Năm 2010, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố ước đạt 7.628,7 tỷ đồng, gấp 5,3 lần năm 2005 và tăng bình quân 39,54%/năm. Tăng mạnh nhất là khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 4.492,3 tỷ đồng, gấp 13,4 lần năm 2005 và tăng bình quân 67,9%/năm.
|
Lắp ráp ô-tô tại Công ty TNHH Ford Việt Nam. Ảnh: Mai Anh
|
Một thời gian dài Hải Dương chỉ được biết đến là "thành phố đi qua". Khi ấy, bức tranh toàn cảnh của thành phố chỉ là những dãy phố lúp xúp. Một đô thị tưởng như "ngủ quên" ấy đã bừng tỉnh giấc với những bứt phá ngoạn mục ở tất cả các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH). Chú trọng công nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp (CN-TTCN), chỉ sau hơn 1 thập kỷ kể từ khi tái lập tỉnh, thành phố liên tục giữ vững nhịp độ phát triển kinh tế ở mức cao và đồng đều.
Ngay sau đại hội lần thứ XX, TP Hải Dương đã tập trung chỉ đạo xây dựng các kế hoạch và triển khai thực hiện chương trình phát triển công nghiệp nhanh và bền vững, nâng cao sức cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu hội nhập. Toàn thành phố hiện có 3 khu công nghiệp (KCN), 5 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích hơn 1.000 ha, thu hút gần 200 dự án, trong đó nhiều dự án có quy mô lớn, công nghệ cao đã và đang hoạt động có hiệu quả. Hoạt động của các KCN, CCN dần đi vào nền nếp, tạo giá trị kinh tế cao và thu hút nhiều lao động địa phương. Riêng quy hoạch giai đoạn 1 của KCN Đại An đã đạt hơn 170 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 100%; có 35 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng vốn đầu tư hơn 186 triệu USD. Các ngành nghề sản xuất linh kiện điện tử, máy cơ khí, mạng dây điện và điện tử ô-tô... thu hút hơn 6.500 lao động có thu nhập ổn định. Doanh thu của KCN Đại An năm 2009 đã đạt gần 40 triệu USD, góp phần quan trọng trong bức tranh quy hoạch và phát triển công nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh. Quy hoạch KCN Đại An giai đoạn 2 đạt 423 ha và đã có 5 doanh nghiệp trong nước đầu tư 11,3 triệu USD thực hiện các dự án. Cùng với đó, KCN Nam Sách sau thời gian xây dựng, hoàn thiện đã đi vào hoạt động ổn định và có hiệu quả. Hiện nay, KCN này có tỷ lệ lấp đầy 100%, gồm 19 doanh nghiệp (chủ yếu doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài), với tổng vốn đầu tư 86,6 triệu USD. Với 1,5 vạn lao động đang làm việc các ngành nghề may, hộp các-tông, tấm ống nhựa PVC, cửa chớp..., năm 2009, doanh thu của KCN Nam Sách đạt 70,6 triệu USD; trong đó, doanh số xuất khẩu đạt 51,8 triệu USD. Ngoài ra, các CCN trên địa bàn thành phố, như Cẩm Thượng, Việt Hoà, Ngô Quyền, Ba Hàng, Thạch Khôi đã thu hút số lượng lớn các doanh nghiệp vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy từ 50,3% đến 97,6%.
Đồng hành cùng sự phát triển của các KCN, CCN, những năm qua, các làng nghề trên địa bàn thành phố tích cực kế thừa và phát huy truyền thống vốn có, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng ngàn lao động. Tiêu biểu là các làng nghề bánh đa Lộ Cương (phường Tứ Minh), nghề mộc Đức Minh (phường Thanh Bình) tiếp tục phát triển ổn định, mở rộng quy mô sản xuất, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Các làng nghề đã thường xuyên giải quyết việc làm cho gần 1.600 lao động, thu nhập bình quân từ 1,5 đến 1,8 triệu đồng/người/tháng.
Năm 2010, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố ước đạt 7.628,7 tỷ đồng, gấp 5,3 lần năm 2005 và tăng bình quân 39,54%/năm. Trong đó, khu vực kinh tế nhà nước ước đạt 993,8 tỷ đồng, gấp 1,8 lần năm 2005 và tăng bình quân 11,9%/năm; khu vực kinh tế ngoài nhà nước đạt 2.142,6 tỷ đồng, gấp 4 lần năm 2005 và tăng bình quân 31,77%/năm; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 4.492,3 tỷ đồng, gấp 13,4 lần năm 2005 và tăng bình quân 67,9%/năm.
Kết quả phát triển CN-TTCN đã phản ánh sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành và sự đồng thuận của nhân dân thành phố trong những năm qua. Trong những năm tới, thành phố sẽ tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá; đẩy nhanh tốc độ phát triển công nghiệp và dịch vụ. Tập trung lựa chọn, thu hút các dự án đầu tư có quy mô lớn, công nghệ cao, bảo đảm môi trường vào các KCN, CCN; đồng thời quy hoạch, khuyến khích phát triển CN-TTCN, làng nghề. Chú trọng tuyên truyền, phổ biến, thực hiện các chế độ, chính sách của Nhà nước về phát triển CN-TTCN, làng nghề theo Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư... Phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng bình quân 18%/năm; phát triển số lượng và năng lực sản xuất từ 7 đến 9%/năm. Đồng thời, tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế phát triển cơ sở dịch vụ và chất lượng hoạt động. Kịp thời động viên, khích lệ các doanh nghiệp, doanh nhân đạt thành tích tiêu biểu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần chuyển dịch và đẩy mạnh phát triển CN-TTCN cũng như KT-XH trên địa bàn thành phố.
TIẾN HUY