Như vậy, sau hơn mười năm chờ đợi từ phía Mỹ, gần 12 năm từ Úc, năm nay quả vải của Hải Dương đã đến được với các thị trường khó tính này.
Giá bán cao hơn hẳn giá nội địa. Bà con nông dân trồng vải rất phấn khởi.
Tuy nhiên, sản lượng vải xuất khẩu chưa cao. Nhiều loại nông sản khác có điều kiện xuất khẩu nhưng vẫn phải "xếp hàng" chờ. Đây là một bài toán không dễ trong quan hệ cung - cầu, đang chờ đợi một lời giải thích hợp.
Là một tỉnh nông nghiệp, chúng ta đã sớm quan tâm đến mặt hàng nông sản. Tỉnh đã ban hành hai đề án "Chuyển đổi cơ cấu cây trồng để đạt hiệu quả kinh tế cao" và "Phát triển chăn nuôi, thủy sản tập trung, nâng cao chất lượng, quy mô, bảo đảm vệ sinh môi trường giai đoạn 2011-2015". Huyện Thanh Hà, thị xã Chí Linh đã chuyển một số vùng trồng vải kém hiệu quả sang trồng ổi, chanh, na. Ở hai huyện Bình Giang, Cẩm Giàng, một số xã đã chuyển vùng sản xuất lúa bấp bênh sang chăn nuôi, thủy sản tập trung. Nhưng tình hình xuất khẩu nông sản của tỉnh ta vẫn còn quá khiêm tốn. Theo thống kê sơ bộ, 6 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu các mặt hàng nông sản giảm, cả về số lượng và giá trị. Tổng kim ngạch xuất khẩu giảm 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Một nguyên nhân quan trọng là người dân vẫn chưa thoát ra khỏi tình trạng sản xuất manh mún, gặp cây gì trồng cây ấy, sản phẩm làm ra chưa chứng minh rõ nguồn gốc xuất xứ và chưa bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Nông sản xuất khẩu chủ yếu là sản phẩm "thô", việc xuất khẩu còn phụ thuộc vào thị trường thế giới.
Đã đến lúc phải hình thành một chuỗi ngành hàng, từ sản xuất đến xuất khẩu, đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Đương nhiên, các cấp chính quyền phải "vào cuộc" với tư tưởng chỉ đạo thực sự "vì nông dân", áp dụng chính sách nông nghiệp, đất đai có lợi cho người dân, tích cực hỗ trợ việc đổi mới công nghệ và đưa công nghệ cao vào nông nghiệp. Phải xây dựng và thực hiện đúng quy hoạch; sản xuất cây, con phải đáp ứng nhu cầu thị trường. Là chủ thể của nông nghiệp, người nông dân phải được huấn luyện và thực hành thành thục các tiêu chuẩn sản xuất tiên tiến như tiêu chuẩn VietGAP, tiêu chuẩn GlobalGAP, tiêu chuẩn Metro, tiêu chuẩn HCCP (hệ thống quản lý chất lượng mang tính phòng ngừa...). Từng hộ sản xuất phải đều đặn ghi nhật ký từng giống cây trồng, từng loại thuốc bảo vệ thực vật, từng loại phân bón... Làm đúng tiêu chuẩn là để giữ chữ "tín" với khách hàng. Như vậy, kể cả khi nông sản rớt giá thì người thực hiện đúng tiêu chuẩn vẫn không bị lỗ vốn. Nhiều công ty đang là những "bà đỡ" cho nông dân như Công ty TNHH Rồng Đỏ, Tập đoàn CI (Hàn Quốc), các hệ thống siêu thị BigC, Fivimart, Saigon Co-op...
Thời gian tới, Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP)... có hiệu lực. Nhiều sản phẩm của Việt Nam có điều kiện vươn xa, nhưng cũng chịu áp lực cạnh tranh quyết liệt. Từ mấy năm nay, tỉnh ta đã từng bước khuyến khích nâng cao sản lượng và chất lượng hàng nông sản xuất khẩu. Đến nay đã có gần 1.000 người trồng vải tự nguyện áp dụng tiêu chuẩn VietGAP hoặc tiêu chuẩn GlobalGAP; đã có chủ trương phát triển na VietGAP ở Chí Linh, ổi VietGAP ở Thanh Hà... Trên 100 cơ sở và hộ nông dân được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Mục tiêu đến năm 2020, toàn bộ diện tích vải, ổi, na sẽ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Đây là một hướng đi đúng đắn, song cũng là một thách thức rất lớn, đòi hỏi sự nỗ lực vượt bậc của cả lãnh đạo và người dân trong tỉnh.
NGUYỄN HỮU PHÁCH