60 năm trước, Tết Nhâm Dần 1962, không chỉ có thơ xuân, Hồ Chủ tịch còn gửi đến đồng bào, chiến sĩ những lời động viên ân cần trong thư chúc Tết.
Trong tâm thức mỗi người dân Việt Nam có lẽ không bao giờ quên cảm xúc háo hức đón chờ những vần thơ xuân và thư chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh mỗi dịp Tết đến, xuân về.
Từ năm 1942 đến năm 1969, gần 20 bài thơ xuân và thư chúc Tết của Người được người dân đón nhận như món quà tinh thần đặc biệt từ vị lãnh tụ của đất nước, trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Với những lời giản dị, chân thành, dễ hiểu, dễ nhớ, mỗi bài thơ xuân, thư chúc Tết của Người như một nguồn động lực cổ vũ, khích lệ toàn dân tộc vươn lên mạnh mẽ trong 2 cuộc kháng chiến cũng như trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.
Nhân dịp Tết Nhâm Dần 2022, báo điện tử Hải Dương muốn cùng độc giả nhớ lại những vần thơ xuân và thư chúc Tết của Người 60 năm trước.
Bài thơ chúc Tết xuân Nhâm Dần 1962 của Bác có 8 câu:
Nǎm Dần, mừng xuân thế giới,
Cả nǎm châu phấp phới cờ hồng.
Chúc miền Bắc thi đua phấn khởi,
Bốn mùa hoa Duyên hải, Đại phong.
Chúc miền Nam đấu tranh tiến tới,
Sức triệu người hơn sóng biển Đông.
Chủ nghĩa xã hội càng thắng lợi,
Hoà bình thống nhất quyết thành công.
Có thể thấy, nổi bật trong nội dung bài thơ là tình cảm của Người với người dân hai miền đất nước, kết hợp với đường lối cách mạng được thẩm thấu, quyện chặt trong những vần thơ, thể hiện sự thống nhất trong tư tưởng của nhà chính trị, nhà thơ. Thông qua đường lối chiến lược đối với 2 miền Nam - Bắc, Bác hướng tới mục tiêu của cách mạng Việt Nam là đi đến hòa bình thống nhất.
PGS-TS Đinh Quang Hải, Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, nguyên Viện trưởng Viện Sử học (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) cho biết, thời điểm đó, miền Bắc Việt Nam bước vào năm thứ hai thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất 1961-1965, với những phong trào thi đua ái quốc mang tên Sóng Duyên Hải (điển hình trong lĩnh vực công nghiệp là nhà máy cơ khí Duyên Hải, Hải Phòng-PV), Gió Đại Phong (HTX Đại Phong, xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, lá cờ đầu trong nông nghiệp ở miền Bắc-PV), Cờ Ba nhất (phong trào thi đua trong quân đội - PV)… Đó là những phong trào thi đua điển hình trong cả nước lúc ấy, những phong trào này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thời kỳ 1954 - 1975.
Vì thế, trong bài thơ Bác nhắc đến những “bông hoa” trong phong trào thi đua và chúc người dân miền Bắc “thi đua phấn khởi”. Còn ở miền Nam, đế quốc Mỹ ngày càng tăng cường can thiệp mở rộng hơn cuộc chiến tranh xâm lược hòng tiêu diệt phong trào đấu tranh của nhân dân miền Nam, đàn áp phong trào cách mạng với mục tiêu lâu dài là chia rẽ hai miền Nam - Bắc. Ở miền Nam lúc bấy giờ, sau phong trào đồng khởi, phong trào phá ấp chiến lược nổi lên mạnh mẽ và giành được nhiều thắng lợi. Cùng với đó là phong trào đấu tranh chính trị kết hợp đấu tranh vũ trang sau khi có Nghị quyết 15 NQ/ TW năm 1959 theo chỉ đạo của Trung ương, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, tạo ra thế và lực để nhân dân ta giành thắng lợi trong chiến tranh đặc biệt. Vì thế, Bác chúc bà con miền Nam “đấu tranh tiến tới” với tinh thần đoàn kết “sức triệu người hơn sóng biển Đông”.
Theo Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, bài thơ không chỉ mang ý nghĩa cổ vũ, động viên phong trào thi đua ái quốc sôi nổi ở miền Bắc, bởi khi đó kinh tế miền Bắc phát triển vững mạnh là cơ sở cho cuộc đấu tranh thống nhất đất nước, mà còn thể hiện khát vọng xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, thống nhất đất nước. Bài thơ cũng thể hiện tư tưởng, đường lối chiến lược của Bác: Hòa bình, Thống nhất, Độc lập, Dân chủ và Chủ nghĩa xã hội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh dự liên hoan tại Câu lạc bộ Thiếu nhi đêm giao thừa Nhâm Dần tháng 2.1962. Ảnh tư liệu
Năm Nhâm Dần 1962, cùng với thơ xuân, Bác kính yêu của chúng ta cũng gửi tới đồng bào, chiến sĩ Lời chúc Tết chan chứa tình cảm yêu thương, chan chứa khát vọng hòa bình, độc lập, thống nhất hai miền Nam - Bắc.
“Chúng ta luôn luôn chủ trương rằng thống nhất nước Việt Nam là sự nghiệp thiêng liêng của toàn dân Việt Nam. Đại diện của hai miền có thể gặp nhau, cùng nhau bàn bạc, tìm con đường tốt nhất để hòa bình thống nhất Tổ quốc trên cơ sở độc lập, dân chủ như Hiệp nghị Geneve quy định”, Thư chúc Tết của Bác viết.
Khen ngợi toàn thể đồng bào ở miền Bắc đã hăng hái thi đua xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, Bác mong đồng bào ta, công nhân, nông dân, trí thức, bộ đội, cán bộ… nâng cao tinh thần làm chủ nước nhà, ra sức thi đua, tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, hoàn thành tốt kế hoạch nhà nước năm 1962; luôn nâng cao cảnh giác, giữ gìn trật tự an ninh, đoàn kết phấn đấu đưa miền Bắc tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên Chủ nghĩa xã hội, làm cơ sở vững mạnh cho công cuộc đấu tranh hòa bình thống nhất nước nhà.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc thư chúc Tết. Ảnh tư liệu
PGS-TS Đinh Quang Hải cho rằng, 60 năm sau, khi đất nước đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, bài thơ chúc Tết Nhâm Dần 1962 của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị với tình hình đất nước hiện nay, khích lệ, động viên cả hệ thống chính trị đoàn kết, tiếp tục thúc đẩy phấn đấu thi đua xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước ngày càng hùng cường, giàu mạnh.
“Những vần thơ và thư chúc Tết của Bác hầu như người dân đều hiểu được từng câu, từng chữ. Đó là điều ý nghĩa nhất, vĩ đại nhất của Bác với nhân dân Việt Nam”, PGS-TS Đinh Quang Hải nhấn mạnh.
Theo VOV