có được chân đế vững chắc để hướng đến đấu trường Olympic
Trong tổng số 2.560 tỉ đồng tiền chi thường xuyên cho sự nghiệp của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2021, chi thường xuyên cho riêng lĩnh vực thể thao là 857 tỉ đồng, cao nhất từ trước tới nay.
Nguồn chi cho thể thao tăng nhưng vẫn không đủ
Theo thống kê, tổng chi cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch từ trung ương năm 2020 là 3.297 tỉ đồng. Trong đó có 2.564 tỉ đồng chi thường xuyên và số chi riêng cho sự nghiệp thể thao là 780 tỉ đồng. Con số này của năm 2019 là 572 tỉ đồng.
Điều này cho thấy việc tăng ngân sách chi cho thể thao. Ngoài ngân sách trung ương, hiện nay Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là hai địa phương chi nhiều nhất cho thể thao. Cụ thể, năm 2020 Hà Nội chi cho lĩnh vực thể thao 659 tỉ đồng, còn TP Hồ Chí Minh là 503 tỉ đồng.
Ngân sách chi cho thể thao dù tăng đều trong những năm qua nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu để thể thao Việt Nam tăng tốc.
Muốn có nguồn lực để phát triển mạnh mẽ, ngành thể thao chắc chắn phải tìm kiếm các nguồn đầu tư từ xã hội thông qua Ủy ban Olympic Việt Nam, các liên đoàn thể thao quốc gia.
Nếu không, việc thực hiện mục tiêu có huy chương ở Olympic sẽ rất khó đạt được nếu nhìn về những gì các vận động viên (VĐV) đang được đầu tư.
Vận động viên dự Olympic được hưởng lương 7 triệu đồng/tháng
Hiện nay, mức lương trung bình một VĐV đội tuyển quốc gia được nhận vào khoảng 7 triệu đồng/tháng, áp dụng theo nghị định 152 của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 24.12.2018).
Ngoài tiền lương, VĐV được thực hiện chế độ dinh dưỡng theo thông tư 86 của Bộ Tài chính (có hiệu lực từ ngày 1.1.2021). Theo đó, VĐV đội tuyển trẻ và đội tuyển quốc gia được hưởng tiền ăn 320.000 đồng/người/ngày.
Với huấn luyện viên (HLV), VĐV được triệu tập vào đội tuyển quốc gia để chuẩn bị cho SEA Games, Asiad, Olympic sẽ được hưởng chế độ dinh dưỡng tăng lên 480.000 đồng/người/ngày trong thời gian 90 ngày trước khi đại hội diễn ra.
Với những HLV, VĐV ở những môn có thể tranh HCV Asiad, Olympic trẻ, tranh suất dự Olympic được hưởng chế độ dinh dưỡng 640.000 đồng/người/ngày. Toàn bộ số tiền này được chi cho việc ăn uống và cả thực phẩm chức năng hỗ trợ VĐV trong quá trình tập luyện.
Đời sống của vận động viên ở địa phương vô cùng khó khăn
Các quy định khung của Nhà nước là vậy, nhưng việc thực hiện ở các địa phương thì mỗi nơi một khác. Tỉnh, thành nào có điều kiện có thể áp dụng theo đúng quy định, tỉnh nghèo thì VĐV địa phương gặp vô vàn khó khăn. Hầu hết các địa phương - nơi phát hiện, đào tạo ban đầu cho VĐV thể thao đỉnh cao của Việt Nam - luôn ở trong tình trạng thiếu thốn đủ thứ.
Trò chuyện với Tuổi Trẻ, một HLV thể thao thành tích cao của tỉnh Bắc Kạn nói: "Từ ngày 1.1.2021 lẽ ra phải thực hiện trả tiền lương cho VĐV, HLV theo thông tư 86 của Bộ Tài chính, nhưng tỉnh tôi có lẽ vì khó khăn nên vẫn thực hiện theo quy định cũ.
Hiện VĐV của tôi ở đội tuyển tỉnh được hưởng lương 55.000 đồng/người/ngày (đúng quy định là 180.000 đồng/người/ngày), một tháng các em được trả gần 1,5 triệu đồng. Còn tiền ăn hiện các em đang được hưởng chế độ ăn 130.000 đồng/người/ngày (đúng quy định là 240.000 đồng/người/ngày).
Các em được tuyển vào đội năng khiếu của tỉnh cũng không được đóng học phí, gia đình vẫn phải tự lo. Đi theo thể thao quá khó khăn, vì thế nhiều lần chúng tôi đã tuyển được VĐV tài năng nhưng gia đình không cho con em theo tập. Ở nhà các cháu còn có thể vừa đi học vừa làm ruộng, chăn trâu phụ giúp gia đình".
Tiền ăn 70.000 - 90.000 đồng/ngày làm sao đủ dinh dưỡng để tập luyện Không phải là tỉnh nghèo như Bắc Kạn nhưng Khánh Hòa là một trong những địa phương có chế độ đãi ngộ với VĐV thuộc vào loại thấp của cả nước. Thể thao Khánh Hòa nhiều năm qua không phát triển được cũng là do đãi ngộ quá kém. Gần đây nhất, việc VĐV điền kinh Trần Nhật Hoàng đoạt 3 HCV SEA Games 30 mới khiến người ta nhớ đến thể thao Khánh Hòa. Một HLV Khánh Hòa nói: "Điều kiện tập luyện của VĐV Khánh Hòa rất kém, không đảm bảo để thu hút tài năng và phát triển thể thao thành tích cao. VĐV của Khánh Hòa hiện thực hiện chế độ ăn: 70.000 đồng/người/ngày (VĐV năng khiếu mới tuyển), 90.000 đồng/người/ngày (VĐV đẳng cấp 1) và 110.000 đồng/người/ngày (VĐV kiện tướng). Mỗi năm VĐV của tôi được phát 2 đôi giày bata, 1 đôi giày đinh, 2 bộ quần áo tập luyện. VĐV trẻ cần có dinh dưỡng tốt để tập mà ăn 70.000 - 90.000 đồng/ngày cho 3 bữa thì các em làm sao có đủ dinh dưỡng để tập". |
Theo Tuổi trẻ