Tờ báo cách mạng “Xung Phong” xuất hiện ở tỉnh ta trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.
Đến nay, những hiện vật liên quan đến tờ báo cách mạng này vẫn được lưu giữ, trở thành niềm tự hào của báo chí cách mạng tỉnh nhà.
Hiện vật đặc biệt
Trong kháng chiến chống Pháp, nhiều tờ báo của tỉnh ta liên tiếp ra đời, phát hành đều kỳ và rộng khắp, tuyên truyền đường lối kháng chiến, những nhiệm vụ cụ thể trong sản xuất, chiến đấu, phục vụ quân và dân trong tỉnh. Một trong số đó là báo Xung Phong, tờ báo của thiếu nhi yêu nước Hải Dương do đồng chí Quản Tập làm chủ bút được xuất bản tại huyện Ninh Giang vào khoảng năm 1946.
Hiện vật liên quan đến tờ báo cách mạng này là số báo Tết Mậu Tý, ra ngày 6-2-1948 được đặt trang trọng trong tủ kính khu vực gian trưng bày “Bác Hồ với Hải Dương- Hải Dương với Bác Hồ” ở Bảo tàng tỉnh. Ông An Văn Mậu, Phó Giám đốc bảo tàng tỉnh cho biết tờ báo được Bảo tàng tỉnh sao lại, còn bản gốc hiện đang lưu tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam. Bảo tàng tỉnh đã nhiều lần tổ chức trưng bày hiện vật này trong các dịp kỷ niệm ngày sinh Bác Hồ, Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam…
Ngoài bìa 1 của báo có dòng chữ “Xung Fong số Tết Mậu Tý” cùng hình vẽ hai em bé, một nam, một nữ đứng bên nhau, bụ bẫm, xinh xắn tươi cười. Giữa bìa là cảnh một cây nêu bằng ngọn mác xuyên thủng tên thực dân Pháp mũi lõ. Phía xung quanh chân cây nêu là các em nhỏ đang quây quần ríu rít. Phía xa nữa là cảnh làng quê với lũy tre xanh, lô nhô cờ đỏ sao vàng. Bìa cuối là hình ảnh các em nhỏ đang rước cờ sao vàng trong ngày Tết. Báo được in thạch bản, ra 8 trang, khổ 20x30cm, nội dung phong phú gồm các mục: xã luận, phóng sự, thơ ca, nhạc, tranh vui, giải đố… Trang 3 có lời chúc: “Kính chúc Bác Hồ sống lâu muôn tuổi, thân yêu chúc các anh chiến sĩ lập được nhiều chiến công trong năm mới”. Trang phóng sự có bài “Gương chiến đấu tiểu anh hùng” của tác giả Búa Con. Ngoài ra có các bài, chuyên mục đáng chú ý như: Đón xuân, Đào năm chuột, Căn tức và bài thơ Xuân lịch sử…
Bên cạnh bản sao số xuân báo Xung Phong lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh còn có một hiện vật khác là bản sao của tấm danh thiếp Bác Hồ. Một mặt của tấm danh thiếp, in 3 chữ Hán, mặt kia in tên Bác bằng chữ quốc ngữ kèm bài thơ lục bát:
“Bác nhận được báo Xung- Fong
Cảm ơn các cháu có lòng gửi cho
Các cháu nghe bác zặn zò
Fải biết yêu nước, fải lo học hành.
Siêng làm việc, siêng tập tành
Fải zữ kỷ luật là thành cháu ngoan.
Bác yêu các cháu muôn vàn
Bác gửi các cháu 1 ngàn cái hôn”.Nhân chứng sốngĐược biết nhà báo Quản Tập, chủ bút tờ Xung Phong hiện đang sống tại quận Tây Hồ (TP Hà Nội), chúng tôi đã tìm đến tận nơi để nghe ông kể lại chuyện xưa.
Nhà báo Quản Tập, chủ bút tờ Xung Phong và tấm thiệp Bác Hồ gửi khen báo Xung Phong
Ảnh: Nguyên Dã
Nhà báo Quản Tập tên đầy đủ Quản Văn Tập (sinh năm 1929 ở thị trấn Ninh Giang), nguyên là Phó Tổng Biên tập Báo Thiếu niên Tiền phong. Ở tuổi 86, sức khỏe ông không tốt song đầu óc vẫn minh mẫn. Nói về báo Xung Phong, ông bảo đó là bước khởi đầu quan trọng để ông đi vào lĩnh vực báo chí. “Khi đó tôi 17 tuổi, được giao phụ trách đội thiếu nhi đảm nhiệm giao thông liên lạc ở thị trấn Ninh Giang phục vụ kháng chiến. Đội có chục em nhỏ, ít hơn tôi vài ba tuổi, được học hành nên khi đi giao liên hay được các anh vệ quốc quân hỏi tin tức chiến đấu các nơi. Từ đó, chúng tôi nảy sinh ý tưởng làm một tờ báo để cung cấp thông tin cho các anh vệ quốc và bà con đọc. Cả tòa soạn lẫn phóng viên chỉ có bốn năm người. Tôi lớn tuổi nhất, đảm nhiệm việc viết bài, trình bày, vẽ minh họa cho tờ báo nên được bầu làm chủ bút". Bài viết là các thông tin, sự kiện diễn ra hằng ngày tại các miền quê Ninh Giang được các thành viên của nhóm ghi chép lại, có tranh minh họa. Ngoài ra báo còn đăng cả thơ, nhạc kháng chiến. Báo được chép tay trên giấy vở học sinh bằng chữ quốc ngữ, có hình minh họa tô màu. Để ra nhiều tờ trong một số báo, sau khi viết bài, nhà báo Quản Tập vẽ tranh minh họa rồi pha màu để các em nhỏ trong nhóm tự tô vẽ. Bởi vậy cùng một số báo, bài viết, tranh minh họa giống nhau nhưng màu sắc mỗi tờ một khác. Khi ra mắt, báo được dán trên những chòi thông tin kháng chiến ở các xóm làng của huyện Ninh Giang.
Qua mấy số, báo Xung Phong đã nhận được sự quan tâm của đông đảo mọi người. Từ đó thành lệ, mỗi khi nhóm ra báo, người dân, các chiến sĩ vệ quốc tìm đến tận trụ sở lấy báo và giúp mang báo đi dán khắp nơi. Có lần giấy, bột màu hết nên báo không ra kịp khiến mấy anh vệ quốc và mấy bác nông dân đến tận tòa soạn hỏi. Ngay buổi chiều hôm ấy có người đem giấy và phẩm màu đến tận tòa soạn cho. "Sau này, chúng tôi mới biết các anh vệ quốc và các bác nông dân quyên góp tiền mua giấy, bột màu để ủng hộ tòa soạn", ông Tập kể.
Tiếng tăm vang xa, giữa năm 1947, báo Xung Phong được Tỉnh ủy và Tỉnh đoàn gây dựng thành tờ báo của trẻ em yêu nước Hải Dương và được in màu, phát hành rộng rãi. Tòa soạn là các thành viên cũ và được bổ sung thêm vài thành viên mới. Báo Xung Phong tồn tại đến giữa năm 1949 khi nhà báo Quản Tập và các thành viên khác của toà soạn chuyển công tác thì ngừng. Tổng cộng báo ra được hơn 100 số.
Hỏi về tấm thiệp Bác Hồ gửi khen, ông Tập rất xúc động, rồi ông mở túi áo, lấy ra một mảnh giấy nhỏ chìa cho tôi xem bảo: “Nó đây. Với tôi, tấm thiệp là báu vật lúc nào cũng mang bên mình. Trên đó tôi còn ghi ngày nhận ngày 25 tháng chạp, năm 1947”. Rồi ông kể: “Từ khi báo Xung Phong được gây dựng thành tờ báo của trẻ em yêu nước tỉnh Hải Dương, mỗi số báo, Ban Biên tập lại gửi tặng Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc một tờ. Lúc đó chúng tôi gửi nhưng nghĩ tờ báo chưa chắc đã đến được tay Bác Hồ. Bỗng một hôm, đội thiếu niên giao thông đưa về một chiếc phong bì bé xíu bằng giấy xi măng, ở góc có số công văn 15MCH2. Kính gửi: Báo Xung Phong - Cơ quan của trẻ em yêu nước tỉnh Hải Dương. Sau một hồi đoán già đoán non, tôi đại diện bóc ra. Trong phong bì là một tấm danh thiếp in hai mặt. Ai nấy vô cùng xúc động vì món quà bất ngờ đầy ý nghĩa Bác Hồ gửi tặng. Tôi là chủ bút nên được anh em giao trọng trách giữ gìn tấm danh thiếp. Nhân sự kiện đặc biệt hôm đó, tòa soạn tổ chức một bữa liên hoan bằng canh trứng.
Số xuân của báo Xung Phong hiện lưu giữ tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam là do ông Tập hiến tặng. Ông Tập nhớ lại: “Đợt Bảo tàng Cách mạng Việt Nam thành lập năm 1954, tôi có được mời đến dự. Trong buổi nói chuyện ra mắt, Bác Hồ bảo, đây là nơi tái hiện lịch sử đấu tranh hàng trăm năm qua của nhân dân Việt Nam. Bởi vậy, các cô, chú phải có trách nhiệm tích cực hiến tặng những tài liệu hiện vật cho bảo tàng”.
69 năm trôi qua, những hiện vật liên quan đến tờ báo cách mạng Xung Phong và tấm danh thiếp đặc biệt cùng những lời khen tặng của Bác vẫn là niềm vinh dự đặc biệt của báo chí cách mạng Hải Dương.
NGUYÊN DÃ